Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhạc Việt năm 2017: Hy vọng mới từ những MV triệu lượt xem

Tạm bỏ qua những ồn ào muôn thuở về phát ngôn hay đấu tố qua lại, Vpop năm 2017 vẫn có những điểm sáng đáng tự hào.

Những kỷ lục ca sĩ Việt xác lập trên YouTube Sơn Tùng là ca sĩ nắm giữ nhiều kỷ lục, trong đó, 'Nơi này có anh' là MV đạt 100 triệu lượt xem nhanh nhất Vpop với 58 ngày.

Nhạc Việt năm 2017 chuẩn bị khép lại với những bước tiến đáng ghi nhận. Nổi bật trong số đó chính là sự cạnh tranh sòng phẳng không kể mới hay cũ giữa các nghệ sĩ và việc chuyên nghiệp hoá các hoạt động nghệ thuật thông qua những trang nhạc số.

Đưa âm nhạc ra thế giới

Chỉ mới vài năm trước thôi, MV triệu lượt xem còn là khái niệm xa vời tại Việt Nam. Thì nay, thời đại nhạc hình lên ngôi đã tạo nên một thời đại mới: MV trăm triệu lượt xem. 

Điều đáng nói là những MV này có tốc độ tăng trưởng không thua kém bất cứ sản phẩm nào của Kpop. Năm 2016, nếu MV dẫn đầu Bống Bống Bang Bang chỉ đạt trên dưới 90 triệu và phải lấn sang năm 2017 chạm mốc 100 triệu, thì Nơi này có anh của Sơn Tùng M-TP trong năm nay chỉ mất 10 tháng để đạt 158 triệu lượt xem.

Nhac Viet nam 2017 anh 1
Mỹ Tâm không còn tụt lại trên YouTube.

Quay ngược lại năm 2013, Mỹ Tâm là ngôi sao đầu tiên lập kênh YouTube tại Việt Nam, từng lập kỷ lục với 200.000 lượt xem trong ngày với MV Em phải làm sao. Nhưng sau bốn năm, con số này ứng với nữ ca sĩ đã tăng lên trung bình 1 triệu lượt xem mỗi ngày với Đâu chỉ riêng em.

Thành công nhất phải kể đến Sơn Tùng M-TP. Chỉ trong vòng một ngày phát hành, Nơi này có anh đạt 7 triệu lượt xem, gần bằng với những kỷ lục lượt xem trong vòng 24 giờ của Kpop trong năm nay. Ngay cả bản hit nổi tiếng Blood, Sweat & Tears của BTS năm 2016 cũng đạt 6,3 triệu lượt xem trong ngày. 

Nói như vậy để thấy rằng Việt Nam đang là thị trường cực kỳ sôi động và dự đoán sẽ gia tăng mạnh mẽ trong các  năm tiếp theo. Sự phát triển này gần như chi phối thị trường âm nhạc Việt Nam, nhất là trong bối cảnh người người nhà nhà đều làm MV, chất lượng ngày càng công phu và đa dạng.

Và để cạnh tranh, những nghệ sĩ bắt buộc phải đầu tư vào sản phẩm chứ không thể dựa vào kinh nghiệm, vị thế trong quá khứ. Kết quả là trong năm 2017, Vpop đón chào nhiều đợt sóng MV đang dạng, thú vị, từ phim ca nhạc, kỹ xảo hoành tráng cho đến cổ trang như Lạc trôi, Em gái mưa, Có em chờ, Em chưa lấy chồng...

Những 'cái tát' đau đớn

"Chuyên nghiệp" là từ thường được dùng khi nói về những hoạt động âm nhạc mà ở đó, cả nghệ sĩ và khán giả đều là những bên hưởng lợi. Tuy nhiên có lẽ ít người hiểu rõ độ nặng của từ này, khi thành quả được nhận và cái giá phải trả cũng ngang nhau.

Tại một thị trường mà nền công nghiệp ghi âm vẫn đang hình thành, việc thưởng thức nhạc mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là thương mại. Đó là lý do mà âm nhạc đối với một bộ phận khán giả, chỉ là những sản phẩm được phục vụ miễn phí và không có nhiều giá trị.

Giữa năm 2017, người hâm mộ Việt Nam hân hoan đón chờ tin tức về tour diễn chính thức của siêu sao tầm cỡ giới Ariana Grande. Nghĩa là khán giả sẽ lần đầu tiên được chìm đắm trong không gian âm nhạc chuyên nghiệp, với một giọng ca, vũ đoàn, hệ thống âm thanh và ánh sáng chuẩn quốc tế.

Nhưng khi chỉ còn 5 tiếng nữa đến giờ diễn, Ariana Grande đột ngột thông báo buổi biễu diễn của cô sẽ bị huỷ vô thời hạn vì lý do sức khoẻ. Nữ ca sĩ không nói gì thêm và nhanh chóng thu xếp qua Trung Quốc để tiếp nối hành trình mới.

Người hâm mộ Việt Nam đã thất vọng và giận dữ như thế nào.  Không một lời xác nhận đầu tiên từ ban tổ chức, những tấm vé Dangerous Woman Tour mà hàng nghìn khán giả đang cầm trên tay bỗng trở nên vô giá trị như chính lời xin lỗi của nữ ca sĩ.

Nhac Viet nam 2017 anh 2
Noo Phước Thịnh lãnh hậu quả nghiêm trọng nhất, chứng tỏ các nghệ sĩ nước ngoài làm việc rất chuyên nghiệm và coi trọng sản phẩm do mình làm ra. Ảnh: FBNV.

Nhưng nếu nhìn rộng ra, cách hành xử của Ariana Grande rõ ràng có lý do, mà giả thuyết lớn nhất vẫn là bởi Việt Nam không phải thị trường âm nhạc tiềm năng. Động thái đăng tải bằng Instagram của cô là cái tát đau nhưng rất cần thiết để thấy rằng chuyên nghiệp trước hết phải sòng phẳng, càng không có chuyện nghệ sĩ chỉ cho đi mà không được nhận lại xứng đáng. 

Nói về sòng phẳng lại nhớ đến sự việc gần đây của Noo Phước Thịnh và Bảo Anh. Vô ý sử dụng nhạc người khác mà chưa xin phép, Chạm khẽ tim anh một chút với số lượt xem 30 triệu đã bị xoá khỏi YouTube.

Sống xa anh chẳng dễ dàng thì may mắn hơn, nhờ thương lượng kịp thời và đóng phạt 100 triệu đồng nên được giữ lại. Qua hai câu chuyện của Noo Phước Thịnh - Bảo Anh mới thấy rằng, âm nhạc dưới bất cứ hình thức nào cũng không nên và không bao giờ miễn phí.

Và chuyên nghiệp đôi khi còn là sự đánh đổi, chẳng hạn như việc Ariana Grande vì lý do nào đó đã sẵn sàng từ bỏ sự yêu mến của người hâm mộ Việt Nam để tập trung cho những sân khấu mới, những sân khấu lấp đầy được cả sân vận động với hàng chục nghìn khán giả.

'Năm 2017 rồi mà còn ra album hay đĩa hả trời?'

Nói đi thì cũng phải nói lại, có một sự thật cay đắng là người ta bây giờ chỉ thích xem nhạc hơn là nghe nhạc. Một MV với đầy đủ hình ảnh, nội dung được kết hợp cùng phần nhạc chính là lựa chọn không thể hoàn hảo hơn trong thời đại nhạc số, cả với nghệ sĩ lẫn khán giả.

Uyên Linh trong một buổi giao lưu tại phòng trà đã tiết lộ lý do phát hành album Portrait bằng định dạng CD như sau: "Biết là cực, nhưng cảm giác được cầm trên tay chiếc đĩa mà mình đã bỏ hàng nghìn giờ đồng hồ để chọn, thu, phối các bài hát với nhau, nó sướng lắm".

Nữ ca sĩ cũng nhắc lại những thắc mắc mà khán giả đặt ra ở cô: "Năm 2017 rồi mà còn ra đĩa hả trời?". Uyên Linh không nói nhiều hơn về khả năng thương mại của Portrait, mà chỉ xem đó là một sự tri ân của mình đến với công chúng sau 3 năm đi tìm chất liêụ. 

Cô là nữ ca sĩ hiếm hoi vừa dám đầu tư làm album với trên 10 ca khúc trong thời đại đĩa đơn đang quá được chú trọng, vừa phát hành nó bằng định dạng CD. Làm được một trong hai điều này đã khó, huống hồ là cả hai.

Nhưng có lẽ hiếm ai nhớ đến điều thứ ba: khả năng tiêu thụ của sản phẩm. Thật vậy, cũng rất lâu rồi truyền thông và báo chí Việt Nam không còn đưa tin về những kỷ lục doanh số bán đĩa như thời Đan Trường, Ưng Hoàng Phúc, nhóm nhạc H.A.T, Mỹ Tâm...

Nhac Viet nam 2017 anh 3
Sơn Tùng M-TP là định nghĩa hoàn hảo về khái niệm thần tượng tại Vpop. Ảnh: NVCC.

Ấy vậy mà gần cuối năm 2017, sự trở lại cũa Mỹ Tâm với Tam 9 đã rẽ nên một cú lội ngược dòng. Đó là trong hôm ra mắt, album tiêu thụ được 5.000 bản CD dù chỉ bán trực tiếp chứ chưa hề tính đến CD được đặt hàng online.

Thành tích này không thể sánh bằng với những thị trường hàng đầu như Âu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng vẫn cho thấy một điều rằng: không quan trọng người nghệ sĩ hoạt động trong thị trường nào, quan trọng là nghệ sĩ ấy biết định giá sản phẩm do mình làm ra.

Cái giá của một sản phẩm trước tiên phải đến từ uy tín, năng lực và giá trị của người nghệ sĩ trong suốt những năm hoạt động, cống hiến. Và Mỹ Tâm chính là hình mẫu tiêu biểu của một ca sĩ chỉ nên gây "ồn ào" bằng sản phẩm.

Quay ngược lại tháng 4, Sơn Tùng M-TP cũng được xếp vào danh sách những nghệ sĩ có thể bán đĩa tại Việt Nam. Sau 5 năm kể từ khi đặt chân lên sân khấu chuyên nghiệp đầu tiên, album của nam ca sĩ bán được 1.000 bản chỉ trong hôm ra mắt.

Khác với Uyên Linh hay Mỹ Tâm, Sơn Tùng M-TP định hình rõ con đường trở thành ngôi sao hàng đầu. Anh đánh mạnh vào các mặt từ hình ảnh cho đến chất nhạc, và xây dựng được cộng đồng người hâm mộ thuộc hàng hiếu chiến bậc nhất, sẵng sàng bỏ thời gian, công sức và tiền bạc để ủng hộ thần tượng.

Cách đây vài năm, hình thức hâm mộ này còn bị cho là hao phí thời gian, đua đòi hay tập hư cho nghệ sĩ. Còn giờ đây, để thúc đẩy nền âm nhạc phát triển, thì không còn cách nào khác những nghệ sĩ và cộng đồng người hâm mộ của mình phải thiết lập được mối quan hệ "mua - bán" sòng phẳng.

Chỉ như vậy, mới không có chuyện mãi đến năm 2017, Việt Nam vẫn chưa hình thành ngành công nghiệp ghi âm thực sự, khi nghệ sĩ ra album chủ yếu để kỷ niệm còn MV hay single thì xuất hiện đầy rẫy trên mạng với lý do "mua hình ảnh" và sợ khán giả quên mình.

Nhìn chung, tạm bỏ qua những ồn ào muôn thuở về phát ngôn hay đấu tố qua lại, Vpop năm 2017 vẫn có những điểm sáng đáng tự hào, mở ra một năm đầy hy vọng cho 2018 với những gạch đầu dòng cần hoàn thành như: nhiều hơn những MV trăm triệu lượt xem, vấn đề bản quyền được coi trọng và nghệ sĩ sẽ kiếm được tiền từ sản phẩm. 

Nhạc Việt 2017: Toàn 'Hóng hớt showbiz', âm nhạc còn ý nghĩa không?

Văn hóa "diss" (tiếng lóng của "disrespect" - thiếu tôn trọng) đang lan từ nhạc quốc tế đến nhạc Việt, để lại những bài hát với ca từ gây chú ý ngắn ngủi trong vài ngày thị phi.


Hoàng Long

Bạn có thể quan tâm