Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhạc xưa: Đường về muôn nẻo

Có thể nói, trong thời điểm sáng tác mới của các nhạc sĩ trẻ đã bão hòa, chưa bao giờ những nẻo đường nhạc xưa lại trăm hoa đua nở như hiện nay.

Nhạc xưa: Đường về muôn nẻo

(Zing) - Có thể nói, trong thời điểm sáng tác mới của các nhạc sĩ trẻ đã bão hòa, chưa bao giờ những nẻo đường nhạc xưa lại trăm hoa đua nở như hiện nay.

Sự kiện nam ca sĩ Đức Tuấn vừa tung ra album nhạc Văn Cao vào ngày 4/7/2008 với tựa đề “Tiếng hát Trương Chi” có thể sẽ giúp cho thị trường âm nhạc sau mùa mưa rục rịch sôi động trở lại. Tuyệt nhiên không thể khiến người nghe bất ngờ với sự xuất hiện của một album nhạc xưa nữa khi mà những nẻo đường trở về những vàng son xưa cũ vốn dĩ ngày càng nhiều thêm.

Nhạc xưa: Đường về muôn nẻo

Ca sĩ Quang Dũng

Đi tìm khái niệm nhạc xưa

Nhắc tới nhạc xưa, người ta thường ngay lập tới liên tưởng tới nhạc tiền chiến, khái niệm vốn dùng chỉ dòng nhạc mới của Việt Nam theo âm luật Tây Phương trước khi nổ ra chiến tranh Việt Pháp. Những tác giả tiêu biểu của nhạc tiền chiến có thể kể đến Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Lê Thương, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, Đặng Thế Phong… với những ca khúc theo phong cách trữ tình lãng mạn đã đi sâu vào tâm hồn nhiều thế hệ người Việt Nam như Con thuyền không bến, Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong), Trương Chi, Thiên thai (Văn Cao), bộ ba ca khúc Hòn Vọng Phu (Lê Thương), Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều (Đoàn Chuẩn)…

Gần hơn một chút, trong thời kỳ 1954-1975, cả nhạc đỏ ở miền Bắc với các ca khúc hừng hực lửa kháng chiến cũng như các tình khúc lưu hành rộng rãi ở miền Nam của các tác giả Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng… cũng được xem là nhạc xưa.

Thậm chí, cả những ca khúc nhạc vàng (nhạc bolero, nhạc sến) vốn thịnh hành cách đây gần 20 năm cũng được không ít người gom tất vào khái niệm “nhạc xưa”. Theo định nghĩa của họ, chỉ cần là những tác phẩm được sáng tác trước thời của họ ngay lập tức được vinh hạnh gọi là “nhạc xưa”. Có vẻ như trong bối cảnh hiện nay của thị trường âm nhạc Việt Nam, khái niệm “nhạc xưa” đã được dễ dãi đi ít nhiều.

Hát nhạc “cũ” – trào lưu “mới” ?

Khởi điểm của phong trào hát nhạc xưa có thể truy ngược về khoảng năm 2005, thời điểm mà hang loạt album hát nhạc Trịnh của các ca sĩ như Thanh Lam (Ru mãi ngàn năm, Này em có nhớ), Đàm Vĩnh Hưng (Phôi pha), Phương Thanh (Thương một người)… ra đời. Loạt album này với cách hát mới đầy phá cách đã nổ phát pháo đầu tiên thu hút sự chú ý tò mò của công luận cũng như gây ra không ít tranh cãi trái chiều vào thời điểm đó.

Sự thành công của các album này đã thực sự tạo nên một làn sóng quay trở lại với nhạc xưa của các ca sĩ vốn xưa nay quen hát nhạc trẻ.

Nhạc xưa: Đường về muôn nẻo
Thanh Thảo với tà áo dài thướt tha

"Tắc kè" Thanh Thảo đổi màu thành một cô gái Sài Gòn áo dài thướt tha dịu dàng trong album Bảy ngày đợi mong với những ca khúc Trăng sơn cước, Bức họa đồng quê (Văn Phụng), Tóc mây (Phạm Thế Mỹ), Tình có như không, Bảy ngày đợi mong (Trần Thiện Thanh), Lời cuối cho em (Nguyễn Ánh 9)…

Nam ca sĩ Quang Hà vốn nổi tiếng trước đó với nhiều scandal cũng chững chạc hơn với album Cỏ úa đáp ứng nhu cầu của lứa tuổi U40-U70 qua những tình khúc nổi tiếng một thời như Cỏ úa (Lam Phương), Niệm khúc cuối, Áo lụa Hà Đông (Ngô Thụy Miên), Thương nhau ngày mưa (Nguyễn Trung Cang)…

Ca sĩ Hiền Thục trong album vol 3 Bảo đánh dấu sự trở lại của mình cũng không kém cạnh với Ngàn thu áo tím (Hoàng Trọng). Nữ ca sỹ Cẩm Ly bên cạnh dòng nhạc dân ca sở trường của mình cũng thử sức với nhạc xưa khi song ca với Quốc Đại trong 2 album liên tiếp Lâu đài tình áiNgọn trúc đào với các ca khúc của các nhạc sĩ Vinh Sử (Quên cây cầu dừa, Chiều nước lũ), Y Vân (Về dưới mái nhà, Nhạt nắng), Trần Thiện Thanh (Tình đầu tình cuối, Lâu đài tình ái), Mặc Thế Nhân (Cho vừa lòng em)…

Cũng hát lại nhạc vàng, Đan Trường làm mọi người giật mình khi hát lại hai ca khúc thời mưa bụi là Người đi ngoài phố (Anh Việt Thu), Mưa bụi 2 (Vinh Sử). Trong khi đó, Phương Thanh thậm chí còn tung ra hẳn album Chanh bolero với những Sầu tím thiệp hồng (Hoài Thu), Bạc trắng lửa hồng (Thùy Linh), Cây cầu dừa, Giọt lệ đài trang (Hàn Châu) hay thậm chí là Lan và Điệp (Mạc Phong Linh & Mai Thiết Lĩnh).

Hoành tráng nhất phải kể đến Đàm Vĩnh Hưng. Đầu tiên anh phát hành liên tiếp 2 album Hạnh phúc lang thangThương hoài ngàn năm tập hợp đầy đủ các thế hệ nhạc sĩ từ thời nhạc tiền chiến của Đặng Thế Phong (Con thuyền không bến), Phạm Đình Chương (Mộng dưới hoa), Cung Tiến (Hoài cảm), Thông Đạt (Ai về sông Tương) cho đến nhạc tình miền Nam của Ngô Thụy Miên (Mùa thu cho em, Bản tình cuối), Lam Phương (Cỏ úa, Thao thức vì em), Trịnh Công Sơn (Em đi bỏ mặc con đường, Đêm thấy ta là thác đổ, Tình nhớ), Nguyễn Vũ (Bản thánh ca buồn, Lời cuối cho em) và bao luôn cả nhạc vàng với Thanh Sơn, Vinh Sử, Anh Việt Thu…

Nhạc xưa: Đường về muôn nẻo
Mr Đàm và Thương hoài ngàn năm

Thừa thắng xông lên, Đàm Vĩnh Hưng đã thể hiện lại những vệt màu thời gian của hòn ngọc Viễn Đông- Sài Gòn xưa trong liveshow ca nhạc Thương Hoài Ngàn Năm kéo dài từ rạp Quốc Thanh tới sân khấu Lan Anh và gần đây nhất là sân khấu 126. Gần đây, anh còn phát hành DVD liveshow Thương hoài ngàn năm để dành cho những khán giả nào muốn sống lại lần nữa không khí của chương trình này. Sắp tới, Đàm Vĩnh Hưng còn sắp ra mắt album hát nhạc xưa kế tiếp với những Sao em Nỡ Đành Quên, Định Mệnh, Hàn Mặc Tử…

Nhạc xưa – Lối nhỏ mình ta

Đa phần những ca sĩ được nhắc đến trong phần trước cũng chỉ hát nhạc xưa như một kiểu thời trang để làm mới mình và sẽ sớm chuyển sang một xu hướng mới khi trào lưu này thoái trào, như cách họ đã từng thực hiện khi tuyên bố hát rock rồi lại hát… hiphop.

Thật ra việc thường xuyên thay đổi phong cách không phải là xấu trong nền âm nhạc vốn vẫn còn ít nhiều mang tính bề nổi như Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn tồn tại những nghệ sĩ chọn nhạc xưa như lối đi riêng cho họ, một quyết định có thể được cho là không hợp thời nhưng thực ra lại khá thông minh.

Đầu tiên phải kể đến Quang Dũng, nam ca sỹ gốc Quy Nhơn giờ đây vốn đã nổi tiếng là một trong những ca sĩ chuyên hát “nhạc sang” tại Việt Nam. Chất giọng không thực sự chuẩn và lại bị ảnh hưởng ít nhiều của Tuấn Ngọc, một đàn anh trong nghề, nhưng với vẻ hiền lành, lịch lãm cùng gương mặt sáng sân khấu, Quang Dũng đã khôn ngoan hướng mình theo dòng nhạc xưa và nhạc trữ tình ngay từ những album đầu tiên.

Bắt đầu sự nghiệp với album mang tên Biển Nghìn Thu Ở Lại, cũng là tên sáng tác cuối cùng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tới nay, Quang Dũng đã cho ra đời được … 22 album với toàn những ca khúc trữ tình nhẹ nhàng của các nhạc sĩ trải dài qua nhiều thế hệ khác nhau. Và dĩ nhiên, dù trong bất cứ album nào thì những ca khúc “nhạc xưa” đều có được những vị trí trang trọng của nó.

Trong số các album đã ra mắt của Quang Dũng, có thể nói album duy nhất hơi khác biệt về chất nhạc là Đêm Thành Phố Đầy Sao, một album tuy mang hơi hướng nhạc đỏ với các ca khúc truyền thống Cách mạng nhưng vẫn nhẹ nhàng và lắng đọng với các nhạc phẩm như Nhớ về Hà Nội, Đêm thành phố đầy sao, Nhánh lan rừng, Một đời người một rừng cây

Có thể nói, vị trí hiện tại mà Quang Dũng đã đạt được trong lòng khán giả là khá vững chắc khi có rất ít ca sĩ đi theo con đường như anh mà lại đạt được thành công như thế, một điều khá hiếm hoi trong nên âm nhạc đang cạnh tranh gay gắt như ở Việt Nam hiện nay.

Một trường hợp khác cũng chọn “nhạc xưa” làm lối đi riêng cho mình chính là người đã được đề cập ở đầu bài viết, nam ca sĩ Đức Tuấn. Sau album đầu tay hát nhạc trẻ không mấy thành công, Đức Tuấn đã chuyển hướng hẳn sang thể loại bán cổ điển đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc vững và chất giọng đặc trưng. Lần lượt các album Đôi mắt người Sơn Tây hát nhạc Phạm Đình Chương, album vol 3 Những tình khúc Phạm Duy – Trịnh Công Sơn, album Đức Tuấn hát tình ca Phạm Duy đã hoàn toàn chinh phục cả những khán giả khó tính nhất và khẳng định được sự đúng đắn của một người trẻ tài năng dám mạo hiểm rẽ ngang khỏi con đường mòn.

Album Tiếng hát Trương Chi vừa ra mắt chỉ là bước đầu tiên của một dự án dài hơi, khi Đức Tuấn sẽ tiếp tục đưa chủ đề này dựng thành nhạc kịch tại các nhà hát lớn ở cả Hà Nội lẫn thành phố Hồ Chí Minh. Những thành công mới sẽ vẫn còn chờ đợi chàng ca sĩ tài hoa dám nghĩ khác và làm khác này.

Nhạc xưa: Đường về muôn nẻo

Đức Tuấn dám nghĩ khác và dám làm khác

Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến rất nhiều ca sĩ vẫn đêm đêm dùng lời ca tiếng hát lưu giữ những khoảnh khắc thời gian xưa cũ tại các quán bar và phòng trà ca nhạc. Sâu lắng và thâm trầm, những ca sĩ ít tên tuổi này đã giúp mỗi người trong chúng ta tìm lại những khoảng lặng trong tâm hồn sau ngày dài mệt nhọc bon chen giữa nhịp sống ồn ào. Chính họ là những người đã vẽ nên một mảng khác rất riêng của nền văn hóa thành thị.

Lời kết

Đi tìm lời giải thích cho việc tại sao nhạc xưa vẫn luôn được xem trọng có lẽ không phải là điều quá khó. Những ca khúc nhạc xưa đã chứng tỏ được chân giá trị của mình khi không bị đào thải theo thời gian, và khi các sáng tác mới vẫn còn nhạt nhòa và nhốn nháo như hiện nay, việc các ca sĩ tìm về nhạc xưa là điều dễ hiểu. Hơn nữa, với không ít ca sĩ, nhạc xưa lại là một cách để họ chứng tỏ đẳng cấp của mình.

Nhưng dù vì bất cứ lý do nào đi chăng nữa, hồn nhạc xưa sẽ vẫn luôn tồn tại bền bỉ trong nền âm nhạc VN, và đêm đêm, tại các sân khấu sáng đèn, các ca khúc nhạc xưa vẫn vang lên như một minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của một dòng nhạc không bao giờ cũ.

Jiary GS

Bạn có thể quan tâm