Bệnh thủy đậu (trái rạ) là gì?
Bệnh thủy đậu (trái rạ) là bệnh siêu vi do siêu vi khuẩn ‘herpes zoster’ (còn được gọi là siêu vi khuẩn Varicella-Zoster) gây ra. Trẻ em mắc bệnh này thông thường chỉ bị bệnh tương đối nhẹ. Người lớn và người có hệ miễn dịch kém, khi bị bệnh thủy đậu (trái rạ) có thể bị bệnh trầm trọng.
Bị bệnh thủy đậu trong thời gian mang thai có thể làm cho thai nhi bị dị dạng, da bị sẹo và những vấn đề khác cho em bé. Ngày nay tỷ lệ mắc bệnh thủy đậu (trái rạ) ngày càng giảm dần khi có nhiều người được chủng ngừa hơn.
Bệnh có những triệu chứng gì?
Triệu chứng khởi đầu của bệnh thủy đậu (trái rạ) là đột nhiên bị sốt nhẹ, sổ mũi, cảm thấy người không khỏe và da nổi mẩn đỏ.
Thông thường mẩn đỏ bắt đầu bằng những chùm nhỏ rồi biến thành những mụn nước và đóng vảy.
Mẩn đỏ xuất hiện trong ba đến bốn ngày. Ở bất cứ thời điểm nào, các vết lở của mẩn đỏ thay đổi theo các giai đoạn phát triển khác nhau.
Thông thường các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện trong hai tuần lễ sau khi người ta tiếp xúc với siêu vi khuẩn gây bệnh.
Đa số người bệnh đều bình phục mà không bị biến chứng, nhưng đôi khi bệnh thủy đậu có thể dẫn tới những biến chứng trầm trọng hơn, chẳng hạn như bị viêm phổi và viêm não. Trong trường hợp hãn hữu, bệnh có thể gây tử vong.
Bệnh lây lan bằng cách nào?
Trong thời kỳ đầu của bệnh thủy đậu, siêu vi khuẩn gây bệnh lây lan khi người bệnh ho.
Trong giai đoạn sau đó, siêu vi khuẩn gây bệnh lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với chất dịch của các mụn nước.
Bệnh rất hay lây đối với người chưa bao giờ bị bệnh thủy đậu (trái rạ) hoặc chưa bao giờ được chủng ngừa.
Người bệnh sẽ lây lan cho người khác trong từ một hay hai ngày trước khi nổi mẩn đỏ (tức là trong giai đoạn bị sổ mũi) và có thể đến năm ngày sau đó (khi các mụn nước đã đóng vảy cứng).
Khi bị bệnh thủy đậu (trái rạ), cơ thể sẽ tạo ra sức đề kháng miễn dịch và người ta hiếm khi bị bệnh thủy đậu (trái rạ) hai lần.
Ai dễ bị mắc bệnh này?
Bất cứ ai chưa bị bệnh thủy đậu (trái rạ) hoặc được chủng ngừa trong quá khứ đều có thể bị bệnh này.
Người đã bị bệnh thủy đậu (trái rạ) thường được miễn nhiễm đối với siêu vi khuẩn gây bệnh này. Thậm chí người lớn trước đây chưa từng bị bệnh thủy đậu (trái rạ) cũng có thể được miễn nhiễm với bệnh này (vì trong quá khứ đã bị nhiễm bệnh nhưng nhẹ). Đôi khi, bác sĩ cũng cho bệnh nhân thử máu để xem những người này có cần được chủng ngừa hay không.
Cách ngừa bệnh?
Ngày nay tất cả trẻ em 18 tháng tuổi và trẻ em học năm đầu bậc trung học chưa được chủng ngừa và chưa bị bệnh thủy đậu (trái rạ) đều nên được chủng ngừa bệnh này.
Thanh thiếu niên từ 14 tuổi trở lên, chưa miễn dịch với bệnh này cũng nên được chủng ngừa. Việc chủng ngừa gồm 2 liều, cách nhau 1 đến 2 tháng. Người dễ có nguy cơ bị bệnh thủy đậu (trái rạ), ví dụ như nhân viên y tế, người đang sống hay làm việc với trẻ nhỏ, phụ nữ định có thai và người có hệ miễn dịch ức chế ở chung và tiếp xúc với người bệnh nên được chủng ngừa bệnh này.
Người bị bệnh thủy đậu (trái rạ) nên tránh xa người khác (và không đi nhà trẻ hay đi học) trong khoảng ít nhất năm ngày sau khi nổi mẩn đỏ và toàn bộ các mụn nước đã khô.
Người bị bệnh thủy đậu (trái rạ) nên che mũi và miệng khi ho hay hắt hơi, vứt bỏ giấy lau dơ, rửa tay kỹ và không sử dụng chung đồ dùng để ăn, thức ăn hoặc đồ dùng để uống.
Thai phụ nên tránh xa bất cứ ai bị bệnh thủy đậu (trái rạ) hoặc bệnh giời leo (bệnh Zona) và nên đi khám bác sĩ nếu đã ở gần người bị những bệnh này.
Trẻ em có hệ miễn dịch suy yếu (ví dụ như bị bệnh bạch cầu) hoặc người đang được hóa trị nên tránh xa bất cứ ai bị bệnh thủy đậu (trái rạ) hoặc bệnh giời leo bởi lẽ những người này có thể bị bệnh rất nặng.
Bệnh được chẩn đoán bằng cách nào?
Đa số trường hợp bệnh có thể được chẩn đoán theo những triệu chứng bệnh và sự xuất hiện của mẩn đỏ. Đôi khi việc chẩn bệnh được xác nhận bằng những mẫu xét nghiệm các mẩn đỏ hay máu.