Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhận diện các chiêu trò lừa đảo xuất khẩu lao động

Các đối tượng lừa đảo đã làm giả các loại giấy tờ và gửi cho người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động để họ tin tưởng chuyển khoản tiền cọc, tiền vé máy bay để chiếm đoạt.

Không có khả năng xin đi xuất khẩu lao động tại Ba Lan và Australia nhưng để có tiền chi tiêu cá nhân, Vũ Văn Chương (SN 1988, trú tại xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) đã đưa ra thông tin gian dối, đồng thời nhờ người làm giả giấy thông báo của Đại sứ quán Australia, làm giả giấy chứng nhận hợp pháp của Đại sứ quán Ba Lan, làm giả Visa của Đại sứ quán Ba Lan và Code vé máy bay của bị hại để chiếm đoạt tài sản.

Những chiếc "bẫy" lừa hoàn hảo

Một trường hợp khác là Lê Quý Cường (SN 1994) trú xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cường làm nghề lao động tự do, không có chức năng, không được cấp phép đưa người đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Khoảng cuối tháng 5/2022, thấy nhiều người có nhu cầu, Cường đã đăng tải lên mạng xã hội thông tin tìm người có nhu cầu đi lao động tại Hàn Quốc, đi du lịch không cần Visa...

Khi có người liên lạc, Cường yêu cầu họ chuyển tiền mua vé máy bay, chuyển tiền để làm thủ tục xin Visa sang Hàn Quốc rồi chiếm đoạt. Để tránh bị phát hiện, Cường truy cập vào trang web Abay.vn, nhập thông tin cá nhân của bị hại đăng ký mua vé máy bay đi Hàn Quốc rồi chụp lại hình ảnh, gửi cho các bị hại để tạo niềm tin. Bằng thủ đoạn trên, Lê Quý Cường đã chiếm đoạt của 10 người bị hại với tổng số tiền 747 triệu đồng.

Mới đây nhất, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định khởi tố đối với Hoàng Hải Ly (SN 1991) trú tại phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chieu tro lua dao,  Xuat khau lao dong anh 1

Cơ quan điều tra ghi lời khai Hoàng Hải Ly.

Theo tài liệu điều tra, Ly lên mạng tải hình ảnh về chương trình du lịch Hàn Quốc kèm theo hứa hẹn sẽ lo cho các nạn nhân có thể đi du lịch Hàn Quốc theo diện miễn thị thực. Khi người dân có nhu cầu tìm đến Ly, đối tượng này yêu cầu nạn nhân phải đặt cọc hàng triệu đồng với lý do chống bỏ trốn.

Để tạo sự tin tưởng cho các nạn nhân, Ly còn thuê người chỉnh sửa hình ảnh, tạo các giấy tờ miễn thị thực giả, chỉnh sửa hình ảnh giấy tờ xuất cảnh theo thông tin, ngày giờ chuyến đi mà Ly đưa ra.

Đến gần ngày hẹn bay của khách hàng, Ly đưa ra nhiều lý do khác nhau như một số người cùng chuyến bay với người bị hại chưa làm xong thủ tục nên chưa bay được, nhằm kéo dài thời gian xuất cảnh của nạn nhân.

Cơ quan Công an xác định Ly đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại trên cả nước với số tiền trên 1,5 tỷ đồng.

Nắm vững thông tin để không mắc bẫy lừa xuất khẩu lao động

Thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động là đưa ra các thông tin hấp dẫn, viết bản cam kết với lao động, chỉnh sửa hình ảnh, tạo các giấy tờ miễn thị thực giả... để chiếm đoạt tiền của các lao động. Do đó, người dân cần tuyệt đối không đóng tiền cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp không được cấp phép...

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân khi có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài cần tìm hiểu kỹ thông tin và liên hệ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc các công ty du lịch, xuất khẩu lao động uy tín, được cấp phép hoạt động.

Để đảm bảo quyền lợi và tránh rủi ro, người dân có thể truy cập trang web chính thức của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa chỉ https://dolab.molisa.gov.vn.

Trên trang web này, người dân có thể kiểm tra thông tin về các thị trường lao động; tra cứu danh sách các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Chỉ các doanh nghiệp có tên trong danh sách này mới có chức năng tuyển dụng và thực hiện thủ tục xuất khẩu lao động. Nếu doanh nghiệp tự nhận là có liên kết với các doanh nghiệp được cấp phép, người dân cần yêu cầu cung cấp hợp đồng liên kết để xác minh.

Tuyệt đối không đóng tiền cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp không được cấp phép. Trong trường hợp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hãy kịp thời thông báo cho cơ quan Công an để được hỗ trợ và xử lý.

Sách về Pháp luật

Cuốn sách "Cẩm nang thi hành án dân sự" đáp ứng nhu cầu tra cứu nhanh, chính xác các quy định của pháp luật thi hành án dân sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án, đồng thời chỉ ra một số vướng mắc trong các quy định của pháp luật khi áp dụng vào các tình huống thi hành án cụ thể.

https://www.anninhthudo.vn/nhan-dien-cac-chieu-tro-lua-dao-xuat-khau-lao-dong-post596170.antd

T.Văn/An ninh Thủ đô

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm