Phản ứng sau tiêm nhẹ
Thường không nghiêm trọng, không có nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe của người được tiêm chủng. Phản ứng thường xảy ra tại vị trí tiêm như: sưng, đỏ, đau; thậm chí sốt và các triệu chứng khác cũng là một phần của phản ứng miễn dịch. Hầu hết các phản ứng vắc-xin dạng này là nhẹ và tự khỏi. Chẳng hạn, việc tiêm vắc-xin BCG ngừa bệnh lao được chích cho trẻ sơ sinh thì có đến 90-95% trường hợp có phản ứng sưng, đau, đỏ tại chỗ tiêm.
Thông thường ngay sau khi tiêm vắc-xin BCG, xuất hiện một nốt nhỏ tại chỗ tiêm và biến mất sau 30 phút. Sau khoảng hai tuần lại xuất hiện một vết loét đỏ có kích thước bằng đầu bút chì. Sau đó hai tuần, vết loét tự lành, để lại một sẹo nhỏ có đường kính 5mm, chứng tỏ trẻ đã có miễn dịch. Hay như vắc-xin ngừa bệnh thủy đậu, sẽ có từ 7-30% trẻ có phản ứng sưng đau tại chỗ, nhưng biểu hiện này lại lên đến 50% ở trẻ chích vắc-xin DTP toàn tế bào ngừa bệnh ho gà.
Trong khi những biểu hiện sốt trên 38 độ C và các triệu chứng kích thích toàn thân, khó chịu không xảy ra khi tiêm vắc-xin BCG, thì khi tiêm vắc-xin ho gà DTP toàn tế bào có 50% ca bị sốt, 60% có các triệu chứng toàn thân. Tương tự, với vắc-xin ngừa bệnh sởi/sởi - quai bị - rubella có từ 5-15% trẻ bị sốt, 5% ca nổi ban toàn thân, riêng uốn ván có 10% sốt và 25% ca bị kích thích toàn thân.
Phản ứng sau tiêm nặng
Sẽ gây ra nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe và tính mạng của người được tiêm vắc-xin, dẫn đến phải nhập viện, di chứng tàn tật hoặc tử vong. Phản ứng nghiêm trọng này rất hiếm gặp. Đơn cử như vắc-xin BCG, tỷ lệ ca nặng dao động từ 0,19 - 1.000 ca/1 triệu liều vắc-xin được chích. Thời gian xuất hiện của mỗi phản ứng nặng cũng khác nhau. Nếu như biểu hiện viêm hạch có mủ thường xuất hiện từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 6 sau khi tiêm, thì phản ứng viêm xương, nhiễm khuẩn BCG lan tỏa lại xuất hiện sau 1-12 tháng.
Hay như ở vắc-xin viêm gan siêu vi B, nguy cơ sốc phản vệ sau khi chích chỉ có 1,1 ca/1 triệu liều được chích và thường xảy ra trong vòng một giờ sau tiêm. Hoặc vắc-xin viêm não Nhật Bản (dạng bất hoạt) có phản ứng biểu hiện thần kinh (như viêm não, bệnh não, thần kinh ngoại biên) cũng chỉ có tỷ lệ 1-2,3 ca/1 triệu liều. Vắc-xin sởi/sởi - quai bị/sởi - quai bị - rubella có thể gây co giật, sốt xuất hiện kéo dài từ 6-12 ngày, giảm tiểu cầu từ 15-35 ngày và cũng có khi sốc phản vệ nhưng với tỷ lệ rất thấp, chỉ từ 1-330ca/1 triệu liều chích.
Tuy nhiên, cả phản ứng nhẹ và phản ứng nặng đều liên quan đến nhiều yếu tố, có thể do vắc-xin, nhưng có khi do vấn đề bảo quản, cách tiêm chủng hay đơn giản là do người bệnh quá lo lắng...
Phản ứng liên quan đến vắc-xin gây ra do một hoặc nhiều thành phần của vắc-xin. Nó cũng là phản ứng của từng cá thể với đặc tính vốn có của vắc-xin, ngay cả khi vắc-xin đã được sản xuất, bảo quản, vận chuyển và chỉ định một cách chính xác.
Phản ứng liên quan đến sai sót tiêm chủng: gây ra bởi việc bảo quản, vận chuyển, chỉ định và tiêm vắc-xin không đúng.
Vì sợ bị kim chích gây đau nên một số trẻ có tâm lý lo lắng khi tiêm. Chính tâm lý lo sợ khiến cơ thể xảy ra phản ứng như: ngất xỉu, thở nhanh, choáng váng, chóng mặt và khó thở… và thường xảy ra ở học sinh nữ. Khi một học sinh này lo sợ sẽ dễ khiến học sinh khác lo sợ theo. Phản ứng sau tiêm do tâm lý sợ sẽ gặp nhiều ở trẻ từ năm tuổi trở lên. Để hạn chế phản ứng sau tiêm do tâm lý đối với trẻ, phụ huynh nên cho trẻ tiêm ở phường/xã, ít tiếp xúc với bạn bè mà chỉ có cha mẹ đi theo. Khi chích ở trường, trẻ cần uống thêm nước trà đường, ăn sáng trước khi chủng ngừa, tránh nguy cơ hạ đường huyết càng khiến trẻ dễ hồi hộp, lo sợ.
Phản ứng sau tiêm vắc-xin có cả những trường hợp không rõ nguyên nhân do thiếu các thông tin liên quan đến việc tiêm chủng. Có những tình huống trùng hợp ngẫu nhiên, không phải do vắc-xin gây ra mà là do một số nguyên nhân khác như do bệnh lý sẵn có của trẻ.