Lại thêm một vụ vận chuyển ma túy qua đường hàng không bị phát hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất vào cuối tháng 9 vừa qua. Một phụ nữ có tên S.A., quốc tịch Thái Lan đã vận chuyển 1,73kg cocain (trị giá khoảng 11 tỷ đồng) được cất giấu tinh vi trong hộp nhang rồi để trong một vali ký gửi. Điều đó cho thấy, việc vận chuyển ma túy qua đường hàng không vẫn đang diễn biến phức tạp. Để qua mắt các cơ quan chức năng, tội phạm ma túy sử dụng lắm mưu, nhiều kế trong việc cất giấu ma túy…
Ngụy trang ma túy trong đủ loại đồ vật
Theo đánh giá của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47), tội phạm người nước ngoài (gốc Phi, Việt kiều ở các nước như Australia, Canada, Mỹ, Trung Quốc…) và người Việt Nam đã nghiên cứu và lợi dụng được những kẽ hở trong kiểm soát hàng không để vận chuyển ma túy trên các chuyến bay quốc tế và cả trong nội địa. Vụ vận chuyển ma túy lớn nhất qua đường hàng không được Cảnh sát Đài Loan phát hiện chính là vụ vận chuyển 600 bánh heroin gửi từ sân bay Tân Sơn Nhất tới sân bay quốc tế Đào Viên. Số lượng ma túy nói trên được nhóm người giấu trong 12 loa thùng hiệu Dalton và đóng vào một container.
Trước đây, khi nổi lên tình trạng các ông trùm gốc Phi thuê phụ nữ Việt Nam vận chuyển ma túy qua đường hàng không theo hành trình Châu Phi - Việt Nam - Trung Quốc, thì thủ đoạn của bọn chúng chính là cán mỏng ma túy cho vào các bức tranh, bìa sách, rồi cho vào các cúc áo thời trang rất to… Thời điểm ấy, thỉnh thoảng, các cơ quan chức năng lại phát hiện một người Việt Nam đi đôi dép da đế rất to và dày, hoặc có những người đàn ông đi đôi giày thể thao nặng trĩu bước chân. Điển hình như việc bắt giữ Đoàn Nguyễn Minh Châu (35 tuổi, ở quận 10, TP.HCM) vận chuyển 300 g heroin giấu trong đôi dép da tại sân bay Nội Bài, từ đó cơ quan điều tra đã đấu tranh mở rộng, bắt 8 tên quốc tịch Nigieria đang sinh sống tại TP.HCM.
Một số thủ đoạn cất giấu ma túy trong valy 2 đáy, đế giày vận chuyển qua đường hàng không. |
Giấu ma túy trong vali 2 đáy là thủ đoạn khá phổ biến của những kẻ phạm tội khi vận chuyển ma túy từ nước ngoài về Việt Nam qua đường hàng không. Vụ 3 người quốc tịch Philippines vận chuyển 13kg ma túy “đá” theo hành trình từ Doha (châu Phi) – BangKok (Thái Lan) - Hà Nội (Việt Nam) vẫn đang được coi là vụ vận chuyển ma túy thu được lớn nhất từ trước đến nay. Bọn chúng là Amodia Tiresita Palacio (63 tuổi); Santos Nelia Rongavilla và Javier Engarcia Ebalany (cùng 42 tuổi), được một số ông trùm ma túy nước ngoài thuê vận chuyển về Việt Nam. Bọn chúng đã ép mỏng ma túy “đá”, đóng vào các túi nilon màu vàng, nhét sau lớp “xương” đáy vali, sau đó dùng băng dính cố định và may vải che kín lại. Nếu sử dụng thủ đoạn này, máy soi của các sân bay rất khó có thể phát hiện được.
Tinh vi hơn, nhiều kẻ phạm tội còn trộn lẫn ma túy trong các hộp dầu gội đầu, trong thực phẩm như hộp sữa của trẻ em để qua mắt các cơ quan chức năng. Ngày 10/8 vừa qua, Đồn sân bay quốc tế Nội Bài phối hợp với Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài đã phát hiện Đinh Dác Khanh, quốc tịch Hồng Kông (Trung Quốc) vận chuyển 1,984 kg ma túy tổng hợp; 4,572 kg cocain được ngụy trang trong 12 hộp bột Knorr Chicken Powde để trong vali ký gửi.
Một số Việt kiều đến từ các nước như Australia, Canada, Mỹ còn áp dụng “khổ nhục kế”, đó là nuốt ma tuý vào bụng để vận chuyển qua đường hàng không từ Việt Nam đi các nước. Các trường hợp trên thường bị phát hiện khi ma túy rò rỉ khỏi bao đựng, thẩm thấu vào ruột gây ngộ độc. Như trường hợp của Việt kiều Nguyễn Kant khi đi trên chuyến bay của Hãng hàng không Việt Nam Airlines từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Sydney. Sau khi máy bay cất cánh được khoảng 2 tiếng thì đột nhiên Nguyễn Kant ngất xỉu, hôn mê. Ngay khi sơ cứu ban đầu, nhân viên y tế trên máy bay đã lấy được từ hậu môn của người khách 2 viên hình bầu dục, màu hồng. Khi đưa vị khách này vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sỹ dùng kỹ thuật nội soi gắp ra khỏi dạ dày tên này 9 túi bao cao su bên trong đựng bột trắng heroin...
Đã có lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy qua đường hàng không
Tội phạm ma túy có nhiều thủ đoạn và thường xuyên thay đổi qui luật hoạt động, vì thế, đối phó với loại tội phạm này là cả một quá trình, đòi hỏi sự quyết tâm và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan có trách nhiệm.
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục C47, cho biết, theo quyết định của lãnh đạo Bộ Công an, Cục C47 đã thành lập mới Phòng đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến hàng không và đường biển (Phòng 8). Đây sẽ là lực lượng chuyên trách làm công tác phòng, chống ma túy trên tuyến hàng không nên việc tiến hành các mặt nghiệp vụ cơ bản chuyên sâu và công tác kiểm soát người và hàng hóa qua đường hàng không sẽ được chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, theo Thiếu tá Ngô Thanh Bình, Trưởng Phòng 5, Cục C47, để cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến hàng không đạt hiệu quả, cần phải chú trọng nâng cao các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Hải quan, An ninh hàng không, cơ quan xuất nhập cảnh nhằm nắm chắc tình hình tại các sân bay và vùng lân cận cũng như tội phạm có biểu hiện nghi vấn; phương thức, thủ đoạn của tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy qua đường hàng không để chủ động trong việc triển khai, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và quản lý chặt chẽ các loại đối tượng có nguy cơ cao mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua đường hàng không.
Một vấn đề rất quan trọng và hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy qua đường hàng không, đó là hợp tác quốc tế trong phối hợp trao đổi thông tin về tội phạm ma túy; tập huấn nâng cao trình độ; ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp cũng như các hiệp định phòng, chống tội phạm ma túy với các nước…, trong đó chú trọng vào các nước có các chuyến bay đến Việt Nam hay bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy. Đồng thời, việc thực hiện tốt kế hoạch phối hợp giữa Cục C47 và Công an Hà Nội, TP.HCM; quy chế phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy với các lực lượng liên quan như: Hải quan, An ninh hàng không trong việc phòng, chống tội phạm ma túy qua đường hàng không là rất cần thiết và có hiệu quả cao.
Theo kiến nghị của cơ quan điều tra, tại các sân bay, cần trang bị và đưa vào sử dụng các phương tiện hiện đại nhằm kiểm tra, phát hiện ma túy như máy soi phát hiện ma túy trong hành lý, máy chụp X quang phát hiện ma túy cất giấu trong cơ thể, máy ngửi ion ma túy…Cơ quan điều tra cũng đề nghị cho sử dụng máy chụp cơ thể đặt tại các sân bay, mà trước hết đặt tại các sân bay lớn có nhiều tuyến bay quốc tế như: Tân Sơn Nhất, Nội Bài; tạo điều kiện trong việc kết nối mạng giữa các hãng hàng không với cơ quan Hải quan theo quy định của Chính phủ để thuận tiện cho công tác thu thập, phân tích xử lý thông tin về các đối tượng nghi vấn phục vụ công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không.
Theo báo cáo của Cục C47, trong 5 tháng triển khai, thực hiện kế hoạch về tăng cường phối hợp phòng, chống tội phạm vận chuyển trái phép ma túy tại sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, các lực lượng chức năng đã bắt 10 vụ, gồm 11 người phạm tội. Tất cả các vụ trên chủ yếu được phát hiện thông qua biện pháp kiểm tra, soi chiếu hành lý. Tang vật thu giữ gồm: 4,2 kg heroin; hơn 11 kg cocain; 4,3 kg ma túy tổng hợp dạng “đá” và 9,8 kg tiền chất ma túy… So với cùng kỳ năm 2013, tăng hơn 20% số vụ và số người phạm tội…