"Một ông quan chức nhận giây phút sung sướng nào đó để bố trí cho cô ấy vào vị trí nào đó hoặc ngược lại một bà thứ trưởng nào đó cũng như vậy thì vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng trong trường hợp này như thế nào"?.
Đó là vấn đề được GS.TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lí đặt ra tại Hội thảo: "Thu hồi tài sản tham nhũng – Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế" do Ban Tổ chức trung ương phối hợp với VKSND Tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức sáng 13/ 3.
GS.TS Lê Hồng Hạnh phát biểu tại hội thảo. |
Ông Hạnh cho biết, ông nêu ra vấn đề này nhằm gửi đến thông điệp thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ là thu hồi tài sản bằng vật chất mà phải hủy cả những lợi ích khác do tham nhũng mà có. Bởi thực tế đến một thời điểm nào đó người ta không cần đến tài sản mà ta cần ăn chơi trác táng, cần những nhu cầu khác. Vì vậy phải mở rộng thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ dừng ở thu hồi tài sản vật chất mà cần hủy tất cả những lợi ích khác liên quan đến hành vi tham nhũng.
Trước đó, tại hội thảo hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong Bộ luật hình sự 1999 ngày 29/10, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Ban Nội chính trung ương khẳng định ở Việt Nam chắc chắn có hối lộ tình dục. Ông Khánh cho rằng đây là một khía cạnh rất mới mà các chuyên gia quốc tế nêu là cả khía cạnh tình dục cũng được xem như một loại lợi ích phi vật chất được đưa ra để hối lộ cho quan chức trong giai đoạn hiện nay. Những điều này cần phải được luật pháp hóa.
Bởi theo ông Khánh, thường chúng ta có cấu thành vật chất đối với nhóm tội tham nhũng nên bắt buộc hành vi và hậu quả thiệt hại của nó là vật chất, đưa nhận hối lộ là vật chất. Nhưng trên thực tế, có nhiều lợi ích khác không thua kém lợi ích vật chất, đó là lợi ích tinh thần. Ví dụ như chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu và có cả lợi ích khác liên quan đến yếu tố rất nhạy cảm cũng được coi là lợi ích của người đưa hối lộ đưa cho người có chức vụ quyền hạn làm những việc không đúng với chức vụ đó để sinh lợi cho người đưa hối lộ.