Hiện Trung Quốc đã bắt đầu xử lý hành vi bắt nạt tại môi trường làm việc. Ảnh minh hoạ: EPA-EFE/REX/Shutterstock. |
Một nữ nhân viên văn phòng ở Thượng Hải (Trung Quốc) vừa nhận quyết định sa thải vì từ chối mua bữa sáng cho sếp. Câu chuyện của cô nhanh chóng tạo ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội.
Trước sự phản ứng mạnh mẽ từ phía công chúng, doanh nghiệp này quyết định phục chức cho nhân sự trên, đồng thời đuổi việc quản lý của cô, theo SCMP.
Câu chuyện bị sa thải vô lý của nhân viên tại Trung Quốc gây chú ý trên mạng xã hội. Ảnh minh hoạ: Pexels/Mikhail Nilov. |
Quyết định sa thải gây bức xúc
Trên mạng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc, Lou, nhân sự mới của một cơ sở giáo dục, chia sẻ về môi trường làm việc độc hại của mình. Cô cho biết quản lý yêu cầu nhân viên mang một cốc cà phê Americano nóng và một quả trứng cho mình mỗi sáng.
Ngoài ra, sếp của Lou cũng đòi hỏi một chai nước luôn được đặt trên bàn. Sau khi từ chối yêu cầu của quản lý và đề cập đến vấn đề này tại nơi làm việc, cô lập tức nhận quyết định sa thải từ phòng nhân sự.
Nhân viên này cũng không có khoản bồi thường nào. Trong suốt quá trình trên, Lou cảm thấy bất lực trước quyết định vô lý từ phía công ty, song không thể làm gì khác.
Sau khi câu chuyện của Lou được chia sẻ rộng rãi, nhiều người nhanh chóng lên tiếng bảo vệ cô trên mạng xã hội. Họ đồng tình rằng quản lý có hành vi bắt nạt, tạo ra môi trường làm việc thiếu lành mạnh.
Đến ngày 12/9, công ty tuyên bố sai thải quản lý của Lou vì hành vi lạm dụng quyền lực, ép buộc cấp dưới hỗ trợ các công việc cá nhân.
Trong khi đó, Lou lấy lại công việc của mình, dù chưa nhận được khoản bồi thường nào.
Đại diện bộ phận nhân sự của doanh nghiệp này nói với hãng truyền thông Dafeng News rằng quyết định sa thải Lou hoàn toàn đến từ người quản lý, không phù hợp với chính sách công ty. Tuy nhiên, bộ phận nhân sự chính là nơi đưa ra thông báo sa thải ban đầu.
Tình trạng bắt nạt xảy ra phổ biến tại các văn phòng Trung Quốc, gióng lên hồi chuông cảnh báo ở quốc gia tỷ dân. Ảnh minh hoạ: Pexels/RDNE Stock project. |
Vấn nạn bắt nạt chốn công sở
Câu chuyện của Lou góp phần nâng cao nhận thức về vấn nạn bắt nạt tại nơi làm việc ở Trung Quốc. Các cuộc thảo luận liên quan đến vấn đề này thu hút 2 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo.
Một cuộc khảo sát năm 2020 do công ty tuyển dụng Zhilian Zhaopin tại Trung Quốc thực hiện cho thấy 64% đáp viên từng là nạn nhân của hành vi bắt nạt tại nơi làm việc. Các hình thức bắt nạt phổ biến là ép buộc thực hiện nhiệm vụ vô lý, nhận về lời lẽ lăng mạ và quấy rối tình dục.
Hơn một nửa nhân sự bị bắt nạt đi đến quyết định nghỉ việc. Chỉ 6% trong số này đưa sự việc ra ánh sáng thông qua mạng xã hội.
Trung Quốc hiện xử lý hành vi bắt nạt tại môi trường công sở dựa trên mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp.
Luật sư He Bo của công ty luật Sichuan Hongqi cho biết ép buộc nhân viên làm thêm giờ là hành động vi phạm luật lao động. Trong khi đó, quấy rối tình dục có thể khiến người vi phạm chịu hình phạt hành chính hoặc hình sự.
He Bo khuyên các nạn nhân thu thập bằng chứng như ảnh chụp màn hình, bản ghi âm và video để bảo vệ bản thân, chống lại nạn bắt nạt tại văn phòng.
Theo luật sự này, nhân sự không có trách nhiệm thực hiện công việc ngoài phạm vi phân quyền. Họ được phép từ chối các yêu cầu vô lý từ phía cấp trên, nên tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý nếu cần thiết.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.