Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhân tài nước Việt đi sứ Trung Quốc kỷ lục 18 năm

Dưới thời Lê, một vị hoàng giáp người đất học Mộ Trạch, Hải Dương, được giao đi sứ nhà Minh và bị giữ lại tới 18 năm. Ông được ví với Tô Vũ đời nhà Hán bên Trung Quốc.

Lê Quang Bí sinh năm 1506, tự Thuần Phu, hiệu Hối Trai, là con trạng nguyên Lê Nại. Ông là cháu của Lê Thúc Hiền, cháu gọi hoàng giáp Lê Tư là chú ruột, cháu ngoại Hoàng giáp Vũ Quỳnh, chắt vị trung thần của nhà Trần là tiến sĩ Lê Cảnh Tuân.

Đây đều là những nhân vật nổi danh của làng khoa bảng Mộ Trạch, Hải Dương (nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương).

Gia đình khoa bảng

Theo gia phả dòng họ, lên 5 tuổi, Lê Quang Bí đã có tiếng hiếu học, được người đương thời gọi là thần đồng.

Năm 1526, ông 21 tuổi, thi đỗ hoàng giáp, đứng thứ tư trong 20 vị đại khoa. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: Khoa thi Hội năm Thống Nguyên thứ 5 (đời Lê Cung Hoàng, 1526), lấy đỗ 20 người, ba người đỗ đầu (Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ) là Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Du, Lưu Trung Doãn. Nhóm Lê Quang Bí bốn người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (tương đương danh hiệu hoàng giáp hồi đầu triều Lê).

Cũng năm đó, Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê. Vua Lê Cung Hoàng và Thái hậu đều tự tử.

Le Quang Bi anh 1
Tranh vẽ minh họa Lê Quang Bí đi sứ 18 năm. Nguồn: Sỹ Hòa/Báo Bình Phước.

Mạc Đăng Dung sai người sang sứ nhà Minh báo rằng con cháu nhà Lê không còn ai, đại thần họ Mạc tạm quyền trông coi việc nước, cai trị dân chúng. Vua Minh Thế Tông không tin, sai sứ sang dò la tin tức. Họ Mạc tìm cách đút lót sứ giả, rồi làm hai hình người bằng vàng và bạc cùng châu báu, của lạ vật lạ tiến cúng, vua Minh mới đồng ý. Từ đó, hai nước lại thông sứ đi lại.

Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1528, Lê Quang Bí được ban tước Tô Xuyên hầu. Ông trải qua các chức Hàn lâm viện hiệu lý, kiêm tư vấn làm ở viện 9 năm, rồi được bổ làm Sơn Tây hiến sát sứ, sau đó thăng Tuyên Quang đạo Thừa ty tham chính, Ngự sử đài, thiêm đô ngự sử, kiêm thời Tư trung doãn Tả thị lang Lại bộ.

Tháng giêng năm 1546, vua Mạc Hiến Tông (Phúc Hải) chết, Mạc Phúc Nguyên lên ngôi vua, tức Mạc Tuyên Tông, sai Lê Quang Bí sang nước Minh cống hàng năm.

Các Vua Hùng sống thọ hơn 150 tuổi?

Sự thật về 18 đời Vua Hùng đến nay vẫn còn là ẩn số đối với lịch sử Việt Nam, cần được các nhà khoa học nghiên cứu thêm để thống nhất.

Sứ thần bị giữ lâu như Tô Vũ

Bộ Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn chép: "Khi sứ đoàn đến Nam Ninh, triều Minh ngờ là quan giả mạo, bắt phải chờ để tra xét minh bạch đã, mới cho dâng lễ phẩm. Thế rồi gửi văn thư đi tra xét, nhưng chẳng có hồi âm, Quang Bí cứ phải lưu tại sứ quán chờ mệnh lệnh của vua Mạc Phúc Nguyên, trong khi trong nước nhiều nạn (do nhà Mạc đánh nhau với vua Lê - chúa Trịnh), bỏ khiếm khuyết việc cống hiến đã mấy năm liền, nên vua cũng không dám tâu xin.

Nhà sử học Lê Văn Lan nhận xét: "Lê Quang Bí không chỉ là bậc đại khoa, quan đại thần, nhà ngoại giao kiên trung, mà còn là một nhà văn hóa, nhà thơ, tác gia danh tiếng".

Đến năm Quý Hợi, niên hiệu Gia Tĩnh thứ 42 (1563), quan quân Lưỡng Quảng nhà Minh mới sai người đưa Quang Bí tới Bắc Kinh. Lúc đó, Mạc Phúc Nguyên cũng sai hầu mệnh gửi cho Quang Bí 25 lạng bạc để thưởng lạo. Khi Quang Bí tới kinh đô, lại bị lưu ở sứ quán. Đến lúc này, viên Đại học sĩ triều Minh là Lý Xuân Phương thương hại Quang Bí ở trong nước nhà Minh đã 18 năm, nên tâu lên vua Minh Mục Tông nhận cống phẩm mà cho về. Người phương Bắc ví ông như Tô Vũ, sứ thần thời Hán Vũ Đế, phụng mệnh đi sứ sang nước Hung Nô, bị lưu lại phải đi chăn dê, 19 năm mới được về nước".

Lê Quang Bí lúc rời nước đi sứ 43 tuổi, tóc hãy còn xanh, khi trở về tuổi đã 61, tóc đã bạc. Ông là vị sứ thần có chuyến đi sứ lâu nhất trong lịch sử Việt Nam.

Giai thoại dạy trò nước Minh đỗ đại khoa

Sách Hoa Việt thông sử lược của hai tác giả Sông Bằng và Vân Hạc kể lại giai thoại khi Quang Bí bị giữ ở Nam Ninh, ông vẫn điềm tĩnh không hề sợ hãi. Những ngày trời nắng, ông lại nằm phơi bụng ra ngoài trời. Người Minh hỏi thì ông vỗ bụng nói: "Tôi phơi sách trong này cho khỏi mốc".

Người Minh bắt đọc cả bộ Đại học, ông đọc suốt một lượt không sai chữ nào. Triều thần Trung Quốc nể phục xin vua Minh cho Bí ra ngụ tại khách quán.

Tài học của Lê Quang Bí từ đó lững lẫy khắp kinh đô Trung Quốc. Mộ tài ông, một học trò người Minh tên Đặng Hồng Chấn (Hoa Việt bang giao sử ghi là Đặng Hồng Thần), đã đỗ cử nhân, xin theo làm học trò.

Đến khoa thi năm Kỷ Mùi (1559), Chấn đỗ tiến sĩ, được bổ Tri huyện ở hạt Quảng Đông rồi thăng Chủ sự ở Yên Kinh. Theo sách này, Đặng Hồng Chấn đã dâng sớ kể sự tình của thầy, góp phần giúp Lê Quang Bí được vua Minh cho về nước.

Trong thời gian bị giữ, Lê Quang Bí có sáng tác các tập thơ Tô Công phụng sứ thuật lại chuyện Tô Vũ để gửi gắm tâm sự của mình và Tư hương vận lục, trong đó có những bài ca ngợi các vị tổ tiên là Lê Cảnh Tuân và Vũ Quỳnh, lời lẽ rất lâm ly.

Sau khi về nước, Lê Quang Bí được vua Mạc Hậu Hợp phong cho chức Thượng thư bộ Lại. Hiện chưa rõ ông mất năm nào, nhưng ở nhà thờ họ Lê tại làng Mộ Trạch, có bia ghi công của Lê Quang Bí, do bảng nhãn Đỗ Uông soạn năm 1578, có lẽ ông mất trước đó.

Theo Đại Việt thông sử, thấy chuyện đi sứ của ông giống hệt Tô Vũ, vua Mạc phong cho tước Tô quận công. Tài liệu ở làng quê ông cho biết trước khi đi sứ, Lê Quang Bí mới chỉ có một con gái. Sau khi về nước, tuổi đã già, ông không có thêm con.

Nguyễn Trãi và nghệ thuật 'tay không bắt giặc' độc đáo trong sử Việt

Đánh vào lòng người, mở lượng khoan hồng với kẻ thù là những tư tưởng quân sự đặc sắc, vượt thời đại của Nguyễn Trãi, giúp ông "tay không" thu phục hàng trăm nghìn quân thù.


Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm