Adam Levine thừa nhận đã có những hành động không phù hợp sau lưng vợ Behati Prinsloo. Họ kết hôn năm 2014 và chuẩn bị đón con chung thứ 3. Ảnh: London Ent/Splash News. |
Adam Levine, trưởng nhóm nhạc Maroon 5, thừa nhận đã “qua lại” với người mẫu Mỹ Sumner Stroh nhưng phủ nhận việc lừa dối người vợ đang mang thai của mình.
Sau Stroh, 2 cô gái khác cũng lên tiếng khẳng định nam ca sĩ đã gửi cho họ nhiều tin nhắn tán tỉnh.
“Tôi đã không sáng suốt khi nói chuyện theo kiểu tán tỉnh với những phụ nữ khác, ngoài vợ mình. Tôi không ngoại tình, nhưng đã đi quá giới hạn. Đó là quãng thời gian đáng tiếc trong cuộc đời”, Levine phản hồi khi bị tố có mối quan hệ ngoài luồng.
Các nguồn tin thân thiết cho biết Behati Prinsloo cảm thấy đau lòng khi biết chồng không chung thủy.
Theo Cosmopolitan, với câu hỏi “Nhắn tin tán tỉnh người khác có phải là ngoại tình?”, không thể phân định theo kiểu đúng - sai bởi mỗi người lại có quan điểm khác nhau.
Tùy thuộc vào mối quan hệ, ranh giới đôi bên vạch ra cùng nhiều yếu tố khác, việc tán tỉnh người khác vẫn có thể gây ra nhiều đau đớn và tổn thương.
Người đẹp 23 tuổi cho biết cô và Adam Levine dan díu với nhau khoảng một năm, nhưng cô cảm thấy bị lợi dụng và thao túng tâm lý. Ảnh: @sumnerstroh. |
Đánh mất lòng tin
Michelle Croyle, chuyên gia tư vấn và trị liệu tâm lý tại Psychology Today, cho biết tùy thuộc vào ý định nhắn tin tán tỉnh mà có thể xác định đó là hành động ngoại tình hay không.
“Một số có thể đơn giản là quá hướng ngoại và thân thiện với mọi người, nhưng không có ý định cặp kè với ai khác ngoài đối tượng họ yêu. Tuy nhiên, số khác có thể đang cố tìm hiểu xem họ có thể thu hút người khác đến đâu và ở mức độ nào. Nếu ai đó không có ý ‘thả thính’ người khác mà chỉ muốn xã giao nhưng vô tình làm phiền lòng nửa kia, đôi bên có thể thẳng thắn chia sẻ để tìm cách giải quyết”, bà nói.
Theo TS Tâm lý học Tiffany C. Brown, nhắn tin tán tỉnh hoàn toàn có thể bị coi là ngoại tình, nhưng phụ thuộc vào các quy tắc và kỳ vọng của mối quan hệ.
Thực tế, một số cặp đôi không coi việc “thả thính” người khác là lừa dối vì không đe dọa và không phá vỡ bất kỳ quy tắc nào trong mối quan hệ của họ. Tuy nhiên, những người khác lại coi đây là hành động sai trái và thiếu tôn trọng. Đó là lý do các cuộc trò chuyện thẳng thắn và thống nhất quan điểm nên được diễn ra từ đầu.
Tùy vào ý định nhắn tin tán tỉnh đối tượng nằm ngoài mối quan hệ hiện tại mà có thể xác định đó là ngoại tình hay không. Ảnh: Love Dignity. |
Trong khi đó, Shlomo Slatkin, chuyên gia trị liệu mối quan hệ, nhận định về lý thuyết, tán tỉnh có thể không phải là ngoại tình. Tuy nhiên, hành động này có thể bị coi là không chung thủy vì thể hiện sự quan tâm đến đối tượng khác.
“Khi một người để mắt đến ai đó bên ngoài mối quan hệ hiện tại và có hành động tương tác, dù chỉ ở mức độ nhẹ, cũng có thể gây tổn thương cho đối phương. Đó cũng có thể là cám dỗ không thể dừng lại nếu việc tán tỉnh không ngừng tiến triển”, ông chia sẻ.
Đồng quan điểm, Anita A. Chilipala, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, cho rằng điều quan trọng là hiểu rằng tán tỉnh người khác có thể phá vỡ lòng tin và khiến đối tác của mình cảm thấy không an toàn.
“Trong trường hợp này, điều quan trọng là đôi bên phải thảo luận về nhu cầu cá nhân và vạch ra ranh giới rõ ràng”, bà nói.
Gốc rễ của ngoại tình
Christie Tcharkhoutian, chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình, có quan điểm tán tỉnh không hẳn là ngoại tình, nhưng có thể là gốc rễ của sự lừa dối.
Bà khuyên nếu ai đó đang “thả thính” đối tượng không phải người yêu/vợ/chồng của mình, hãy tự hỏi bản thân:
1. Tôi nhận được gì từ sự tương tác này? (Có thể là sự chú ý, tôn trọng hay ngưỡng mộ).
2. Tôi có đang thiếu những điều đó từ đối tác của mình không? (Thông thường, mức độ nồng nhiệt trong mối quan hệ có thể tạo cơ hội cho việc tán tỉnh người khác để thỏa mãn mong muốn hoặc khao khát nào đó, nhưng chỉ là tạm thời).
3. Tôi có thể yêu cầu nửa kia giúp mình đáp ứng những nhu cầu này bằng cách nào? (Nếu không tự hỏi bản thân một cách nghiêm túc, tán tỉnh có thể trở thành mồi lửa cho sự ngoại tình”.
Trong khi đó, TS Sophia Reed, chuyên gia tư vấn về hôn nhân gia đình và hành vi con người, nghĩ rằng quan niệm sai lầm lớn nhất là ngoại tình phải về thể chất. Thực tế, nó có thể là tình cảm hay sự “thả thính”.
“Tán tỉnh có thể tạo cơ hội cho việc lừa dối về thể xác. Nguyên tắc chung trong các mối quan hệ là đừng ‘thả thính’ ai sau lưng nửa kia. Bất kể điều đó có dẫn đến quan hệ tình dục sai trái hay không, vấn đề là duy trì ranh giới và tôn trọng mối quan hệ chính thức”, bà nói.
Ngoại tình không phải chỉ là quan hệ tình dục sai trái mà có thể là lừa dối tình cảm hay tán tỉnh người khác. Ảnh: Cosmopolitan. |
Gabrielle Usatynski, chuyên gia tư vấn tại Power Couples Counseling, cho rằng mặc dù thuật ngữ “ngoại tình” thường liên quan tới các hành vi rõ ràng hơn như quan hệ tình dục hoặc dây dưa tình cảm với người khác, sự tán tỉnh dành cho người thứ 3 vẫn mang đến cảm giác bị đe dọa.
“Ai cũng muốn là người duy nhất của nửa kia trong tình yêu. Rõ ràng, có nhiều mức độ lừa dối. Tán tỉnh ở cấp độ khác so với quan hệ tình dục, nhưng không nên tồn tại nếu khiến người yêu/vợ/chồng của mình đau khổ”.
Ở góc nhìn tích cực hơn, Natalie Mica, chuyên gia tư vấn liệu pháp tâm lý cho các cá nhân và cặp vợ chồng, cho biết đối với một số cặp đôi, tán tỉnh người khác có thể tạo thêm hứng thú cho mối quan hệ của họ.
“Trong mối quan hệ lành mạnh, các cặp đôi thiết lập và tuân thủ những ranh giới rõ ràng và nhất quán xung quanh nhiều hành vi, bao gồm cả việc tán tỉnh người khác. Điều quan trọng là chủ đề này được thảo luận cởi mở và đôi bên đều biết và đồng ý điều gì được hoặc không được chấp nhận”.
Ingrid Sthare, huấn luyện viên về mối quan hệ, đồng tình rằng việc tán tỉnh nên được khuyến khích trong một mối quan hệ lành mạnh để kiểm tra mức độ thu hút người khác của bản thân.
Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo: “Một khi lòng tin đã tan vỡ thì rất khó lành lại. Vì vậy, hãy ‘thả thính’ một cách có trách nhiệm”.