Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhân viên công nghệ tuyệt vọng tìm việc mới

Sau nhiều tháng, hàng loạt nhân viên mất việc sau bão sa thải trong ngành công nghệ tại Singapore vẫn đang vật lộn để tìm một vị trí mới.

G. (31 tuổi), người mất việc sau đợt đại sa thải của Meta vào tháng 12/2022, mất hai tháng điên cuồng tìm kiếm mới nhận được lời mời từ một công ty mới. Nhưng lời đề nghị bất ngờ bị hủy bỏ khi vị trí đó trong công ty cũng bị cắt giảm.

Anh là một nạn nhân của làn sóng sa thải trong ngành công nghệ vào cuối năm ngoái. Các công ty công nghệ ở Singapore đã cắt giảm 1.270 nhân viên từ tháng 7 đến tháng 11/2022, và tiếp diễn đến đầu năm nay.

Meta, công ty mẹ của Facebook, đã cắt giảm 11.000 nhân viên trên toàn cầu. Các doanh nghiệp lớn khác từ Twitter, Microsoft, Google đến Lenovo, Sea và Carousell cũng làm điều tương tự.

Sau nhiều tháng, những người lao động ở Singapore bị ảnh hưởng vẫn đang vật lộn để tìm kiếm việc làm.

Những cuộc phỏng vấn không kết quả

CNA đã trò chuyện với nhiều nhân sự trong ngành IT đã mất việc. Họ đều gửi đi rất nhiều đơn xin việc nhưng đến nay phần lớn không có hồi âm. Những người lao động này đều đang dự vào các gói trợ cấp thất nghiệp và tiền tiết kiệm để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Một nhân viên cũ của Meta (không muốn nêu danh tính) đã nộp đơn xin việc cho gần 30 vị trí tương tự công việc cũ của cô ấy. Người phụ nữ 30 tuổi chuyển từ Trung Quốc tới Singapore làm việc vào giữa năm 2022, nhưng bị Meta cắt hợp đồng vào tháng 12.

sa thai nhan su anh 1

Bão sa thải trong ngành công nghệ khiến nhiều người khốn đốn. Ảnh minh họa: antoni_shkraba_production/Pexels.

Từ đó đến nay, cô đã gọi điện cho 10 nhà tuyển dụng tiềm năng và tham gia phỏng vấn với một nửa trong số đó, nhưng cuối cùng không nhận được lời mời nào.

Cô cho rằng yêu cầu mức lương ít nhất 5.000 SGD để có giấy phép lao động là rào cản chính đối với người sử dụng lao động.

"Hầu hết công ty nói chuyện với tôi và nói rằng họ có thể cho tôi một công việc. Nhưng cuối cùng, họ thích chọn người lao động trong nước hơn (so với lao động nhập cư)", cô nói.

Sau nhiều tháng không thể kiếm việc làm tại Singapore, cô trở về quê nhà và chấp nhận một vị trí tương tự nhưng có mức lương thấp hơn.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với G., anh đã chuyển từ Ấn Độ sang Singapore vào tháng 7 năm ngoái để làm việc cho Meta, nhưng cuối cùng bị sa thải sau 5 tháng.

Trong số 30 vị trí mà anh ứng tuyển trước đó - liên quan đến kỹ thuật phần mềm, tích hợp API, kỹ thuật giải pháp và quản lý sản phẩm - anh chỉ nhận được 2 lời mời làm việc vào đầu tháng 2.

"Sự cạnh tranh rất lớn. Tôi đã phỏng vấn tới 4-5 công ty cho đến vòng cuối cùng và bị từ chối. Thị trường hiện tại rất khó khăn", G. nói, cho biết thêm quá trình phỏng vấn của anh có thể kéo dài tới 7 vòng, trong vòng hơn 3 tuần.

"Thật là khoảng thời gian căng thẳng. Tôi phải ngồi trong phòng ngủ cả ngày, tối thì đi dạo. Cuối tuần hay ngày thường với tôi cũng như nhau", anh bày tỏ.

Vào tháng 2, G. bay về Ấn Độ để gặp vợ và hai con, trong đó con út mới sinh vào tháng 12/2022.

"Tôi đã nhận được lời mời làm việc giữa chừng. Nhưng chỉ 3 ngày trước chuyến bay trở lại Singapore, công ty thông báo vị trí của tôi đã bị cắt giảm", G. kể. Công ty thông báo phải trải qua một cuộc tái tổ chức và không còn đủ ngân sách để tuyển dụng nhân viên mới.

Tuyệt vọng, G. vội vàng trở lại Singapore để bắt đầu lại quá trình gửi đơn xin việc đầy mệt mỏi. Anh cho mình một tháng nữa trước khi từ bỏ mọi thứ và trở về Ấn Độ.

Đóng băng tuyển dụng

Một cựu nhân viên khác của Meta, từ chối nêu tên, vẫn chưa nhận được bất kỳ lời đề nghị làm việc mới nào kể từ khi bị sa thải vào tháng 12 năm ngoái.

Người phụ nữ trước đây thuộc nhóm sản phẩm của Meta cho biết: "Tôi đã gửi một số đơn xin vào các vị trí phù hợp với bộ kỹ năng của bản thân, mỗi đợt phỏng vấn đầy đủ có thể kéo dài 3-6 vòng. Nhưng tôi vẫn chưa nhận được lời đề nghị nào, chu kỳ tuyển dụng bây giờ kéo dài hơn so với trước đây".

sa thai nhan su anh 2

Nhiều người chật vật rải đơn xin việc những không nhận được vị trí nào. Ảnh minh họa: anna_shvets/Pexels.

Người phụ nữ 30 tuổi cho biết nhiều công ty ở Singapore đang đóng băng tuyển dụng. "Với đà này, những người bị sa thải cũng rất khó để giữ được tinh thần kiên cường".

Mặc dù vẫn hy vọng có được vị trí toàn thời gian, người phụ nữ này cho biết cũng cân nhắc làm tự do hoặc chuyển sang một ngành khác nếu mọi thứ không suôn sẻ.

"Hiện tại, tôi đang đối phó với khó khăn tài chính bằng cách cắt giảm chi phí, nhưng thật khó để biết lúc nào mới kiếm được việc", cô nói với CNA.

Ông Sachet Sethi, quản lý cấp cao về công nghệ và chuyển đổi tại công ty tuyển dụng Robert Walters Singapore, nói rằng những người bị ảnh hưởng bởi làn sóng sa thải trong ngành công nghệ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, bởi họ đã "tự định giá quá cao vào đợt tuyển dụng tăng đột biến trước đó trong đại dịch Covid-19".

Ông cho biết vào thời điểm đó, các công ty đang trả lương cho nhân viên cao hơn mức trung bình của thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Sethi, ngành công nghệ của Singapore đã, đang và sẽ tiếp tục đối mặt tình trạng "cầu cao" nhưng "cung thấp" đối với nhân tài, đặc biệt là trong các lĩnh vực như an ninh mạng, công nghệ phần mềm và khoa học dữ liệu.

Trong khi việc sa thải hàng loạt đã làm giảm nhu cầu tuyển dụng, nhân tài công nghệ với các kỹ năng tốt vẫn được tìm kiếm. "Các công ty hiện khá kén chọn trong tuyển dụng ứng viên phù hợp", ông Sethi nói.

Ông Adrian Goh, đồng sáng lập nền tảng tài năng công nghệ Nodelair, cũng đồng tình với quan điểm này. Ông nhận thấy nhiều công ty đã ráo riết tuyển dụng và đưa ra các đề nghị cạnh tranh từ năm 2021 đến năm 2022.

Lương của các kỹ sư phần mềm ở Singapore đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2022, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước đó, theo một báo cáo được biên soạn bởi Nodeflair và công ty Iterative.

Mức lương trung bình dao động từ 5.000 SGD cho một kỹ sư phần mềm có tối đa hai năm kinh nghiệm đến 9.000 SGD với vị trí quản lý một nhóm nhỏ trong các lĩnh vực kỹ thuật.

Nhưng trong vài tháng qua, nhiều công ty đã tiến hành sa thải nhân viên và cân nhắc kỹ hơn về các kế hoạch mở rộng. "Điều này có nghĩa là nhìn chung, nhân tài có ít đòn bẩy khi đàm phán để có mức lương cao hơn, bất kể đó là ở công ty hiện tại hay một lời đề nghị mới", ông nói.

Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng

Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.

Chỉ số tồi tệ của phụ nữ tại quốc gia giàu có ở châu Á

Khoảng cách lương theo giới tính ở Hàn Quốc được đánh giá là tồi tệ nhất trong 38 nước phát triển, phụ nữ nhận mức thù lao ít hơn nhiều so với đồng nghiệp nam.


"

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm