Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu nhân viên thu hồi nợ Công ty F88 lĩnh án

Hàng tháng, mỗi khi nhận được danh sách khách hàng chậm nợ từ trưởng nhóm, nhân viên thu hồi nợ của Công ty F88 sẽ nhắn tin chửi bới, đe dọa con nợ và người thân của họ.

Ngày 31/7, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Lê Nghĩa Thông (24 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) 2 năm 6 tháng tù, Trần Quốc Lâm (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) 4 năm tù 6 tháng tù, Nguyễn Hồng Nguyên (28 tuổi, quê Bình Định) 1 năm 6 tháng tù.

Riêng Trần Ngọc Thảo (49 tuổi, quê Tây Ninh) 1 năm 4 tháng 21 ngày tù. Do thời hạn tù bằng với thời gian tạm giam, bị cáo Thảo được trả tự do ngay tại tòa.

3 bị cáo còn lại trong vụ án cũng phải lãnh từ 2 năm 6 tháng tới 3 năm 6 tháng tù cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Theo truy tố, ngày 21/9/2022, chị Lê Thị Hồng T., đến điểm giao dịch của Công ty F88 (ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) làm thủ tục thế chấp đăng ký môtô kèm hình ảnh cá nhân, cung cấp số điện thoại của bạn bè, người thân để vay 22,7 triệu đồng. Tuy nhiên, chị T. chỉ trả được lãi và gốc trong 3 tháng thì hết khả năng thanh toán.

Là nhân viên thu hồi nợ của Công ty Cổ phần kinh doanh F88 (gọi tắt là Công ty F88), Nguyễn Lê Nghĩa Thông được trưởng nhóm là Dương Giáp Sâm (chưa rõ lai lịch) cung cấp danh sách khách hàng nợ quá hạn, yêu cầu Thông tìm kiếm thông tin để đòi nợ. Trong danh sách khách hàng có chị Lê Thị Hồng T.

Cong ty F88,  F88,  Nhan vien F88,  Tai chinh F88,  Doi no F88,  Ngan hang ACB,  ACB,  Tin dung ACB anh 1

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TN.

Sau khi tìm kiếm được thông tin về chị T., Thông nhiều lần tìm đến nhà, gọi điện thoại yêu cầu chị T. phải trả nợ. Tuy nhiên, chị T. không có khả năng chi trả, nên Thông nhắn tin chửi bới, dọa sẽ đưa thông tin chị T. lừa đảo lên mạng xã hội. Thấy chị T. vẫn không chịu trả, Thông quay qua nhắn tin đe dọa cả anh trai chị này.

Cũng thế chấp đăng ký ôtô cho Công ty F88 để vay hơn 80 triệu đồng, nhưng sau 3 tháng, anh Nguyễn Trọng N. không còn khả năng chi trả. Để đòi nợ, Thông nhắn tin cho người thân, bạn bè của anh N. chửi bới, đe dọa.

Tương tự như hai nạn nhân T. và N., tháng 4/2022, chị Ngô Thị Kim X., đến phòng giao dịch chi nhánh Công ty F88 trên đường Bình Long (quận Bình Tân, TP.HCM) thế chấp đăng ký môtô vay 30 triệu đồng. Sau khi trả gốc, lãi được 2 tháng thì chị X. hết khả năng chi trả.

Được sự phân công của người quản lý tên Trâm (chưa rõ lai lịch), Nguyễn Hồng Nguyên (nhân viên xử lý nợ qua điện thoại của Công ty F88) liên tục nhắn tin cho chị X. và người thân, bạn bè chị này để đe dọa, lăng mạ.

Bức xúc trước hành vi đe dọa của nhân viên Công ty F88, những người trên đến Công an TP.HCM trình báo.

Ngoài việc đòi nợ cho công ty, Trần Quốc Lâm, Nguyễn Văn Ngọc, Ngô Văn Nghĩa , Từ Hải Nguyên (nhân viên của Công ty F88) còn nhận thu hồi nợ cho đồng nghiệp Trần Ngọc Thảo.

Theo nội dung vụ việc, tháng 7/2021, Thảo và chị Nguyễn Thị Thu T., góp tiền cùng nhau chơi game cá cược trên mạng. Thấy việc chơi game có tiền, nên Thảo đã mở thẻ tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) với hạn mức 200 triệu. Sau đó, Thảo rút 180 triệu đồng trong thẻ, chuyển cho chị T. để nạp vào tài khoản game.

Đến tháng 11/2021, chị T. thông báo hệ thống mạng đang bảo trì, không đăng nhập được nên không thể rút tiền về. Thảo yêu cầu chị T. trả lại số tiền 180 triệu đồng để đáo hạn ngân hàng, nhưng chị T. không có tiền trả. Đến tháng 6/2022, chị T. viết giấy nhận nợ số tiền hơn 234 triệu đồng cho Thảo.

Nhiều lần gọi điện đòi nợ nhưng chị T. không trả, Thảo đã nhờ Lâm, Ngọc, Nghĩa, Nguyên đòi nợ giúp mình và hứa trả công bằng 50% trên số tiền đòi được.

Sau đó, Lâm và đồng bọn thay nhau đến nhà, nhắn tin yêu cầu chị T. phải trả nợ cho Thảo. Do chị T. không trả, Lâm đã đến tận trường học của con gái chị để theo dõi, chụp hình cháu bé, gửi cho chị T. kèm tin nhắn “Rồi tiền tính sao, chị im luôn hả” để uy hiếp tinh thần.

Dù đã nhiều lần chuyển cho Thảo, Lâm số tiền 70 triệu đồng nhưng chị T. vẫn liên tục bị đe dọa, đầu tháng 3/2023, chị T. đã viết đơn tố cáo nhóm này tới cơ quan công an.

Sách về Pháp luật

Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.

https://vietnamnet.vn/nhan-vien-cong-ty-f88-doi-no-kieu-giang-ho-2307276.html

Thanh Phương/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm