Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhân viên đi từ quê lên, tới TP.HCM quán bar lại ngừng hoạt động

Buổi trưa, Hà và em gái hồ hởi chở nhau từ Đồng Nai đến TP.HCM để nhận việc. Nhưng vừa tới nơi, chưa kịp làm gì, cả hai đã phải quay xe về nhà khi hay tin quán bar đóng cửa.

"Công việc không có, chỗ ở cũng không thì phải về lại thôi. Lúc đi vui mừng bao nhiêu, lúc về hụt hẫng bấy nhiêu", Ngọc Hà (27 tuổi) nói với Zing.

Ngày 18/11, TP.HCM yêu cầu tạm dừng karaoke, vũ trường, massage, spa, quán bar cho đến khi Sở Y tế ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

Thông báo được đưa ra chỉ một ngày sau khi các cơ sở kinh doanh trên được phép hoạt động trở lại. Sự thay đổi đột ngột này khiến nhóm lao động ngoại tỉnh rơi vào tình cảnh khó khăn, tiến thoái lưỡng nan.

Nhiều người không biết nên tiếp tục ở lại thành phố kiếm kế mưu sinh trong khi chờ quy định mới hay trở về quê, nhờ gia đình, người thân giúp đỡ.

nhan vien quan bar tphcm anh 1

Ngày 18/11, TP.HCM yêu cầu tạm dừng karaoke, vũ trường, massage, spa, quán bar.

Về hay ở lại đều khổ

Hà kể sau khi nhận cuộc gọi từ chủ quán bar, nơi làm việc cũ của chị em Hà, vào tối 16/11, cô vui mừng đến mức không ngủ được.

"Điện thoại mình sáng cả tối hôm đó vì tin nhắn, cuộc gọi từ anh chị em đồng nghiệp. Trong dịch, hầu hết đều về quê. Nghe thông báo quán bar mở lại sau nửa năm ai cũng mừng nên nhắn tin, gọi điện tâm sự đến tận sáng", cô nói.

Sáng 18/11, chị em Hà vội vàng thu xếp vài bộ quần áo rồi chạy xe máy hơn 2 tiếng lên Sài Gòn. "Mình chưa kịp sắp xếp chỗ ở, dự định nhận việc xong sẽ xin ở lại tại quán mấy ngày đầu".

Tuy nhiên, vừa dọn dẹp bàn ghế chuẩn bị đón khách vào buổi chiều tối, Hà và đồng nghiệp nghe tin quán bar phải đóng cửa theo quy định mới của thành phố.

"Lúc đó, anh chị em trong quán có khoảng 7 người, ai cũng sững sờ. Một số người cũng vừa chạy từ quê lên giống mình đã khóc vì quá buồn".

nhan vien quan bar tphcm anh 2

Hữu Vinh (bên phải) dự định về quê cùng vợ khi quán karaoke tiếp tục phải đóng cửa. Ảnh: NVCC.

Tương tự, Phạm Hữu Vinh (23 tuổi, nhân viên quán karaoke trên đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1) đã rất thất vọng khi quán phải tiếp tục đóng cửa chỉ sau một ngày hoạt động trở lại.

Vinh (quê Cà Mau) đã làm nhân viên quán karaoke từ năm 2016. Trong dịch, anh và vợ đều mất việc nên phải trở về quê làm vườn cùng bố mẹ.

Đến giữa tháng 10, hai vợ chồng về lại thành phố với hy vọng dịch vụ karaoke sớm được mở lại.

"Trong thời gian chờ đợi, mình làm tạm công việc shipper. Tiền kiếm được chỉ vừa đủ cho hai vợ chồng trang trải tiền ăn, tiền trọ", Vinh nói.

Tuy nhiên, khi vợ đang mang thai tháng thứ 8, Vinh nghĩ mình cần một công việc ổn định hơn. "Giờ mình phải dành dụm một khoản để chuẩn bị cho ngày sinh con đầu lòng. Nhưng với tình hình hiện tại, thực sự chạy ăn từng bữa còn khó".

Khi hay tin karaoke phải đóng cửa trở lại, cha mẹ khuyên vợ chồng Vinh về quê thay vì tiếp tục cố trụ lại thành phố bằng những công việc bấp bênh.

"Mình cũng muốn ở lại chờ ngày đi làm nhưng có lẽ sẽ rất khó khăn. Thế nên, vợ chồng mình định sang tuần sẽ về quê. Về lâu dài, có thể mình sẽ đi học nghề sửa xe, cắt tóc để tìm công việc mới", Vinh chia sẻ.

Cầm cự

Ngày 17/11, khi TP.HCM cho phép mở lại dịch vụ massage, Thanh Huyền (26 tuổi, quê Long An) được chủ spa ở đường Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp) gọi lên làm lại.

Từ tháng 5, khi có lệnh phong tỏa, Huyền về quê tránh dịch và ở nhà từ đó đến nay. Nửa năm không đi làm, không có thu nhập, kinh tế gia đình cô gặp rất nhiều khó khăn.

“Vừa nghe tin được trở lại làm việc, tôi mừng lắm, lập tức đi test nhanh Covid-19 để kịp lên Sài Gòn. Ngày hôm sau, vừa chạy xe máy lên đến nơi thì lại có quyết định phải ngừng hoạt động, ai nấy đều chưng hửng, thất vọng”.

Huyền nói rằng những thông báo đột ngột và thay đổi liên tục khiến cả người lao động và chủ tiệm massage rơi vào thế khó, tuy nhiên do dịch bệnh vẫn còn căng thẳng nên không thể làm khác.

Hiện tại, Huyền không về lại Long An mà quyết định ở lại TP.HCM để chờ đợi thêm.

“Tôi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên không quá lo lắng. Hiện tại thành phố đã được mở lại khá nhiều hoạt động, nhiều nơi thiếu người làm. Thời gian tới nếu tiệm massage chưa được mở lại, tôi sẽ đi tìm công việc khác làm tạm. Trong thời buổi khó khăn thế này, có việc gì thì làm việc đó thôi, chẳng thể chờ mãi đến khi dịch hết hẳn được”, Huyền bày tỏ.

Vừa dọn dẹp lại quán karaoke sau nửa năm nghỉ dịch, mới mở cửa được một ngày, Hoàng Thạch (nhân viên phục vụ quán karaoke tại quận Phú Nhuận) bất ngờ khi có thông báo phải nghỉ.

Từ khi dịch bùng phát đến nay, anh chàng quê Nghệ An vẫn ở lại TP.HCM với hy vọng mọi thứ sớm được kiểm soát. Tuy nhiên, sau thời gian phong tỏa kéo dài, số tiền tiết kiệm của anh cũng đã cạn và có thời điểm phải vay mượn người thân để cầm cự.

“Trong thời gian chờ quán karaoke được mở cửa, tôi và nhiều nhân viên khác cũng tìm nhiều công việc thời vụ để kiếm tiền sinh hoạt. Hồi tháng 7, tôi và mấy anh em nhập trái cây từ miền Tây lên bán, nhưng khi thành phố mở cửa thì không có nhiều khách nữa nên nghỉ. Tôi cũng nhận vận chuyển hàng cho một số người quen để kiếm thêm. Tuy nhiên, thu nhập từ mấy cái đó chỉ đủ sống tạm qua ngày thôi”.

Anh Thạch nói rằng đã gần 2 năm chưa về quê do dịch bùng phát liên tục. Anh lo rằng có thể Tết phải ở lại vì dịch căng thẳng, một phần vì không còn tiền.

“Điều tôi mong mỏi nhất lúc này là quán karaoke mở cửa trở lại, có thu nhập để lo cho mình và trả được hết số tiền đang nợ”, anh nói.

Nhân viên quán karaoke ở TP.HCM thành bốc vác khi thất nghiệp

Trong hơn nửa năm karaoke đóng cửa, anh Trương Văn Sương (31 tuổi) xin làm thời vụ ở một kho hàng. Công việc, thu nhập bấp bênh khiến anh không dám nghĩ đến chuyện về quê ăn Tết.

The he tra sua o My hinh anh

Thế hệ trà sữa ở Mỹ

0

Từng bị đánh giá không có triển vọng phát triển bên ngoài châu Á, trà sữa giờ đây trở thành thức uống thời thượng, mê hoặc giới trẻ Mỹ và các nước châu Âu.

Huệ Lâm - Đào Phương

Bạn có thể quan tâm