Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhân viên Google vỡ mộng

Google từ lâu được đánh giá là môi trường làm việc đáng mơ ước, song nhiều nhân viên cho rằng văn hóa công ty đã thay đổi, đặc biệt là sau hàng loạt thông báo sa thải hôm 20/1.

google sa thai hang loat anh 1

Vào sáng 20/1, một nhân viên Google phải gọi đến bộ phận kỹ thuật vì bất ngờ nhận thông báo lỗi khi đăng nhập hệ thống làm việc. Nhiều người khác thức dậy vì tiếng tin nhắn dồn dập và câu hỏi: "Bạn có bị sa thải không?".

Ba nhân viên giấu tên trò chuyện với CNN đều nằm trong số 12.000 nhân viên bị Google sa thải vào ngày 20/1. Đây là đợt sa thải có quy mô lớn nhất trong lịch sử công ty, song điều khiến các nhân viên và những người ngoài cuộc sửng sốt hơn cả là cách Google thông báo sa thải.

Không có cơ hội nói lời tạm biệt

Suốt nhiều năm, Google được xếp hạng là công ty có môi trường làm việc hàng đầu tại Mỹ. Năm 2022, Google đứng thứ tám trong bảng xếp hạng địa điểm làm việc tốt nhất tại Mỹ do Glassdor thực hiện, theo CNBC.

Công ty này luôn đặt sức khỏe của nhân viên lên hàng đầu, thưởng cho nhân viên những đặc quyền lớn, đồng thời cung cấp nhiều tiện ích như khu tập luyện trong văn phòng, bữa ăn miễn phí, dịch vụ massage và chăm sóc trẻ em.

Tuy nhiên, trong làn sóng sa thải vừa qua, nhiều nhân viên kỳ cựu - với ít nhất một người đang nghỉ vì vấn đề sức khỏe và một nhân viên đang chuyển dạ - đều nhận thông báo cắt giảm nhân sự mà không có lời giải thích. Họ thậm chí không có cơ hội nói lời tạm biệt với đồng nghiệp hay thu dọn bàn làm việc.

google sa thai hang loat anh 2

Nhiều nhân viên Google bất ngờ nhận thông báo sa thải hôm 20/1. Ảnh: Shutterstock.

Dù không chỉ riêng Google có cách tiếp cận này, nhiều người cho rằng nó không phù hợp với văn hóa lấy con người làm trung tâm của gã khổng lồ công nghệ.

Tuy nhiên, một số nhân viên bị sa thải cho rằng động thái này chỉ là ví dụ mới nhất về sự thay đổi văn hóa tại Google trong nhiều năm. Theo họ, nền văn hóa đánh giá cao sự cởi mở và trọng dụng nhân viên của Google ngày càng bị thách thức và xói mòn bởi các vụ bê bối nội bộ, sự giám sát ngày càng tăng từ công chúng và nhu cầu kinh doanh.

Trong các cuộc phỏng vấn với CNN, nhiều nhân viên mô tả văn hóa công ty đang có sự thay đổi lớn, bao gồm thu hẹp đặc quyền, giảm khả năng tiếp cận lãnh đạo cấp cao và tập trung vào các nguồn lợi kinh doanh ngắn hạn hơn là tầm nhìn dài hạn.

“Luôn có sự quan tâm tới doanh thu và tăng trưởng. Và điều đó không kèm theo sự cân nhắc tới phúc lợi của nhân viên”, một nhân viên khác bị sa thải hồi tháng 1 chia sẻ.

Bà Margaret O'Mara, nhà sử học công nghệ và là giáo sư tại Đại học Washington, nhận định việc sa thải nhân viên qua email “phản ánh Google đã trở thành một công ty lớn và quan liêu”.

Sự phát triển đó khiến Google “đặc biệt” khó “duy trì (hình ảnh) đại diện cho ‘chủ nghĩa tư bản tử tế, dịu dàng hơn và lấy con người làm trung tâm'”, bà nói.

Khi được yêu cầu bình luận, Google chỉ ra bài đăng trên blog về đợt sa thải. Công ty mô tả việc sa thải nhân viên là một “quyết định khó khăn để chuẩn bị cho tương lai” trong bối cảnh môi trường kinh tế nhiều thách thức. Họ xin lỗi vì đây sẽ là “lời tạm biệt với một số người rất tài năng”.

Sự thay đổi văn hóa công ty

Những thay đổi tại Google cho thấy sự chuyển mình trong lĩnh vực công nghệ, khi thung lũng Silicon trưởng thành và những người sáng lập mong muốn làm điều khác biệt, chịu áp lực từ Phố Wall hoặc bị thay thế.

Nhiều công ty công nghệ lớn khác cũng đã sa thải hàng nghìn nhân viên trong những tháng gần đây, khi ngành công nghiệp này đối mặt với thực tế rằng nó không thể tiếp tục phát triển với tốc độ chóng mặt mãi mãi.

“Tôi nghĩ công nghệ có lẽ không còn miễn dịch nữa”, một cựu nhân viên Google chia sẻ. “Rất nhiều nhân viên cấp dưới của tôi đang bối rối không biết công nghệ sẽ đi về đâu”.

Trở lại năm 2004, những người sáng lập Google, Larry Page và Sergey Brin, đã viết lá thư đầu tiên gửi tới các nhân viên rằng: “Google không phải là một công ty thông thường”. Họ cam kết sẽ “bổ sung lợi ích cho (nhân viên) theo thời gian, chứ không phải cắt giảm”.

Song nhiều sự kiện bước ngoặt đã xảy ra. Tháng 3/2015, bà Ruth Porat - một trong những phụ nữ quyền lực nhất Phố Wall - đã trở thành giám đốc tài chính của Google.

Nhiều tháng sau, hai ông Page và Brin thông báo ông Sundar Pichai sẽ tiếp quản vị trí giám đốc điều hành. Trong khi đó, Google và các dự án đầy tham vọng khác được tách thành công ty con của Alphabet.

“Bạn thuê các vị trí giám đốc từ Phố Wall và họ có xu hướng muốn làm hài lòng Phố Wall. Do đó, bạn dần xa rời những gì những người sáng lập đã dự định”, một cựu nhân viên cho biết.

google sa thai hang loat anh 3

Văn hóa công ty tại Google đã thay đổi. Ảnh: AP.

Văn hóa và danh tiếng của Google càng bị thách thức với một loạt sự kiện trong năm 2017 và 2018, khi các nhân viên tổ chức cuộc tuần hành hàng loạt để phản đối việc nhắm mắt làm ngơ trước hành vi quấy rối tình dục và phân biệt đối xử. Các nhân viên cũng bày tỏ lo ngại về giao dịch kinh doanh của Google với quân đội và cáo buộc công ty trả đũa những người chỉ trích họ.

Gần đây hơn, các cựu nhân viên cho biết Google đã hủy một số đặc quyền như massage tại văn phòng, trợ cấp chi phí đi lại và tổ chức cuộc họp bên ngoài.

“Nhiều người trong chúng tôi đã hy vọng (sự cắt giảm này) đủ để duy trì việc làm”, một nhân viên nói.

Trong khi đó, ông Cameron Rout - giám đốc sản phẩm bị Google sa thải hồi tháng Giêng - lưu ý mặc dù cách sa thải gây thất vọng, Google không hoàn toàn từ bỏ cam kết với nhân viên. Những người mất việc nhận được ít nhất 16 tuần lương, bên cạnh các lợi ích khác.

Song làn sóng sa thải cũng tạo ra sự bất an và thất vọng cho những người ở lại.

Tuần trước, hàng trăm nhân viên Google ở Thụy Sĩ đã tổ chức một cuộc tuần hành phản đối việc sa thải. Các nhân viên Google trên khắp thế giới cũng gửi một bản kiến ​​nghị kêu gọi xử lý tốt hơn việc cắt giảm nhân sự.

Khoảng một tháng trước đợt sa thải vào tháng Giêng, một nhân viên cho biết Google đã sơn dòng chữ “You Belong” (nơi bạn thuộc về) trên một bức tường ở khu làm việc. Đó là một phần chiến dịch nội bộ nhằm củng cố tinh thần.

“Lần đầu tiên nhìn thấy (dòng chữ), tôi đã nghĩ ‘thật dễ thương’. Tôi thích dòng chữ này đến nỗi dán nó vào máy tính xách tay”, nhân viên này kể lại. Nhưng sau vụ sa thải, lời nhắn này như “một trò đùa đen tối”.

“Họ nói (chúng tôi) thuộc về nơi này, nhưng 12.000 người thậm chí không được phép đến công ty nữa. (Chúng tôi) không còn sự gắn kết với công ty và con đường chúng tôi đang hướng tới”, người này chia sẻ.

Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế

Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Công ty mẹ của Google mất 140 tỷ USD vì chatbot AI trả lời sai

Bard, chatbot AI của Google cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT, đã khiến công ty chủ quản bay hơi 140 tỷ USD giá trị thị trường dù chưa ra mắt.

Nhân viên tuyển dụng cho Google bị sa thải khi đang phỏng vấn ứng viên

Dan Lanigan Ryan, từng làm tuyển dụng cho Google, chia sẻ rằng anh phát hiện mình đã bị công ty này sa thải khi đang phỏng vấn ứng viên.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm