Theo cuộc khảo sát trực tuyến vào tháng 6 trên 1.000 nhân viên văn phòng ở Hàn Quốc, gần 30% từng trải qua các hình thức quấy rối khác nhau tại nơi làm việc trong năm qua, tăng từ 23,5% trong nghiên cứu tương tự vào tháng 3, CNN đưa tin.
Các đối tượng khảo sát chia sẻ tình huống họ gặp phải bao gồm quấy rối tình dục từ cấp trên, bạo lực bằng lời nói và thể chất.
Một nhân viên cảm thấy bị đe dọa khi người giám sát chửi bới mình. Người khác kể cô nhận được tin nhắn quấy rối của sếp giữa đêm, trong lúc anh ta say xỉn.
Số khác phải đối mặt với việc bị sếp phân biệt đối xử và xúc phạm trước mặt đồng nghiệp.
Có trường hợp còn bị trừng phạt bằng cách chuyển công tác hoặc sa thải sau khi báo cáo hành vi quấy rối. Tuy nhiên, hầu hết người tham gia khảo sát đều chọn im lặng và lờ đi. Nhiều cá nhân quyết định nghỉ việc vì sợ ảnh hưởng đến triển vọng làm việc trong tương lai.
Gapjil trở lại cùng với làn sóng trở lại văn phòng ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP. |
Khảo sát chỉ ra rằng nạn nhân thường là phụ nữ và làm việc bán thời gian, trong khi quản lý thường là thủ phạm.
Sức khỏe tinh thần của nạn nhân cũng bị ảnh hưởng. Chỉ số ít tìm cách điều trị sau khi mắc chứng trầm cảm, mất ngủ, thiếu động lực và nhiều vấn đề khác.
Gapjil là thuật ngữ tiếng Hàn đề cập đến hành vi lạm dụng của những người có chức vụ, quyền lực đối với cấp dưới, hậu bối của mình. Đây là vấn đề nhức nhối từ lâu, đặc biệt trong các gia đình tài phiệt có sức ảnh hưởng với kinh tế và chính trị Hàn Quốc.
Đỉnh điểm vào năm 2019, Lee Myung-hee, phu nhân chủ tịch Korean Air, bị buộc tội bạo lực thể chất và lời nói cấp dưới, bao gồm ném kéo cắt kim loại vào người làm vườn và buộc một nhân viên phải quỳ gối.
Lee được hưởng án treo vào năm 2020, cho phép mãn hạn nếu không phạm tội trong 3 năm. Vụ việc là tín hiệu tích cực đối với các nhóm đấu tranh vì quyền lao động.
Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhiều lần hứa sẽ giải quyết gapjil, thứ ông cho là “tệ nạn kinh khủng nhất chốn công sở”.
Không chỉ gapjil, việc phân biệt giới tính cũng ăn sâu vào tiềm thức dân Hàn. Trong các cuộc phỏng vấn xin việc, phụ nữ thường xuyên được hỏi về kế hoạch kết hôn hoặc sinh con.
Năm 2019, Hàn Quốc thông qua đạo luật, quy định nhà tuyển dụng sa thải nhân viên vì báo cáo lạm dụng sẽ phải đối mặt với án tù 3 năm hoặc khoản tiền phạt 30 triệu won.
Báo cáo cho thấy tỷ lệ quấy rối và lạm dụng đã giảm sau khi đạo luật thực thi, và giảm mạnh hơn trong đại dịch, khi mọi người làm việc tại nhà. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng trở lại khi mọi người quay trở lại văn phòng.