Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhân viên Nhật Bản làm việc vất vả, bị giới hạn số lần đi vệ sinh

Nữ nhân viên đã đệ đơn kiện vì bị công ty ép làm việc quá sức, đến mức phải điều trị tổn thương tâm lý.

Theo TBS News, trước đây nữ nhân viên 51 tuổi chỉ làm việc với tư cách nhà sản xuất cho TV Tokyo Seisaku (công ty con của đài truyền hình Tokyo). Cô kể năm 2017, do bất đồng với sếp nên bị điều sang bộ phận hành chính tổng hợp.

Với nhiều người, đó có thể chỉ là một hành động cách chức không công bằng. Song điều khiến nhân viên này bức xúc nhất là dù đã chuyển đi, cô vẫn bị yêu cầu giải quyết cả những công việc ở vị trí cũ, sau khi tất bật cả ngày với nhiệm vụ mới.

Cô kể có thời điểm phải làm việc 48 ngày liên tục, không có ngày nghỉ nào.

Nhưng đó chưa phải điều phi lý nhất. Người giám sát còn áp những quy định về hạnh kiểm khó hiểu, như giới hạn số lần cô được phép đứng dậy đi vệ sinh.

nhan vien Nhat lam qua suc anh 1

Nữ nhân viên bị tổn thương tâm lý khi phải làm việc quá nhiều, bị người giám sát áp những yêu cầu vô lý, quá đáng. Ảnh: Sora News 24.

Nữ nhân viên cho biết cô đã căng thẳng quá mức dẫn tới chứng rối loạn điều chỉnh (adjustment disorder) - một tình trạng tâm lý có khả năng dẫn đến các vấn đề tâm thần nghiêm trọng hơn.

Thực tế, nếu làm việc trong lĩnh vực giải trí, truyền thông đại chúng, đa số người lao động phải chuẩn bị tinh thần cho lịch làm việc kín đặc, không theo giờ hành chính thông thường.

Khi làm việc trong ngành này ở Nhật Bản, áp lực còn tăng gấp đôi, bởi các công ty tại đây thường không cần biết nhân viên có phải tăng ca không mà chỉ quan tâm họ làm được bao nhiêu việc.

Song, dù đây là nghề lắm áp lực, khối lượng công việc cùng những quy định bị áp lên nữ nhân viên 51 tuổi của TV Tokyo Seisaku vẫn khiến nhiều người thấy quá đáng. Câu chuyện gây nên nhiều tranh cãi.

Sau khi tìm hiểu, Văn phòng Tiêu chuẩn Lao động Mita (phường Minato, Tokyo) đã chứng nhận tình trạng của nữ nhân viên đủ các tiêu chuẩn để công nhận là tổn thương tâm lý tại nơi làm việc.

Luật sư của người phụ nữ cho biết cô đang kiện TV Tokyo Seisaku vì chưa trả tiền làm thêm giờ. Cùng với đó, cô cũng cân nhắc đòi thêm các khoản bồi thường thiệt hại bởi hành vi quấy rối tại nơi làm việc dưới hình thức giới hạn số lần đi vệ sinh và các quy định không chính đáng khác từ cấp trên.

Phía TV Tokyo Seisaku nói rằng không đồng ý với những tuyên bố và cách giải thích của cựu nhân viên trong câu chuyện trên, nhưng công ty này từ chối bình luận về các chi tiết cụ thể trong khi vụ kiện đang diễn ra.

Bạo lực nơi làm việc ở Nhật Bản

Trước đây, từng có nhiều trường hợp nhân viên ở Nhật bị cấp trên sử dụng bạo lực cả tinh thần lẫn thể xác.

Tháng 6, Yuko Kono và mẹ mình, Kumiko Chujo (quản lý cửa hàng), bị bắt vì cáo buộc lạm dụng thể xác khi cả hai có những hành vi bạo lực để kỷ luật nhân viên dưới quyền, Sora News 24 đưa tin.

Yuko Kono gây bức xúc vì phạt một nhân viên (24 tuổi) đi làm muộn phải xỏ khuyên bằng cách đâm trực tiếp vào mũi người này. Vết xỏ khuyên phải mất khoảng 3 tháng mới lành lại.

Trước đó, vào tháng 4, mẹ con Kono đã bị bắt vì dùng hình phạt bạo lực với nhân viên. Chỉ vì một khách phàn nàn có sợi tóc trong hộp cơm, hai người phụ nữ này đã dùng kéo cắt hết tóc của người làm.

nhan vien Nhat lam qua suc anh 2

Nhiều vụ việc nhân viên tại Nhật Bản bị cấp trên hành hung khiến dư luận bức xúc. Ảnh: Sora News 24.

Hồi tháng 4, cảnh sát tỉnh Yamagata (Nhật Bản) cho biết ông chủ một công ty xây dựng trên địa bàn đã hành hung cấp dưới vì không tuân thủ yêu cầu làm việc tại nhà giữa dịch Covid-19.

Người đàn ông 46 tuổi bị bắt giữ vì tội gây thương tích với cáo buộc đấm vào mặt và đầu nhân viên (20 tuổi) tại bãi đất trống.

Năm 2016, vụ một quản lý cửa hàng buôn cá ở Nhật đánh đập nhân viên của mình tới chết từng khiến dư luận phẫn nộ. Cuối cùng, hung thủ chỉ phải nhận án treo khi tòa nhận định người này đã hối lỗi và trả tiền cho gia đình nạn nhân.

Hình thức kỷ luật nơi làm việc luôn được xem là vấn đề tế nhị, cần sự xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo sự tôn trọng giữa người làm chủ và nhân viên. Tại Nhật Bản, những biện pháp được sử dụng phổ biến là trừ lương và yêu cầu xin lỗi công khai.

Tuy nhiên, thực tế có không ít người sử dụng lao động đang áp dụng kỷ luật không dựa trên thái độ tôn trọng nhân viên, sẵn sàng sử dụng bạo lực nếu người dưới quyền làm sai.

Áp lực 'gà mái mẹ' ở Trung Quốc

Nỗi sợ con mình không thành công trong tương lai khiến nhiều cha mẹ Trung Quốc trở thành "gà mái mẹ", thúc ép trẻ học hành từ khi còn ít tuổi.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm