Mới đây, Bộ Y tế công bố bệnh nhân 32 tuổi, ở Mang Thít, Vĩnh Long, là ca bệnh 1440. Đáng chú ý, người đàn ông này nhập cảnh trái phép từ Myanmar theo đường mòn, lối mở về nhà mà không khai báo y tế.
Một người vi phạm, cả hệ thống vất vả
Chia sẻ với Zing, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết trường hợp bệnh nhân 1440 vi phạm rất nghiêm trọng công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thứ nhất, người này nhập cảnh trái phép về nước. Thứ hai, người này che giấu bệnh tật và cố tình không khai báo y tế. Mới đây, Chính phủ đã ra Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có xử phạt rất nặng người không tuân thủ quy định cách ly. Thậm chí, nếu gây hậu quả nghiêm trọng như làm lây bệnh cho người khác, trường hợp này có thể đưa ra tòa xử theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và phạt tù.
Thời điểm cuối năm, số trường hợp nhập cảnh trái phép có thể tăng nhiều hơn, khiến công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo PGS Nga, những trường hợp người nhập cảnh trái phép có thể do họ không có giấy tờ tùy thân, lúc đi vượt biên trái phép và khi về theo đường mòn, lối mở qua biên giới. Ngoài ra, cũng có thể những người này không muốn phải cách ly tế. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch đang bùng phát khắp thế giới, điều này hết sức nguy hiểm. Dịch lây lan trong cộng đồng sẽ rất khó kiểm soát.
Những trường hợp nhập cảnh trái phép cần nhanh chóng được cách ly, điều trị Covid-19 nếu xét nghiệm dương tính. Đồng thời, lực lượng y tế ngay lập tức phải có biện pháp khai thác dịch tễ học như lịch sử di chuyển, tiếp xúc của bệnh nhân và phối hợp lực lượng công an tìm kiếm.
Theo lời bệnh nhân khai báo các địa điểm đã đi qua, cơ quan chức năng phải nhanh chóng tìm kiếm người tiếp xúc gần (F1) để cách ly, sau đó tìm kiếm F2.
"Đây là công việc rất tốn kém tiền của, phức tạp và khó khăn của cả hệ thống y tế, công an, chính quyền địa phương", PGS Nga nhấn mạnh.
Khi một người vi phạm cách ly, khiến dịch bệnh có nguy cơ lây lan, cả hệ thống y tế, chính quyền địa phương phải làm việc rất vất vả để truy vết. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhấn mạnh việc bệnh nhân thay đổi lời khai liên tục, cố tình khai báo không trung thực, phải chịu hình phạt thích đáng.
"Lẽ đương nhiên, nhập cảnh trái phép là vi phạm quy định pháp luật. Nhưng khi đã mang mầm bệnh về mà còn cố tình khai sai, bệnh nhân này phải bị phạt nghiêm. Bởi khi phát hiện ca dương tính trong cộng đồng, việc truy vết người tiếp xúc gần và khoanh vùng ổ dịch sớm phụ thuộc rất lớn vào sự khai báo thành khẩn của bệnh nhân", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Khanh, hành động của bệnh nhân 1440 nguy hiểm tương tự sự việc nam tiếp tiếp Vietnam Airlines không tuân thủ quy định cách ly.
"Điều chúng ta chờ đợi và hy vọng không xảy ra là bệnh nhân này không lây nhiễm virus cho những người tiếp xúc gần khác", ông nói.
Theo phân tích của bác sĩ Khanh, cơ quan điều tra dịch tễ cần sớm khai thác chuẩn lịch trình di chuyển của bệnh nhân. Họ phải khai rõ lịch sử di chuyển, đối tượng tiếp xúc. Nguyên tắc của virus gây bệnh truyền nhiễm như SARS-CoV-2 là phải chặn đầu và đường lây thay vì đi sau chúng.
Đặc biệt, PGS Nga cảnh báo trong thời điểm biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 ở Anh lây lan rất nhanh, nhiều nước khác đã ghi nhận các ca dương tính với biến chủng mới. Nếu người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nhiễm bệnh bởi virus biến chủng, đây thực sự là mối nguy hiểm rất lớn.
Người dân hãy là “người giám sát”
Bệnh nhân 1440 không phải là ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên được ghi nhận ở người nhập cảnh trái phép. Giữa tháng 8, TP.HCM phát hiện nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép qua đường biên giới phía Bắc vào Việt Nam và di chuyển bằng ôtô đến thành phố này. Một trong 8 người được xác định mắc Covid-19. Ngày 24/12, Đà Nẵng cũng phát hiện 6 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bằng ôtô.
Ngoài ra, xuyên suốt từ đầu năm, lực lượng công an, biên phòng đã phát hiện và trục xuất nhiều người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, xử phạt hình sự với người dân Việt Nam về nước qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm, công tác này càng trở nên khó khăn hơn.
Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh bệnh nhân 1440 chỉ là trường hợp điển hình. Nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép khác chưa được phát hiện, có thể do họ không bị mắc Covid-19.
Phun khử khuẩn toàn bộ khu dân cư trong đợt bùng phát dịch Covid-19 hồi tháng 7 ở Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Giám. |
Trong thời điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cận kề, nguy cơ bùng phát dịch có thể đến từ người nhập cảnh trái phép. Nếu không khai báo, cách ly khi mang mầm bệnh, họ sẽ lây nhiễm virus sang cộng đồng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của người dân trong thời điểm nhạy cảm này.
"Biên giới Việt Nam quá dài và nhiều ngõ ngách, địa hình phức tạp. Sự sơ suất trong kiểm soát khó tránh khỏi. Người dân địa phương cần có trách nhiệm phối hợp cùng cơ quan chức năng, như vậy, chúng ta mới có thể đón Tết bình yên", bác sĩ Khanh cho biết.
Các chuyên gia khuyến cáo ngoài tuân thủ biện pháp 5K (khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế), người dân nên đóng vai trò của “người giám sát”.
Nếu có người về từ nước ngoài, người dân hãy thông báo cho cơ quan địa phương và thuyết phục người nhà khai báo y tế, cách ly theo quy định. Ngoài ra, khi thấy có người lạ về tại khu vực sinh sống, người dân cần thông báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp kiểm soát.
Nếu tất cả cùng làm tốt, virus sẽ không có cơ hội xâm nhập trong nước qua đường tiểu ngạch.