Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhập nhằng tiền bán trú, sữa học đường, Phòng GD&ĐT Cầu Giấy trần tình

Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho rằng không có chuyện chỉ đạo các trường thu gộp tiền sữa với tiền ăn bán trú để tăng tỷ lệ tham gia sữa học đường.

Mới đây, một số phụ huynh quận Cầu Giấy (Hà Nội) phản ánh tới báo chí về tình trạng một số trường trên địa bàn thu gộp tiền ăn bán trú và tiền sữa học đường.

Đặc biệt, tại trường Tiểu học Trung Yên (Cầu Giấy), không những thu gộp 2 khoản tiền này, nhà trường còn phát ra thông báo khó hiểu về việc đăng ký uống sữa học đường và ăn cơm bán trú.

Cụ thể, phiếu đăng ký về việc ăn bán trú và uống sữa học đường năm học 2019-2020 của trường Tiểu học Trung Yên đưa ra 2 phương án cho phụ huynh đăng ký: Thứ nhất là "Đồng ý cho con ăn bán trú tại trường. Thứ hai là không cho con ăn bán trú nhưng uống sữa học đường". Phần cuối của phiếu đăng ký có phần ý kiến khác.

Sua hoc duong anh 1
Phiếu đăng ký sữa học đường của trường Tiểu học Trung Yên khiến phụ huynh khó hiểu. Ảnh: VOV.

Một số phụ huynh tại trường cho biết con không thích uống sữa học đường, nhưng nếu không uống, không phải chỉ điền vào phiếu, mà còn bị cô giáo gọi riêng lên để nói chuyện, phải giải thích rõ lý do. Nhiều khi cũng vì muốn ủng hộ nhà trường, không muốn mất điểm trong mắt cô giáo nên vẫn đăng ký cho xong, còn bản thân con không muốn uống.

Phụ huynh này cũng cho rằng việc thông báo như trong phiếu của nhà trường không rõ ràng. Nếu nhà trường có thêm phương án thứ ba là đồng ý cho con ăn bán trú tại trường nhưng không uống sữa học đường sẽ hợp lý và thuyết phục hơn.

Cách thông báo kia sẽ được hiểu con có thể không ăn bán trú nhưng vẫn uống sữa học đường, còn nếu con đồng ý ăn cơm bán trú thì đã bao gồm sữa học đường, tức 2 khoản tiền này được tính gộp thay vì tách riêng.

Điều này khiến không ít phụ huynh cho rằng nhà trường đang cố tình "cài cắm" để phụ huynh phải đăng ký sữa học đường cho con. Đặc biệt, một số phụ huynh cho hay nếu con không đăng ký uống sữa học đường sẽ bị giáo viên gọi lên để giải thích lý do rõ ràng. Do đó, để tránh phiền phức, nhiều phụ huynh, dù không muốn, cũng phải đăng ký cho con uống sữa học đường.

Trước những phản ánh của phụ huynh, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thanh Huyền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội).

Bà Huyền cho biết dựa trên tình hình thực tế, nhà trường có phát phiếu thông báo đăng ký sữa học đường cho phụ huynh. Phiếu thông báo được nhà trường phát đi nhằm mục đích để phụ huynh tự nguyện đăng ký, chứ không có ý ép buộc.

Sua hoc duong anh 2
Phiếu đăng ký sữa học đường của trường Tiểu học Trung Yên khiến phụ huynh khó hiểu. Ảnh: VOV.

Trước câu hỏi của phóng viên, tại sao nhà trường lại thu tiền ăn bán trú vượt quy định 46 đồng/học sinh/ngày, bà Huyền thông tin: “Đối với học sinh đăng ký ăn bán trú và uống sữa học đường ở trường, nhà trường sẽ thu tròn tiền là 31.000 đồng/học sinh/ngày, như vậy số tiền lẻ dư ra là 46 đồng/học sinh/ngày.

Số tiền dư 46 đồng này, cuối năm, nhà trường sẽ thanh toán, quyết toán, trả lại cho phụ huynh. Những học sinh đăng ký cho con ăn bán trú nhưng không uống sữa học đường nhà trường chỉ thu 28.000 đồng/học sinh/ngày”.

Bà Huyền cho hay việc nhà trường phát phiếu đăng ký sữa học đường và ăn bán trú để lấy ý kiến phụ huynh và hoàn toàn dựa trên hướng dẫn của quận.

Song trước câu hỏi rõ ràng quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội không cho phép thu gộp các khoản tiền trên và việc đăng ký sữa học đường hoàn toàn do phụ huynh tự nguyện, bà Huyền cho biết theo tinh thần chỉ đạo trong cuộc họp mới nhất với phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, trường sẽ thông báo lại với các phụ huynh để thu tách 2 khoản tiền trên.

Đối với nội dung thông báo thu gộp tiền ăn bán trú với tiền sữa học đường trong văn bản 968/UBND-GD-ĐT-TCKH, bà Nguyễn Thanh Tịnh, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, cho biết:

“Năm ngoái, tiền học bán trú của học sinh Tiểu học quận Cầu Giấy tối đa là 28.000 đồng/bữa ăn/học sinh và tiền sữa học đường là 2.954 đồng. Căn cứ tình hình thực tế các khoản thu của năm ngoái, nếu học sinh đăng ký ăn bán trú ở trường và đăng ký uống sữa học đường, số tiền thu sẽ có tổng là 30.954 đồng/bữa ăn/học sinh, như vậy sẽ còn lẻ 46 đồng. Do vậy, năm nay, để thuận tiện cho công tác thu tiền ở các trường, quận Cầu Giấy cho phép mức ăn tối đa cho một học sinh là 28.046 đồng/bữa ăn, còn lại là tiền sữa”.

Bà Tịnh khẳng định việc thu như vậy chỉ để thuận tiện hơn, Phòng GD&ĐT không hề có ý định thu gộp hay chỉ đạo các trường ép phụ huynh tham gia sữa học đường để tăng chỉ tiêu.

“Sữa học đường là chương trình nhân văn, chúng tôi vẫn khuyến khích giáo viên tuyên truyền, khuyến khích các phụ huynh tham gia. Nhưng cũng có những cháu cho thể trạng không thể uống sữa thì có thể không tham gia. Hiện nay, có thể cách tuyên truyền của các cô tới phụ huynh chưa khéo nên mới để có những hiểu nhầm”, bà Tịnh nói.

Tuy nhiên, trước phản ánh của báo chí, bà Tịnh cho biết sẽ rà soát và quán triệt lại với các trường nếu có trường hợp ép buộc hay gây khó dễ cho phụ huynh nếu không tham gia sữa học đường.

Hiệu trưởng bị tố ăn chặn sữa học đường của học sinh nghèo

Ngoài bị tố cáo cấp phát thiếu sữa trong chế độ được hỗ trợ của học sinh, hiệu trưởng còn bị phản ánh thu chi trái quy định.


Bạn có thể quan tâm