Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhập viện cấp cứu khi phun môi tại Thẩm mỹ viện Ngọc Dung

Đang làm đẹp tại Thẩm mỹ viện Ngọc Dung (Hải Phòng), chị Minh xuất hiện các triệu chứng nổi mề đay, khó thở và được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Ngày 8/4, Phòng Quản lý hành nghề, Sở Y tế Hải Phòng, cho biết đơn vị đang kiểm tra làm rõ thông tin liên quan đến việc một phụ nữ bị dị ứng, khó thở khi làm đẹp môi tại Thẩm mỹ viện Ngọc Dung (địa chỉ 205 Lạch Tray, Hải Phòng).

Trước đó, khoảng 16h ngày 5/4, chị Phan Thị Minh (trú tại TP Hải Phòng) đến Thẩm mỹ viện Ngọc Dung để làm môi theo kỹ thuật phun môi charm.

Theo chị Minh, trước khi thực hiện phun môi, nhân viên thẩm mỹ đưa 3 viên thuốc và yêu cầu uống. Đó là hai viên thuốc nhỏ màu hồng nhạt và một viên con nhộng, nửa xanh nửa trắng, không có bao bì.

Sau khi uống thuốc, chị Minh được nhân viên bôi thuốc tê trực tiếp lên môi. Khi thuốc được cho là đã “ngấm tê”, nhân viên thẩm mỹ đã thực hiện kỹ thuật phun môi charm ở môi dưới của chị Minh.

Khoảng 10 phút sau, khi đang thực hiện phun môi, chị Minh xuất hiện các biểu hiện nổi mề đay, ngứa ngáy khó chịu. Lúc này, nhân viên thẩm mỹ viện dừng việc phun môi. Một nam nhân viên mặc áo blouse đã tiêm một ống thuốc vào ven tay trái của chị Minh. Người phụ nữ này không biết đó là thuốc gì. Ít phút sau đó, chị cảm thấy khó thở, hoa mắt và được nhân viên thẩm mỹ đón taxi đưa đến Bệnh viện Việt Tiệp cấp cứu.

Khi vào đến phòng cấp cứu của khoa Da liễu, Bệnh viện Việt Tiệp, chị Minh có biểu hiện nôn mửa, da tái nhợt và ngất đi. “Đến tối 6/4, tôi vẫn cảm giác khó thở và khi ăn bất cứ thứ gì đều bị nôn”, chị Minh cho biết.

Ông Lê Hồng Sơn (28 tuổi), quản lý cấp cao của Thẩm mỹ viện Ngọc Dung, chi nhánh Hải Phòng, thừa nhận vụ việc xảy ra tại cơ sở làm đẹp này. Theo giải thích của ông Sơn, các loại thuốc đưa cho chị Minh uống là kháng sinh, giúp khách hàng đỡ khó chịu trong quá trình phun môi. Phía thẩm mỹ viện từ chối cung cấp mẫu thuốc khi được đề nghị.

Đại diện Thẩm mỹ viện Ngọc Dung cũng cho biết thuốc dùng để tiêm ven cho chị Minh khi đã xuất hiện mề đay trên cơ thể là thuốc chống dị ứng và người tiêm là bác sĩ Đào Văn Bình, bác sĩ của thẩm mỹ viện. Ngoài bác sĩ Bình, quản lý Sơn còn thông tin bác sĩ chuyên khoa da liễu Phạm Thị Thúy là người chịu trách nhiệm về mặt y khoa của Thẩm mỹ viện Ngọc Dung.

Ông Nguyên, người tự giới thiệu là quản lý mảng hành chính của Thẩm mỹ viện Ngọc Dung, đã cung cấp các giấy tờ liên quan đến bằng cấp của bác sĩ Bình. Theo đó, người được cho là bác sĩ chỉ là điều dưỡng viên, làm việc cho Thẩm mỹ viện Ngọc Dung. Còn bác sĩ Thúy được xác định có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh do Sở Y tế Hải Phòng cấp, nhưng hoạt động chuyên môn độc lập, không liên quan đến hoạt động của thẩm mỹ viện.

Hơn thế, thời điểm xảy ra sự việc khách hàng bị dị ứng thuốc, bác sĩ Thúy không có mặt tại đây, không thể đưa ra y lệnh để điều dưỡng Bình tiêm thuốc chống dị ứng cho chị Minh. Vì vậy, việc tiêm thuốc này là do người của thẩm mỹ viện tự ý thực hiện.

Hiện tại, sau 3 ngày nằm viện, chị Minh cho biết vẫn bị nhức đầu, buồn nôn, khó thở, dưới da vẫn nhìn thấy nốt mẩn mờ. Người này đề nghị được xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân dị ứng.

* Tên nạn nhân đã được thay đổi.

Thùy Linh

Bạn có thể quan tâm