Trong mùa thu hoạch rong biển năm 2022 - kéo dài từ tháng 11/2022 tới ngày 15/5 năm nay - Nhật Bản đã sản xuất khoảng 4,8 tỷ tấm nori (rong biển khô), Nikkei Asia đưa tin ngày 4/6. Đây là lần đầu tiên con số này ở mức dưới 5 tỷ trong 51 năm, theo dữ liệu của Liên đoàn Thủy sản Nhật Bản.
Nhu cầu nội địa của Nhật Bản ước đạt khoảng 7,5 tỷ tấn rong biển/năm.
Nguyên nhân của hiện tượng trên là việc các vùng trồng rong biển tại Kyushu - nơi sản xuất 60% rong biển tại Nhật Bản - bị mất mùa. Do lượng mưa ít và nhiệt độ nước biển cao, khu vực biển Ariake phải đối mặt với hiện tượng thủy triều đỏ, khiến rong biển không thể phát triển vì thiếu chất dinh dưỡng.
Tỉnh Saga là nơi chịu tác động nặng nề nhất. Hiệp hội thủy sản địa phương cho biết tỉnh này chỉ sản xuất được 900 triệu tấm rong biển trong mùa thu hoạch vừa qua, lần đầu không đạt mốc một tỷ tấm trong 22 năm.
“Các nhân tố bất lợi liên tục kéo đến. Chúng tôi chưa bao giờ phải chứng kiến cảnh tượng thế này”, một đại diện của hiệp hội thủy sản tỉnh Saga nói với Nikkei Asia.
Trong bối cảnh sản lượng sụt giảm, giá thành của rong biển cũng đang có xu hướng tăng mạnh. Giá trung bình của một tấm rong biển 19x21 cm đã lên mức 17,24 yen (khoảng 0,12 USD), tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên giá rong biển vượt mốc 17 yen trong 40 năm.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.