Mới đây, câu chuyện một chàng trai Hà thành nhặt được ví có 5 triệu đồng, đăng tải thông tin lên mạng để tìm người đánh mất nhanh chóng thu hút sự chú ý. Mặc dù cô gái đã nhận lại toàn bộ số tiền, việc công khai tìm kiếm này vẫn vấp phải nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng.
Không phải cứ trả lại tiền là được khen
“Nhặt được của rơi trả lại người mất” là bài học đạo đức từ nhỏ mỗi chúng ta đều học qua. Trong xã hội hiện đại, con người bị chi phối bởi giá trị vật chất, tuy nhiên vẫn có không ít tấm gương người tốt, việc tốt đã được công nhận.
Điển hình như vào ngày 31/5 vừa qua, câu chuyện Vũ Văn Long (sinh năm 1994, quê Bắc Giang) trả lại 20 triệu đồng cho người mất ngay trong đêm từng được đông đảo dân mạng khen ngợi, chia sẻ.
Cô gái cảm ơn chàng trai Lương Ngọc Tú đã trả lại đồ cho mình. |
Thành viên Quốc Vũ bình luận: “Trong xã hội thật giả đảo điên vẫn còn những con người thật tuyệt vời. Một hành động quá đẹp! Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe, hạnh phúc”.
“Bạn thật tốt bụng, mình nghĩ sẽ có không ít người làm khác bạn. Mọi người hãy noi theo gương này để xã hội tốt đẹp hơn”, nickname Hoàng Hà chia sẻ.
Cùng trường hợp với Long, ngày 28/6, Lương Ngọc Tú (sống tại Hà Nội) nhặt được ví của một cô gái bị đánh rơi. Thấy có giấy tờ và 5 triệu đồng bên trong, anh đăng ảnh lên các diễn đàn và nhờ dân mạng tìm danh tính chủ nhân chiếc ví.
Sau đó, nhờ được mọi người giúp đỡ, Tú đã trả lại toàn bộ đồ cho cô gái. Ngoài những lời khen ngợi, chàng trai còn phải nhận không ít sự chê trách, nghi ngờ anh dựng chuyện, thích làm người nổi tiếng.
Thành viên Hắc Công Tử cho rằng: “Trả lại tiền rồi đăng Facebook thì câu like đến 50%. Mình nói vậy vì nếu tốt đúng nghĩa, người ta sẽ không bao giờ đưa lên mạng.
Cứ theo địa chỉ trên chứng minh thư, gửi về cho người mất hoặc ra ngân hàng xin số điện thoại mà gọi. Lúc đó, chàng trai mới tốt bụng đúng nghĩa. Trên đời này, không ai tốt với ai mà không có mục đích”.
Nhiều trường hợp đăng tin tìm người đánh rơi đồ thậm chí còn bị dân mạng ném đá. Ảnh: NTH. |
Sau khi trả lại tiền cho cô gái, Ngọc Tú cho biết, anh gặp không ít rắc rối trong cuộc sống. Nhiều người đã bình luận chỉ trích vào bài đăng trên diễn đàn của anh.
9X còn nhận được không ít cuộc điện thoại từ bạn bè với mục đích dò hỏi, có người khen, kẻ chê. Một số người thì vào trêu chọc, cho rằng anh quá ngốc khi trả lại tiền.
Chia sẻ với Zing.vn, Ngọc Tú bày tỏ: “Khi nhìn thấy chiếc ví, mình chỉ nghĩ đến việc đăng tải lên mạng để nhiều thành viên biết tới và sớm tìm ra người bị mất. Chứ thực tình lúc đó, mình không nghĩ đến có những lời khen chê. Nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh câu chuyện này nên mình khá buồn”.
Làm việc tốt sao phải lăn tăn?
Có thể nói, nhặt được của rơi, trả lại người mất là việc làm luôn đúng. Nhưng thực tế, hành động này lại khiến không ít bạn trẻ bị chỉ trích và phải suy nghĩ xem nên giải quyết như thế nào?
Không thể phủ nhận sức lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội giúp việc tìm kiếm thông tin, kết nối mọi người nhanh hơn. Tuy nhiên, người dùng cũng gặp không ít rắc rối từ những "anh hùng bàn phím" chỉ thích đánh giá, nghi ngờ và bình phẩm.
Nói về chuyện đăng tin tìm người mất đồ trên diễn đàn, nickname Nguyễn Vũ cho rằng, để tránh gặp phiền phức, tốt nhất chúng ta nên liên lạc trực tiếp với chủ nhân, thông qua giấy tờ tùy thân nhặt được. Bởi trường hợp đăng tải công khai trên Facebook rất dễ bị đánh giá là thích khoe khoang, cố tình gây chú ý.
Một số dân mạng cho rằng, làm việc tốt thì không nên ngần ngại, tính toán được mất. Trong ảnh là Vũ Văn Long - chàng trai trả lại 20 triệu đồng cho người đánh rơi. Ảnh: NVCC. |
Hiện nay, một bộ phận giới trẻ thích sống ảo, muốn nổi tiếng trên mạng vô tình gây ảnh hưởng đến những người có tâm, làm việc tốt thực sự.
Nguyễn Ngọc Long - chuyên gia truyền thông xã hội - chia sẻ: “Nhặt được của rơi, trả người đánh mất là hành động rất nên làm. Tại sao phải lăn tăn người này, người kia nói mình câu like, khi mình đang làm việc đàng hoàng, tử tế?
Anh bày tỏ, việc tốt đăng lên mạng thường được cộng đồng ủng hộ. Do vậy, nếu muốn thông qua đó để câu like, tăng lượt theo dõi sẽ có những hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, nổi tiếng theo cách này không giải quyết được gì. Bởi số lượng không quyết định chất lượng.
Theo blogger Ngọc Long, người ta đến với bạn vì cái gì - vì uy tín danh tiếng, khâm phục tài năng, mến mộ con người bạn hay vì một sự hiếu kỳ? Đó mới là điều đáng nói.
Nguyễn Thùy Dương - Á khôi 1 Sắc đẹp tiềm ẩn 2016 - nhận định: “Khi bạn nhặt được đồ, trong giấy tờ đã ghi số điện thoại hay địa chỉ liên lạc, việc đăng lên mạng xã hội thực chất nhằm mục đích gây chú ý.
Nếu như không có thông tin gì thêm thì hành động này lại là cách nhanh chóng nhất để tìm thấy chủ nhân những món đồ.
Còn người nhặt được ví tiền, có ý trả lại và đăng lên Facebook nhìn chung đều muốn khoe khoang. Tuy nhiên, mình nghĩ không nên trách họ. Vì dù sao, đó đều là việc làm tốt, đáng khen ngợi".