Nhật ký 'chàng Tây rắc rối' giỏi... tiếng Nghệ
"Tự cho mình là “thiên tài bẩm sinh” của tiếng Việt, khi ra thủ đô, tôi đang phóng xe trên đường Xuân Diệu lãng mạn, thấy cô bạn người Hà Nội của mình và hỏi "Đi mô rứa em".
'Tôi – một ông Tây chính hiệu 25 tuổi và đã 8 năm rồi kể từ lần đầu tiên, tôi biết đến mùi vị của Việt Nam lẫn tiếng Việt. Từ đó, tôi luôn đắm say với Việt Nam, đặc biệt là tiếng Việt. Và cũng từ ngày đó, tôi luôn tìm mọi cách để quay về đây, tìm mọi cách để ở lại đất nước này".
Khi “Tây” học tiếng Nghệ
Năm 2004: khi “không – hẳn” 18 tuổi, tôi sang Việt Nam để làm tình nguyện tại tỉnh Nghệ An 1 năm và đó là lần đầu tiên tôi nói tiếng Việt. Người ta gọi là “lần đầu tiên trong đời”. Hà Nội “xin chào” tôi và tôi đã cố gắng hết mình để đáp lại. “Xin choo… Shin chaoow…”. Giống nhau cả thôi nhưng mỗi lần tôi cố gắng như thế (và thất bại thảm hại) thì mọi người Việt tôi gặp đều nói với rằng tôi rất giỏi.
Tôi sống ở Nghệ An suốt 1 năm trời nên tôi học tiếng “Nghệ” thay vì tiếng Việt chuẩn. Tôi luôn nói với bạn tôi: “Đi mô rứa?” (Đi đâu đấy?) hay “Nỏ có chi!”(Không có gì!), và mỗi lần như thế tôi lại thấy mình thật giống người Việt Nam.
Bạn tôi (cả người Việt lẫn nước ngoài) thậm chí còn gọi tôi là “Tây Việt Nam” vì tôi nói không ngừng về Việt Nam. Thật là tuyệt vời! Ý tôi là: trước đây tôi có học tiếng Pháp, tiếng Đức và một số thứ tiếng khác ở trường, nhưng tôi chẳng bao giờ được “cổ động” nhiều như thế cả. Tôi tự cho rằng mình là một “thiên tài bẩm sinh” của tiếng Việt.
Thế mà đến khi ra thủ đô, tôi như một “ông Tây nhà quê” lên tỉnh vậy. “Nỏ” ai hiểu tôi nói gì cả. Mọi người vẫn cổ vũ và động viên tôi nhưng họ đều lắc đầu không hiểu. Và “quê” nhất là một lần, khi tôi đang phóng xe trên đường Xuân Diệu đầy lãng mạn, thì nhìn thấy cô bạn Hà Nội của tôi đang đi bộ bên đường. Tôi như một anh chàng hay cưa cẩm, phóng xe lên và nói: “Đi mô rứa em?”. Tôi những tưởng cô nàng sẽ rất bất ngờ và lấy làm thú vị, nhưng thật không ngờ: tôi phải mất thêm 10 phút giải thích thì cô ấy mới hiểu tôi đang nói gì. Thật là buồn!
Sau đó tôi học nói tiếng Hà Nội. Thật ra, tôi cũng không nói được tiếng Hà Nội đâu, nhưng ít nhất là tiếng Việt chuẩn, để khi tôi nói thì người Việt có thể hiểu tôi. Dù sao đi nữa, tôi cũng phải thú nhận rằng tôi thích tiếng Nghệ An của tôi và người Nghệ An thường hiểu những gì tôi nói hơn là người Hà Nội. Và một điều nữa là tôi càng nói nhiều tiếng Nghệ, lại càng có nhiều người Việt “không hiểu” nhưng muốn gặp tôi. Kì diệu chưa!!!
Tôi thật may khi ở Việt Nam
Tôi gặp khó khăn vô cùng khi học những cái dấu bé xíu trong tiếng Việt. Nhưng thật may, ông trời sinh ra người Việt Nam - với bản tính kiên nhẫn và luôn hiểu người Tây - những người thường mắc lỗi “hậu đậu, ngớ ngẩn” với dấu. Những cái dấu mà thỉnh thoảng (hoặc nhiều hơn thỉnh thoảng), nó quan trọng kinh khủng.
Tôi rất niềm nở với những “bà cô” tươi cười ở chợ vì sự kiên nhẫn của họ khi tôi đọc nhầm từ “thit lon” (pork meat) bằng một từ gì đó gần giống vậy. Tôi cũng rất biết ơn anh chàng nọ ở quán cà phê đã không phát “điên” lên khi một lần mất điện (power cut), tôi đạp xe hồng hộc đến quán anh ta và hỏi: “Anh ơi, có điên không?” một cách rất ngây thơ. Anh ta nhìn tôi như thể tôi thật sự bị “power cut” vậy. Nếu ở Xờ - cốt – len quê tôi, thì anh ta đã gọi ngay cho cảnh sát để đưa tôi vào nhà thương “điên” “bóc lịch” rồi. Thật may là anh ta chỉ cười chứ không đuổi đánh tôi vì tội “bị điên”.
Tôi cũng từng yêu cầu một anh “sửa chữa xe máy” cho một cốc “sữa chua” (yogurt) chỉ vì “sua chua xe máy” và “sua chua” thật giống y hệt nhau.
Anh ta cười và chỉ cho tôi quán sữa chua gần nhất. Thật may! Thật ra đó là cách tốt nhất để học tiếng Việt, nên mỗi lần như thế tôi đều không sợ mắc lỗi và bị cười “vào mũi”. Ở đây, tôi cảm thấy an toàn khi mắc lỗi như thế vì tôi biết họ sẽ dạy tôi nhiều điều. Chúng tôi sẽ cười vì điều đó và tôi sẽ tiến bộ hơn. Thật là một thái độ “khỏe mạnh” và tôi cũng mong quê tôi (Xờ - cốt – len và Anh) có thể học từ những điều đó để “khỏe mạnh” hơn".
Trích thư của Peter Smith
Theo Hoa Học Trò