Rời Phú Yên trong tiếc nuối, đoàn hành trình hạnh phúc lại rong ruổi trên cung đường mới mà điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là Bình Định, nơi in dấu bao kỷ niệm khó quên.
Có tên Hành trình hạnh phúc, chuyến đi của chúng tôi đặc biệt hơn bởi dù ít hay nhiều điều, mỗi thành viên đều mong muốn là hạnh phúc ấy được lan tỏa đến với mỗi nơi mà mình đi qua, dừng chân.
Chúng tôi đã có những kỷ niệm đặc biệt như thế khi ghé thăm Trung tâm bảo trợ xã hội Đồng Tâm, nơi có hơn 100 em nhỏ tật nguyền đang sống. Cảm giác đầu tiên: đó thực sự là nhà, là tổ ấm, bởi đó là nơi các em được sống và lớn lên trong vòng tay yêu thương của những tấm lòng nhân ái, của các thầy cô và sự chung tay của các mạnh thường quân.
Hơn 100 em nhỏ với khuôn mặt ngơ ngác nhưng vẫn ánh lên nụ cười khi chúng tôi ghé thăm. Các em dường như không giấu được sự háo hức bởi ngày hôm nay, không chỉ nhận được những phần quà trung thu sớm, mà còn được hát ca, được giao lưu cùng các anh chị của hành trình hạnh phúc.
Nụ cười hạnh phúc bên những em nhỏ. |
Điều khiến chúng tôi cũng bất ngờ không kém là những món quà thật đặc biệt của các em. Đó là những tiết mục biểu diễn mà các em đã được học hàng ngày: bài quyền của đất võ Bình Định, những bài hát còn ngô nghê chưa thuộc hết lời... Những tiết mục ấy có thể chưa được trọn vẹn, lời hát còn ngượng ngịu, những thế quyền có thể chưa mạnh mẽ... nhưng trên hết đó chính là những nỗ lực vượt lên số phận để các em cho chúng tôi thấy: những trẻ em khuyết tật có thể có những khiếm khuyết về mặt cơ thể nhưng các em vẫn là những tâm hồn trẻ thơ tràn ngập tinh thần yêu thương, cần lắm sự sẻ chia.
Niềm hạnh phúc ấy đâu chỉ của riêng các em mà chúng tôi cũng vui lây bởi ít nhất, chúng tôi đã góp một phần nhỏ bé của mình để chấp cánh cho những ước mơ của các em sẽ thành hiện thực trong một tương lai không xa. Phút chia tay với các em, các thầy cô trong trung tâm càng trở nên quyến luyến. Chúng tôi cũng mong sẽ có cơ hội trở lại vào một ngày không xa.
Xem múa võ - đặc sản đất Tây Sơn. |
Quốc lộ 1A từ thành phố Quy Nhơn đến điểm tiếp theo là huyện Tây Sơn, Bình Định bụi tung mù mịt. Những cây cầu đang được xây dựng. Đường như oằn mình gánh đỡ hàng nghìn lượt người lưu thông mỗi ngày. Chúng tôi có có chút thấm mệt với cái nắng như đổ lửa của tiết trời miền Trung, đường đầy những ổ voi, ổ gà nhưng trong ánh ráng chiều.
Nhưng làng quê thanh bình hiện lên trước mắt, mang đến cảm giác thanh bình. Đó là mùi thơm của rơm mùa gặt mới. Trên cánh đồng, những gốc rạ trơ ra. Những ruộng lúa còn sót lại trĩu bông chờ ngày vàng gặt hái. Những ụ rơm khô được dựng trước mỗi nếp nhà. Hình ảnh ấy gợi bao nhiêu ký ức tuổi thơ. Con đường dẫn chúng tôi vào Hầm Hô quanh co trong những làng mạc với khung cảnh bình yên giữa núi rừng.
Cảnh đẹp mê hồn trên cung đường đi. |
Trong bữa ăn tối với những món ăn dân dã của địa phương, chúng tôi còn nghe tiếng suối chảy róc rách, tiếng rừng với biết bao thanh âm hoang sơ. Cả đoàn ngồi lại bên nhau để nói về nửa chặng đường đã qua với biết bao nhiêu kỷ niệm và cả những tiếc nuối. 7 ngày bên nhau là 7 ngày đầy ắp những ký ức ngọt ngào. Chúng tôi dường như hiểu nhau hơn, kết nối với nhau nhiều hơn và những cuộc trò chuyện ngày càng ấm tình hơn.
“Vua du khảo” Đào Kim Trang đã ở tuổi 53 nhưng vẫn tỏ ra rất dẻo dai và sung sức. Trong câu chuyện của mình, anh không quên nhắc lại về những ngày đã qua, những câu chuyện đi đường cho mỗi phượt thủ. Đó thực sự là những giây phút sẻ chia ý nghĩa bởi mỗi người trong số chúng tôi đều có thêm những bài học bổ ích.
Hành trình hạnh phúc là nơi không phải đi để ngắm cảnh đẹp, để chụp ảnh check-in mà để đem niềm hạnh phúc cho những vùng đất mình ghé qua, những con người mình có cơ hội gặp gỡ. Chúng tôi đã tự lan tỏa niềm hạnh phúc ấy cho nhau, để rồi mỗi người sẽ tự mình nhân rộng nó thêm thật nhiều, để những vòng tay yêu thương càng được nối kết bền chặt hơn.
Trong ngày thứ 2 ở Hầm Hô, sự háo hức càng lên cao khi cả đoàn có cơ hội được ghé thăm bảo tàng Quang Trung và để thêm hiểu về đất võ nổi tiếng với câu ca “Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định múa roi, đi quyền”. Cả đoàn chăm chú lắng nghe câu chuyện về 3 anh em Tây Sơn từ ngày đầu dựng cờ khởi nghĩa cho đến khi thống nhất đất nước sau hơn 200 năm Trịnh - Nguyễn phân tranh.
Đến Bình Định, về đất Tây Sơn mà bỏ qua những màn trình diễn võ nghệ xem như đã bỏ lỡ một nét văn hóa đặc sắc. Khi tiếng trống nhạc nổi lên là cả không khí hào hùng, rộn ràng như tiếng trống giục quân ra trận năm nào. Đó là bài múa thương, song chùy, múa quạt tập thể... với những động tác chắc nịch, dứt khoát đầy uy lực nhưng cũng hết sức mềm mại, điêu luyện.
Trước mắt, chúng tôi sẽ có một chuyến đi dài, ngược lên Gia Lai, Kon Tum để về với buôn làng, với tiếng cồng chiêng rộn rã.