Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật ký Vàng Anh: Bôi hồng và tô đen

Vàng Anh đã được “tô hồng” để trở thành một nhân vật hoàn hảo, một mẫu hình lý tưởng và là niềm mơ ước của rất nhiều teen hiện nay. Với Dịu sự “bôi đen” đã khiến chả mấy ai xem Nhật ký Vàng Anh mà lại có cảm tình với nhân vật này.

Nhật ký Vàng Anh: Bôi hồng và tô đen

Vàng Anh đã được “tô hồng” để trở thành một nhân vật hoàn hảo, một mẫu hình lý tưởng và là niềm mơ ước của rất nhiều teen hiện nay. Với Dịu sự “bôi đen” đã khiến chả mấy ai xem Nhật ký Vàng Anh mà lại có cảm tình với nhân vật này.

Nhật ký Vàng Anh: Bôi hồng và tô đen

“Một bộ phim để hấp dẫn tất nhiên cần có sự hư cấu, tưởng tượng của người đạo diễn. Tuy nhiên, thiết nghĩ với một bộ phim có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và suy nghĩ của tuổi teen - lứa tuổi còn nhiều bâng khuâng trước cánh cửa vào đời - thì mọi sự tô vẽ nên dừng ở mức nhất định, đi xa quá có khi lại phản tác dụng. Nhật ký Vàng Anh thực tế đang tô đen và bôi hồng nhiều điểm chưa hợp lý…”, bạn Minh Thu, TP Hà Đông, Hà Tây tâm sự.

Tôi đồng ý với suy nghĩ của bạn Trần Quang trong bài viết “Nhật ký Vàng Anh: Phim ảnh và đời thực" không nên lấy những điều đạo diễn nói trong phim để kết tội cho một thực tế đang diễn ra trong cuộc sống đời thường. Nhưng nếu vì Nhật ký Vàng Anh mà nhiều bạn tuổi teen trở nên thay đổi (với chiều hướng tiêu cực) thì tất nhiên dù không kể tội thì những nhà làm phim cũng sẽ khó ăn khó nói với công chúng.

Nhật ký Vàng Anh nói riêng và điện ảnh nói chung được sáng tạo ra là để phục vụ cho khán giả, chính khán giả quyết định tác phẩm “sống” hoặc “chết”. Vì thế mọi sự hư cấu, tưởng tượng cũng nên có một cái ngưỡng của nó. Khi sự hư cấu trở nên không phù hợp, thậm chí có thể nó đúng sự thật nhưng không nói lên bản chất hay tầm bao quát của sự việc, nó vẫn khó có thể được chấp nhận. Sự “tô đen và bôi hồng” trong Nhật ký Vàng Anh có thể sẽ tạo nên những ảnh hưởng không nhỏ đối với thế giới tuổi teen.

Cách thể hiện của các nhà làm phim trong Nhật ký Vàng Anh về các tuyến nhân vật là khá rõ ràng. Khán giả xem phim có thể hoàn toàn quy phạm nó về hai tuyến chính: Vàng Anh cùng các bạn trong nhóm là những bạn trẻ tốt, ngoan, hay giúp đỡ người khác, trong khi Dịu và Thảo Uyên thì hoàn toàn ngược lại. Vàng Anh đã được “tô hồng” để trở thành một nhân vật hoàn hảo, một mẫu hình lý tưởng và là niềm mơ ước của rất nhiều teen hiện nay. Với Dịu sự “bôi đen” đã khiến chả mấy ai xem Nhật ký Vàng Anh mà lại có cảm tình với nhân vật này. Có thể với cách tạo tuyến nhân vật như vậy, Nhật ký Vàng Anh định hướng cho các bạn trẻ điều gì đáng làm, nên làm, được yêu mến, tôn vinh và những việc gì nên tránh, nên loại bỏ. Điều đó tốt nhưng lại không đúng với thực tế. Và dường như nó tạo ra sự ngộ nhận với khán giả.

Trong cuộc sống nếu có một người như Vàng Anh: Nhà giàu, học giỏi nhất lớp, thông minh, xinh đẹp, sành điệu, hay giúp đỡ bạn bè v.v… thì có lẽ câu nói “không có gì là cái tuyệt đối” nên được xem xét lại. Cũng vì thế mà nhiều người xem Nhật ký Vàng Anh đã thốt lên: Cứ như là trong truyện cổ tích dân gian Tấm Cám vậy, Vàng Anh thậm chí còn hoàn hảo hơn cả Tấm bởi Tấm sau này lấy vua mới được sung sướng còn Vàng Anh từ trong bụng mẹ đã là “công chúa" rồi. Đó chỉ là một cách nói quá nhưng không phải là không có lý.

Hơn nữa, việc tạo dựng bối cảnh trong phim chỉ hướng đến đối tượng là các bạn trẻ con nhà giàu cũng ít nhiều gây phản cảm cho người xem. Dù trong Nhật ký Vàng Anh, có một số tập phim đề cập tới những mảng xã hội khác (như khi Vàng Anh vào TP Hồ Chí Minh và giúp đỡ một người bạn nhà nghèo) nhưng nó không đủ khiến người ta mất đi cảm giác chung về bộ phim. Các bạn trẻ thành thị có thể cực kỳ say mê Nhật ký Vàng Anh (vì phục vụ cho chính bản thân họ) nhưng số “khán giả” như thế rất ít, còn lại với các teen đang sống tại nông thôn, đang ngày ngày làm việc kiếm sống cho gia đình nhiều hơn là được học hành, vui chơi thì sao? Nhật ký Vàng Anh có thể làm những bạn trẻ này cảm thấy một sự hụt hẫng nào đó và cảm giác về một sự “phân biệt” là hoàn toàn có thể xảy ra.

Để thực sự là tác phẩm của công chúng, phục vụ công chúng, Nhật ký Vàng Anh nên có những đổi mới và mở rộng hơn nữa. Đề cập tới tuổi teen là một ý tưởng rất táo bạo và đáng trân trọng của các nhà làm phim nhưng lứa tuổi này cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi chính những tác phẩm này. Do đó, sự thận trọng và định hướng đúng đắn không bao giờ là thừa. Tôi vẫn hi vọng một lúc nào đó, khi xem Nhật ký Vàng Anh, không chỉ một bộ phận teen mà tất cả khán giả đều cảm thấy đây là cuộc sống đời thường, là cuộc sống thực, thế giới teen thực chứ không phải là một nét vẽ, “tô đen hay bôi hồng” nào đó.

Theo VTV

Theo VTV

Bạn có thể quan tâm