Trường học ở Hà Nội đã mở cửa đối với học sinh từ lớp 7 đến lớp 12. Tại các huyện, thị xã, trẻ tiểu học và lớp 6 cũng chuyển sang dạy học trực tiếp.
Sau thời gian dài con học trực tuyến, phụ huynh vui mừng khi trẻ được đến trường. Tuy nhiên, việc con chỉ học một buổi, trường không tổ chức bán trú khiến nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc đưa đón, chăm sóc trẻ.
Học sinh tiểu học ở huyện Gia Lâm trong ngày đầu trở lại trường. Ảnh: Thạch Thảo. |
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết phụ huynh của trường rất mong có bán trú. Hiện tại, học sinh từ lớp 7 trở lên đi học, không bán trú nhưng ít nhất, các con đã lớn, có thể chủ động đi lại.
Sắp tới, phụ huynh cũng như trường lo lắng hơn khi trẻ tiểu học chuyển sang học tập trung, trong đó có nhiều bất cập nếu trẻ đi học nhưng không ở bán trú. Trẻ chỉ học một buổi mà thời gian học với trẻ nhỏ không thể kéo dài. Do đó, trường không thể “nén” 2 buổi thành một buổi, cho học sinh học 5 tiết như với bậc THPT.
“Các con đến trường, học 3 tiếng sau lại về. Trong khi đó, bố mẹ còn đi làm, rất khó sắp xếp đưa đón, chăm lo bữa ăn. Kế hoạch cho trẻ nội thành đến lớp mới chỉ là dự kiến mà phụ huynh đã rất lo lắng, đau đầu”, thầy Khang chia sẻ.
Vì thế, theo Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang, quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn - nguy cơ lây nhiễm khi học sinh đi học trực tiếp dù học nửa buổi hay cả ngày là như nhau, do đó cần xóa bỏ tâm lý e ngại lây lan dịch bệnh khi tổ chức học bán trú - làm phụ huynh đặt nhiều kỳ vọng khi con đến lớp, trường được phép mở bán trú.
Là người phụ trách ngôi trường có cả cấp tiểu học, thầy Khang hy vọng lãnh đạo thành phố Hà Nội sẽ xem xét thực hiện.
“Tôi mong những mong muốn chính đáng của phụ huynh sẽ được chuyển đến lãnh đạo thành phố để học sinh tiểu học được bán trú. Nếu không, cha mẹ rơi vào thế khó, không cho con đến lớp rất dở mà gửi con đến trường cũng gay go, lúng túng”, thầy nói.
Thầy nói thêm tại TP.HCM, các trường vẫn tổ chức bán trú. Ngoài ra, ngay ở Hà Nội, phụ huynh vẫn đi làm, đi siêu thị, thậm chí cả nhà cùng du lịch. Do vậy, chúng ta không thể luôn lo lắng trẻ ăn, ngủ trưa tại trường sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm để rồi không thực hiện. Nếu thành phố Hà Nội cho phép, các trường, kể cả công lập và tư thục, đều có thể đảm bảo công tác bán trú.
Đương nhiên, trường học không thể đảm bảo tuyệt đối không phát sinh ca mắc Covid-19 khi trẻ ăn uống, ngủ nghỉ tại trường song việc học một buổi cũng không đồng nghĩa không có F0.
Tuy nhiên, thầy Khang nói thêm hiện tại, việc xử lý khi có F0 rất bình tĩnh, cả phía nhà trường lẫn phụ huynh. Những em không diện F0, F1 vẫn đi học bình thường, gia đình không lo lắng vì mọi người đều hiểu cần thích ứng an toàn.
Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), đánh giá khi chưa trở lại trường, trẻ em cũng mắc Covid-19. Nguy cơ lây nhiễm ở trường chưa chắc cao hơn bên ngoài, thậm chí thấp hơn, vì ở lớp, các em được kiểm soát tốt.
Ông nhận định việc trường học ở Hà Nội chỉ dạy học một buổi, chưa tổ chức bán trú có thể là bước thăm dò trước khi tính toán bước tiếp theo.
Bác sĩ Khanh cho rằng với tình hình hiện tại, các trường có thể thực hiện chia nhóm nhỏ, cho khoảng 5 trẻ cùng ăn, ngủ, chơi với nhau. Nếu phát sinh ca F0, trường khoanh vùng trong nhóm đó.
Theo ông, lo ngại khi tổ chức bán trú xuất phát từ việc lo không giám sát được trẻ khi ăn, ngủ. Do đó, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi thực hiện cho học sinh bán trú, giáo viên sẽ vất vả hơn trong việc giám sát học sinh.