Zing trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, đề cập đến nạn tảo hôn, cưỡng ép hôn nhân bùng phát trong cộng đồng người gốc Nam Á ở Hong Kong (Trung Quốc).
Vào tháng 6, nhân viên xã hội Yu Miu-po sốc khi nhận được tin nhắn cầu cứu từ một nữ sinh 16 tuổi ở lớp học của anh.
Trước đó 3 tháng, cô bé cùng bố mẹ và em gái kém 2 tuổi rời Hong Kong tới Pakistan giữa thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Tại quốc gia Nam Á này, hai bé gái bị ép cưới anh họ của mình.
Thiếu nữ 16 tuổi cho biết cô không hề muốn kết hôn với người xa lạ nhưng không còn lựa chọn nào khác. Sau nhiều lần phản kháng, cô bị đánh đập và giam giữ trong phòng.
Số vụ tảo hôn trên thế giới tăng cao trong mùa dịch. Ảnh: Stephanie Sinclair/VII. |
“Họ nghĩ rằng tôi trở nên hư hỏng, không chịu nghe lời vì được sinh ra và lớn lên tại Hong Kong. Tôi đau đớn quá rồi. Tôi phải bỏ cuộc thôi. Chị em chúng tôi không thể thay đổi số phận”, trích tin nhắn của cô bé.
Đây không phải là vụ tảo hôn đầu tiên mà Yu biết. Sau 10 năm làm nhân viên xã hội hỗ trợ các gia đình dân tộc thiểu số khó khăn, anh đã chứng kiến nhiều cô bé mới chỉ 15-16 tuổi bỗng đột ngột rời khỏi Hong Kong rồi trở về với một người chồng.
“Vấn nạn này đã tồn tại từ lâu, nhưng dịch Covid-19 khiến nó nghiêm trọng hơn”, anh cho biết.
Hôn nhân ép buộc không còn là điều mới mẻ trong cộng đồng thiểu số ở Hong Kong, đặc biệt đối với người Nam Á di cư đến đây sinh sống và làm việc.
Theo điều tra dân số năm 2016, người Nam Á - bao gồm Ấn Độ, Nepal và Pakistan - chiếm khoảng 84.600 người trên tổng số 7,33 triệu cư dân Hong Kong. Họ được coi là nhóm dân tộc thiểu số.
Khi dịch Covid-19 bùng phát khiến trường học đóng cửa và người trụ cột kinh tế trong nhà mất việc làm, nhiều gia đình bắt đầu sắp xếp cho con cái kết hôn sớm để giảm bớt áp lực tài chính.
Cộng đồng người Nam Á, bao gồm Ấn Độ, Nepal và Pakistan, chiếm 14,5% trên tổng số 584.000 người thiểu số ở Hong Kong. Ảnh: Flipboard. |
Zubin Foundation, tổ chức từ thiện với mong muốn cải thiện cuộc sống ở những cộng đồng thiểu số, đã nhận được 3 cuộc gọi thông qua đường dây nóng từ những cô gái bị ép buộc kết hôn trong 6 tháng qua.
Cả 3 cô gái đều xuất thân từ các gia đình Pakistan nghèo khó, có thu nhập thấp. Họ bị bắt đính hôn khi chưa đầy 18 tuổi.
Shalini Mahtani, người sáng lập và giám đốc điều hành của tổ chức trên, cho biết đại dịch đã khiến một số cô gái phải kết hôn gấp sau khi bố của họ thất nghiệp.
“Các gia đình không muốn nuôi thêm miệng ăn nữa”, bà nói.
Theo báo cáo tháng 10 của tổ chức từ thiện Save the Children, ước tính có thêm 500.000 trẻ em gái trên thế giới có nguy cơ bị ép tảo hôn do tác động kinh tế của đại dịch. Trước đó, tổ chức này dự đoán có 12 triệu bé gái phải chịu hôn nhân cưỡng ép trong năm nay.
Hôn nhân ép buộc là sai trái
Hina Butt (30 tuổi), thế hệ thứ 3 của một gia đình Pakistan ở Hong Kong, vẫn xúc động khi nhớ lại khoảng thời gian cô đấu tranh với bố. Sáu năm trước, ông ép cô phải kết hôn với người anh họ ở Pakistan.
Khi đó, Hina đang theo học bằng thạc sĩ về giáo dục tiếng Trung tại Đại học Hong Kong. Cô hoàn toàn chưa chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân, đồng thời không biết thông tin gì về người anh họ xa lạ kia.
Do không thể thuyết phục bố từ bỏ ý định, Hina bỏ nhà ra đi vào năm 2016 và tới Quảng Đông (Trung Quốc) để dạy tiếng Anh.
“Hôn nhân ép buộc là sai trái. Trước giờ bố tôi vẫn luôn cởi mở và ủng hộ tôi. Sao đột nhiên ông ấy lại đối xử với tôi như vậy?”, cô thắc mắc.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian xa nhà, cô luôn tự trách bản thân khi đã làm ảnh hưởng mối quan hệ cha con. Lúc quẫn trí nhất, Hina cố gắng tự tử bằng cách uống thuốc ngủ nhưng được một đồng nghiệp kịp thời phát hiện và đưa tới bệnh viện.
Một số gia đình tin rằng hôn nhân sắp đặt là những gì tốt nhất cho con cái. Ảnh: AP. |
Sau sự kiện đáng tiếc đó, Ahmed Raheel, bố của Hina, đồng ý cho con gái tự do chọn chồng. Nói về việc bắt Hina lấy anh họ phương xa, Ahmed cho biết ông chỉ cố gắng làm những gì tốt nhất cho con.
Bản thân ông cũng từng bị ép cưới vào năm 27 tuổi. Mẹ Hina, vợ của ông, khi đó là một người em họ sống ở Pakistan. Tuy nhiên, hai người vẫn chung sống hòa thuận sau hơn 30 năm.
Mufti Muhammad Arshad, thầy tế gốc Pakistan ở Hong Kong, thừa nhận những cuộc hôn nhân cưỡng ép có tồn tại trong cộng đồng người dân Pakistan.
Tuy nhiên, ông nói rằng chỉ các gia đình nghèo khó, có trình độ học vấn thấp mới làm vậy. Giáo sĩ khẳng định hôn nhân ép buộc không được chấp nhận trong đạo Hồi.
“Tôi luôn khuyên nhủ cộng đồng tổ chức hôn lễ cho con cái theo ý nguyện của chúng, như những gì tôn giáo dạy bảo chúng tôi”, ông nói.
Bé trai, bé gái đều bị ép kết hôn
Trong hầu hết trường hợp, bố mẹ gả con cái cho họ hàng ở Pakistan để những cháu trai, cháu gái của họ được tới Hong Kong và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hoặc đơn giản, họ chỉ thực hiện hôn ước giữa hai gia đình.
Puja Kapai, phó giáo sư ngành luật tại Đại học Hong Kong, cho biết văn hóa, giáo dục và xã hội đều là yếu tố gây ảnh hưởng đến việc ép kết hôn, rồi tập tục này tiếp tục tác động đến cá nhân và gia đình.
“Trong số đó, nạn nhân chịu tác động lớn nhất là các cô gái trẻ tuổi. Họ bị mất kiểm soát chính cuộc đời mình. Thậm chí, họ phải chịu đựng bạo hành thể chất và tâm lý”, bà nói.
Ngoài ra, những bé gái phải nghỉ học sớm để kết hôn lại càng khiến các thế hệ gia đình thêm nghèo đói, đồng thời củng cố tình trạng bất bình đẳng giới và định kiến trong xã hội. Họ cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.
Đằng sau những vụ tảo hôn là nguy cơ các cô gái bị bạo hành gia đình, bóc lột sức lao động. Ảnh: Quartz. |
Tục cưỡng ép kết hôn không chỉ ảnh hưởng đến trẻ em gái mà cả các bé trai và nam thanh niên.
Một số thanh niên “phải làm việc như nô lệ” trong nhà hoặc các doanh nghiệp, theo Matt Friedman, Giám đốc điều hành Mekong Club, tổ chức phi lợi nhuận chống chế độ nô lệ. Họ bị cô lập, chịu lạm dụng cả thể chất lẫn tinh thần và bị đe dọa phải giữ im lặng.
Luật sư Albert Luk Wai-hung cho biết Hong Kong không có luật hình sự cụ thể chống lại các cuộc hôn nhân cưỡng ép. Tuy nhiên, những người bị ép buộc kết hôn có thể gọi cảnh sát hoặc liên hệ luật sư tìm cách vô hiệu hóa hôn nhân.
Phó giáo sư Puja nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ cho các bé gái được đến trường lâu hơn và hỗ trợ tài chính cho các em. Nghèo đói là nguyên nhân chính khiến nhiều gia đình bắt con cái bỏ học để kết hôn.
Ngoài ra, trẻ em cần biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ. Bố mẹ cũng nên được giáo dục để ngừng ép buộc con cái kết hôn.