Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều bệnh nhân suy đa tạng vì bị ong đốt

Nạn nhân bị ong đốt nhiều nốt hoặc ở các vị trí như đầu, mặt, cổ, dị ứng với nọc ong, sốc hoặc bị nhiễm độc, thậm chí tử vong.

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khuyến cáo hiện là thời điểm cuối hè, đầu thu (mùa sinh sản của ong) nên ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận bệnh nhân bị ong đốt nhập viện. Hiện tại, 4 bệnh nhân đang được điều trị tại trung tâm, trong đó có 2 trường hợp nặng.

Suy đa tạng do bị ong vò vẽ tấn công

Bệnh nhân N.T.H (47 tuổi, ở Kim Bảng, Hà Nam) đã điều trị tại Trung tâm Chống độc gần một tháng.

Bênh nhân bị đàn ong vò vẽ tấn công trong lúc đi phát nương với khoảng hơn 50 nốt trên khắp cơ thể (30 nốt vào vùng đầu và 20 nốt vào lưng, tay, vai). 15 phút sau khi bị ong đốt, người bệnh có biểu hiện nóng bừng, khó chịu, choáng váng nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam rồi chuyển lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ngày 3/8.

TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay khi đến viện, bệnh nhân H. ở trong tình trạng suy thận cấp, vô niệu hoàn toàn, vỡ hồng cầu và rối loạn đông máu do bị ong vò vẽ đốt nhiều nốt. Bệnh nhân được điều trị tích cực, truyền dịch, lọc máu, sử dụng thuốc lợi tiểu.

Sau gần một tháng điều trị tích cực, hiện tình trạng của bệnh nhân đã tiến triển tốt song vẫn còn phải dùng thuốc lợi tiểu và theo dõi tình trạng suy thận cấp.

Suy da tang vi ong dot anh 1
ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên thăm khám bệnh nhân bị ong đốt đang điều trị tại Trung tâm Chống độc. Ảnh: M.T.

Một trường hợp khác cũng bị biến chứng suy đa tạng do ong đốt nhiều nốt đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc là bệnh nhân Phạm Văn Nam (đã đổi tên, 23 tuổi, ở Phú Lương, Thái Nguyên).

Theo lời kể của chị Lại Thị Lan (mẹ bệnh nhân), chiều 19/8 khi bệnh nhân này đang lấy củi trong rừng thì bị đàn ong vò vẽ tấn công, tổng số khoảng 70 nốt trên khắp cơ thể, tập trung vào đầu, hai cánh tay, bả vai, lưng… Ngay sau đó, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh và chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Cánh xử trí khi bị ong đốt

Theo các chuyên gia chống độc, nếu bị ong đốt nhiều nốt hoặc bị đốt ở các vị trí như đầu, mặt, cổ: bị dị ứng với nọc ong, bị sốc hoặc bị nhiễm độc… có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, bên cạnh việc phòng ngừa chúng ta cần biết cách xử trí đúng cách khi bị ong đốt để xử lý kịp thời những dấu hiệu nguy hiểm.

Suy da tang vi ong dot anh 2
Vết ong đốt trên tay bệnh nhân. Ảnh: M.T.

Các bước xử trí khi bị ong đốt:

- Nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong.

- Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.

- Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần.

- Uống nhiều nước để loại thải độc tố.

- Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.

- Sau khi xử trí như trên người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra lại.

Các bác sĩ lưu ý phải đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu sau: số lượng vết đốt nhiều (trên 10 nốt), bị ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật và một số ong chưa rõ loại ở các vùng rừng núi đốt, bị đốt vào các vùng mặt, cổ, miệng, họng, nạn nhân có các biểu hiện khó chịu như đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt, mẩn ngứa, khó thở, mệt nhiều,…

Ong vỡ tổ tấn công, 3 trẻ phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch

Chỉ trong một ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận tới 3 trường hợp bị ong đốt trong tình trạng nguy kịch.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm