Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều bệnh nhân ung thư sống thêm vài năm sau khi dùng thuốc miễn dịch

Khoảng 20 bệnh nhân đã được dùng thuốc miễn dịch tại Bệnh viện K. Nhiều người đáp ứng thuốc tốt, kéo dài thời gian sống, dù phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

Liên quan tới phương pháp điều trị miễn dịch mới được giải Nobel Y học và Sinh lý 2018, TS.BS Đào Văn Tú, Phụ trách Trung tâm nghiên cứu lâm sàng Viện ung thư quốc gia, Bệnh viện K, cho hay tại bệnh viện từ cuối năm 2017 đến nay đã dùng thuốc miễn dịch cho khoảng 20 bệnh nhân ung thư như phổi, hắc tố và một số ung thư khác. Kết quả bước đầu khá khả quan khi có thể giúp cho bệnh nhân giảm đau, kéo dài thời gian sống.

TS Tú lấy ví dụ một nam bệnh nhân 60 tuổi mắc ung thư phổi. Khi phát hiện bệnh, tiên lượng của bệnh nhân này rất xấu, chỉ sống thêm được 4-5 tháng do đã di căn nhiều bộ phận. Để cứu bệnh nhân, bác sĩ Bệnh viện K đã quyết định dùng thuốc miễn dịch kết hợp với xạ trị và hóa trị giải quyết chèn ép của khối u. Kết quả bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt sức khỏe cải thiện và đã sống thêm được hai năm từ khi biết mắc bệnh.

Một trường hợp khác là bệnh nhân mắc ung thư hắc tố di căn toàn bộ các cơ quan chủ chốt trong cơ thể (gan, phổi, xương), phần mềm dưới da. Theo TS Tú, với trường hợp bệnh nhân này, nếu như trước đây điều trị chỉ là chăm sóc giảm nhẹ tại chỗ. Với phương pháp dùng thuốc miễn dịch mới, khối u ở da bệnh nhân đã biến mất, không còn tổn thương xương. Bệnh nhân đi lại bình thường và kéo dài thêm được sự sống.

Bên cạnh đó, một bệnh nhân bị ung thư thực quản tái phát không thể phẫu thuật, xạ và hóa trị nên đã được chỉ định dùng thuốc trúng đích. Tuy nhiên, thuốc điều trị đích không phát huy tác dụng với bệnh nhân nên đã được chuyển qua dùng thuốc miễn dịch. Kết quả đáp ứng thuốc của bệnh nhân khá tốt.

dung thuoc mien dich trong dieu tri ung thu anh 1
Tế bào miễn dịch (T cell) nhận “hối lộ” qua cặp tín hiệu PD-1 và PD-L1, im re “công nhận” tế bào ung thư là “người nhà” . Thuốc kháng PD-1 hoặc PD-L1 làm hệ miễn dịch nhận ra kẻ địch và vùng lên chiến đấu.

Theo TS Tú, mỗi năm, nước ta có khoảng 164.671 ca mắc ung thư mới và khoảng 114.871 ca tử vong do ung thư. Phần lớn trường hợp ung thư đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn nên việc điều trị khó khăn và tốn kém.

Thuốc miễn dịch được xem là một vũ khí mới trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý phương pháp miễn dịch không chữa khỏi được ung thư giai đoạn di căn mà chỉ tiêu diệt, kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư, giúp cho bệnh nhân kéo dài sự sống và cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều trị ung thư phải phối hợp đa mô thức và toàn diện, không một phương thức đơn lẻ nào có thể mang lại thành công.

“Triển vọng về hiệu quả của phương pháp miễn dịch là rất lớn, tuy nhiên, không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có thể chỉ định phương pháp này. Điều đó tùy thuộc vào giai đoạn di căn và đặc điểm khối u. Thuốc miễn dịch được dùng cho giai đoạn ung thư đã di căn và mức độ biểu hiện thụ thể PD -L1 trên khối u cao”, TS Tú cho hay.

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư của hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) đã giành Giải Nobel Y học và Sinh lý học 2018, công bố hôm 1/10.

Bản chất là dùng các loại thuốc nhằm hóa giải, ức chế các chốt kiểm để trị ung thư. Hai nhà khoa học này đã có công phát hiện ra việc các tế bào ung thư dùng các chốt kiểm miễn dịch này để thoát khỏi sự tấn công của tế bào miễn dịch T. Do đó, nếu ức chế được chốt kiểm, tế bào T có thể tiếp tục tiêu diệt tế bào ung thư.

Từ nền tảng nghiên cứu của hai nhà khoa học này, ngành dược đã sản xuất ra các loại thuốc miễn dịch tương ứng để sử dụng. 

Ở nước ta, thuốc miễn dịch được chính thức cấp phép sử dụng từ cuối năm 2017 và đang được sử dụng ở một số bệnh viện lớn.

Liệu pháp điều trị ung thư nhận giải Nobel ứng dụng ở Việt Nam ra sao?

Nhiều bệnh nhân Việt Nam đang kỳ vọng vào phương pháp điều trị ung thư mới được trao giải Nobel Y học. Liệu đây có phải cứu cánh cho căn bệnh vốn được mặc định là “bản án tử”.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm