Hôm 18/4, một số blogger ở xứ tỷ dân phải xóa loạt video phô trương lối sống xa xỉ và đưa ra lời xin lỗi sau khi bị chỉ trích vì cổ vũ lối tiêu dùng không lành mạnh.
Theo báo cáo của People’s Daily và Xinhua, nhiều blogger ưa chuộng việc quay các video khoe khoang sự giàu có vì chi phí sản xuất thấp mà vẫn thu hút lượt xem lớn.
Cấu trúc của video dạng này là sự xuất hiện của siêu xe, đồng hồ xịn và biệt thự đắt đỏ.
Những video phô trương sự giàu có ngập tràn mạng xã hội. Ảnh: AFP. |
Sự thật là các blogger không giàu có tới vậy.
Ê-kíp của họ kết nối với bộ phận quảng bá của các nhãn hàng hiệu để hợp tác sản xuất video trải nghiệm sự giàu sang.
Một blogger thu hút 22 triệu người theo dõi trên nền tảng Douyin chỉ trong vòng 3 năm nhờ quay các nội dung như vậy.
Bên cạnh luồng chỉ trích, một số cư dân mạng Trung Quốc cảm thấy không ác cảm với video dạng này.
“Tôi không thấy có gì sai trái khi cho những người bình thường xem lối sống xa hoa. Sự giàu sang đã luôn tồn tại và chúng tôi có quyền được biết về nó”, một người cho biết.
Blogger So Mei-yan (Hong Kong) bị cướp tài sản tại nhà cuối năm 2020. Trước đó, cô thường xuyên đăng ảnh khoe tư trang đắt giá lên mạng. Ảnh: Instagram NV. |
Tan Tian, giáo sư ngành truyền thông tại Đại học Jinan, nói với Global Times rằng các video khoe của thường thỏa mãn tâm lý tôn thờ tiền bạc.
“Với lượng fan lên tới hàng triệu, các blogger nên hiểu về trách nhiệm xã hội của họ và thúc đẩy giá trị sống lành mạnh. Tuy nhiên, rất nhiều người lại không nhận thức được điều này và bất chấp để kiếm tiền”, giáo sư Tan nhận xét.
Ông cho rằng các nền tảng video ngắn cũng nên có phương thức giám sát nhằm phát triển môi trường trực tuyến lành mạnh.
Thực tế, trào lưu khoe độ giàu có xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc từ những năm 2000 dưới hình thức blog. Từ đó tới nay, chính quyền nước này vẫn nỗ lực hạn chế sự phổ biến của các hiện tượng này.
Mới đây, giới chức xứ tỷ dân nhận định các bộ phim truyền hình đề cao cuộc sống giàu sang, lối tiêu xài xa xỉ có một phần ảnh hưởng tới xu hướng khoe của trên mạng xã hội.
Do đó, chính phủ buộc phải đề ra điều luật mới nhằm kiểm soát chất lượng và nội dung các sản phẩm sáng tạo dành cho trẻ em, thanh thiếu niên.