Trao đổi với Zing.vn sáng 15/2, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thực hiện theo chủ trương một chương trình nhưng có nhiều bộ sách. Bộ GD&ĐT đưa ra các tiêu chí cụ thể về sách giáo khoa và chịu trách nhiệm thẩm định, trước khi cho phép bộ sách hoặc cuốn sách đó được lưu hành trên thị trường.
Năm 2018 sẽ bắt đầu đổi mới chương trình sách giáo khoa. Ảnh minh họa: Giáo Dục TP HCM. |
Thực hiện theo hình thức cuốn chiếu
Năm 2016, Bộ GD&ĐT sẽ biên soạn xong chương trình, từ đó hoàn tất sách giáo khoa lớp 1, lớp 6, lớp 10; đảm bảo để đến năm 2018, bắt đầu thay sách cuốn chiếu ở 3 cấp. Đến năm 2023, việc thay sách sẽ hoàn tất từ lớp 1 đến lớp 12.
Trước đó, ngày 28/11/2015, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Với việc thông qua Nghị quyết này, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.
Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng chương trình tổng thể trước, sau đó đến chương trình môn học; Tiếp đó mới xây dựng đến bộ đề cương sách giáo khoa và sách giáo khoa của từng môn. Lần này sẽ có một tổng chủ biên toàn bộ chương trình và chủ biên từng môn học. Quy trình phải khoa học và bài bản hơn lần làm chương trình, sách giáo khoa trước.
Bộ GD&ĐT cho biết, chương trình mới sẽ bao gồm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1 gồm bậc tiểu học và THCS, là giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp hình thành năng lực tự học và trang bị những kiến thức cần thiết để sau khi hoàn thành lớp 9, người học đủ khả năng học nghề hay làm việc kiếm sống. Các môn sẽ được xây dựng theo hướng tích hợp và bậc tiểu học sẽ học 2 buổi một ngày.
Giai đoạn thứ hai định hướng nghề nghiệp, gồm 3 năm THPT. Học sinh sẽ học một số môn bắt buộc, còn lại là môn tự chọn, để chuẩn bị cho việc thi vào đại học, cao đẳng. Vấn đề đặt ra với đề án lớn như vậy, những điều kiện cần thiết để thực hiện như đội ngũ giáo viên có khả năng dạy tích hợp, cơ sở vật chất của các trường có đáp ứng được hay không?
Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án với mức kinh phí 778 tỷ đồng, không bao gồm việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo mới đội ngũ giáo viên. Bộ GD&ĐT sẽ cùng Bộ Tài chính xây dựng thông tư quy định từng khoản chi cụ thể.
Nên thay thế chứ không xóa toàn bộ sách giáo khoa cũ
Trước đó, ngày 14/2 có thông tin năm 2016, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ hoàn tất các điều kiện biên soạn 2 bộ sách giáo khoa miền Bắc và miền Nam.
Tuy nhiên, trao đổi với Zing.vn, lãnh đạo Bộ GD&ĐT và NXB Giáo dục Việt Nam đều bác bỏ thông tin năm 2016 sẽ hoàn tất các điều kiện biên soạn 2 bộ sách giáo khoa miền Bắc và miền Nam.
Bàn luận về đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từng cho rằng, với chương trình đã được phê duyệt, hãy đổi mới theo cách tiết kiệm.
Cụ thể, nội dung nào của sách giáo khoa không phù hợp yêu cầu mới thì thay thế. Nội dung nào còn sử dụng được (với phương pháp dạy học mới) thay thế dần và tham khảo dịch nguồn các nước tiên tiến.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đề xuất: Bộ GD&ĐT có thể cho dịch một số bộ sách giáo khoa các môn Khoa học Tự nhiên, Ngoại ngữ và Khoa học Xã hội. Cách làm này Hàn Quốc đã thực hiện. Các tổ chức, cá nhân khác có thể biên soạn những bộ sách khác trên cơ sở tham khảo bộ sách nước ngoài này.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Trong đổi mới căn bản toàn diện này, nếu chỉ đổi mới chương trình sách giáo khoa là chưa được, vai trò, chất lượng giáo viên rất quan trọng. Một chương trình hay luôn cần những người thầy giỏi.
PGS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận định, các bộ sách giáo khoa phải đảm bảo tiêu chí: Viết đúng chương trình, dễ đọc, dễ hiểu, theo hướng tiếp cận năng lực, không mang tính chất học thuộc, nhiều ứng dụng bởi hình ảnh, bài tập.
Theo một chuyên gia giáo dục, một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là cách làm được nhiều nước tại Châu Mỹ, Châu Âu áp dụng. Bộ Giáo dục hoặc cơ quan được Chính phủ ủy nhiệm phê duyệt một chương trình khung cho từng lớp, bậc học. Các nhà xuất bản căn cứ chương trình trên xây dựng bộ sách giáo khoa của riêng mình và trình Bộ Giáo dục (hoặc cơ quan tương đương) xem xét và phê duyệt.
Đến lượt các trường, căn cứ các bộ sách giáo khoa sẵn có trên thị trường lại thành lập hội đồng đánh giá của mình để lựa chọn bộ sách phù hợp mục tiêu đào tạo. Sách giáo khoa được hội đồng lựa chọn sẽ được chỉ định áp dụng cho toàn trường.
Tuy vậy, giáo viên của từng môn cũng lại được quyền tự chủ nhất định trong việc điều chỉnh, bổ sung bài giảng từ bộ sách giáo khoa khác trong quá trình giảng dạy.