Kỳ thi "ba chung" - chung đề, chung đợt và ngày thi, chung kết quả - do Bộ GD&ĐT tổ chức từ năm 2002. Trước đó, mỗi trường tự tổ chức thi tuyển, tự ra đề và chấm thi.
Năm 2014, một mặt Bộ GD&ĐT tổ chức “ba chung” cho các trường chưa kịp xây dựng phương án tuyển sinh riêng, mặt khác cho các trường tự chủ tuyển sinh. Đến 2015, Bộ GD&ĐT lần đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Hình thức tuyển sinh mới
Năm nay, các trường triển khai nhiều cách tuyển sinh đa dạng. Trong đó, hình thức tuyển sinh mới được Đại học Quốc gia TP HCM thử nghiệm là đánh giá bằng bài luận, thư giới thiệu của thầy cô.
Đại học Hoa Sen cũng áp dụng hình thức viết luận để tuyển thí sinh có nguyện vọng và quyết tâm theo đuổi ngành nghề. Đối với nhóm ngành Mỹ thuật ứng dụng (thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất), trường cho phép thí sinh nộp tuyển tập tác phẩm nghệ thuật (từ 7 đến 10 tác phẩm) do chính bản thân sáng tác thay vì tham gia thi 3-4 tiếng đồng hồ.
Thí sinh dự thi đại học. Ảnh: Anh Tuấn. |
Trong khi đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức thi năng khiếu trong năm 2015 và tiếp tục áp dụng trong năm nay. Trường sẽ tổ chức thi bổ sung môn Năng khiếu báo chí gồm 2 phần trắc nghiệm (3 điểm), tự luận (7 điểm), cho nhóm ngành Báo chí.
Đặc biệt, trường sẽ xét tuyển bằng phỏng vấn trực tiếp thí sinh dự tuyển vào chuyên ngành Quay phim truyền hình, Báo ảnh. Đây là lần đầu tiên trường tổ chức phỏng vấn thí sinh dự thi hai chuyên ngành này.
Không chỉ ở lĩnh vực Báo chí – Truyền thông tuyển sinh dưới hình thức phỏng vấn, khoa Y, Đại học Quốc gia TP HCM cũng mới bổ sung phần sơ tuyển bằng phỏng vấn hoặc trắc nghiệm. Điều này hạn chế tình trạng thí sinh có điểm cao là nộp vào trường, bất chấp có yêu nghề hay phù hợp không?
Năm nay, một mô hình mới cũng được áp dụng: Các trường liên kết tuyển sinh theo nhóm. Theo đó, một số trường kỹ thuật khu vực Hà Nội như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Thủy lợi, Đại học Mỏ địa chất, Đại học Giao thông Vận tải... dự kiến tạo thành nhóm tuyển sinh theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, lãnh đạo Đại học Quốc gia TP HCM cũng cho biết, trường dự kiến tuyển sinh theo nhóm, ban đầu gồm 7 đơn vị thành viên: Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc tế, Đại học Công nghệ Thông tin, Khoa Y.
Một nhóm 5 trường đại học khác cũng sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội làm căn cứ tuyển sinh là Đại học Thủ đô, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Đại học Nguyễn Trãi, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng và Đại học Tài Nguyên Môi trường.
Những trường là thành viên của nhóm sẽ tạo một kho dữ liệu xét tuyển và dùng chung một phần mềm xét tuyển. Từ kho dữ liệu chung và căn cứ tiêu chí xét tuyển của từng trường, mỗi trường sẽ tự tính để xác định điểm chuẩn cho mình.
> Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016 |
Thí sinh cần cân nhắc lựa chọn
Theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, việc các trường đại học tự chủ tuyển sinh giúp học sinh có nhiều lựa chọn hơn. PGS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng GD&ĐT cho rằng, sự tự chủ tuyển sinh của các trường thời điểm hiện tại không giống trước kỳ thi “ba chung”. Trước đây, số lượng trường còn ít, tự lo tuyển sinh. Hiện tại, những hình thức mới được áp dụng thể hiện sự tiến bộ trong giáo dục đại học.
Nguyên Thứ trưởng GD&ĐT đánh giá, Việt Nam đã hội nhập quốc tế và khu vực, vì vậy giáo dục cũng phải mở cửa, học tập các nước tiên tiến. Trong đó, tự chủ đại học và sự mở rộng về mô hình tuyển sinh là xu thế tất yếu. Điều này đòi hỏi các trường phải có kinh nghiệm chuyên môn, tinh thần sáng tạo.
Trong đó, nhiều hình thức thi tốt, đặc biệt là kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Thí sinh chỉ thi một buổi, 140 câu hỏi bao quát chương trình, làm bài thi trên máy tính… Đó là bước tiến bộ, làm giảm áp lực cho thí sinh và người nhà. Sự đa dạng trong đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội giúp học sinh không học lệch, học tủ.
PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, học sinh có nhiều lợi thế nhưng cũng thêm nỗi lo. Để thành công trong những kỳ thi, xét tuyển theo mô hình mới, các em cần học thật, thi thật, tránh tình trạng học tủ hay trông chờ số phận.
Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, thí sinh phải liên tục cập nhật kiến thức xã hội, rèn luyện kỹ năng giao tiếp để hoàn thành những bài thi trắc nghiệm đa dạng hay vượt qua vòng phỏng vấn.
Đặc biệt, học sinh cần xác định sớm ước mơ, nghề nghiệp để có sự chuẩn bị tốt. Suy nghĩ “thi liều” sẽ khiến các em mất cơ hội trong những mô hình thi, xét tuyển mới.
Trước những đổi mới trong tuyển sinh năm nay, ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ chia sẻ, về hình thức nộp hồ sơ xét tuyển, Bộ GD&ĐT nên giữ nguyên ba cách để học sinh đa dạng chọn lựa: Trực tiếp, trực tuyến và đường bưu điện. Bởi nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, thậm chí ngay cả ngoại thành Hà Nội không phải ở đâu cũng phổ cập Internet.
Trong khi đó, các em có thể nhờ người nộp trực tiếp. Nhiều thí sinh ở gần trường cũng không nhất thiết phải sử dụng hai cách online và qua đường bưu điện.