Trong cáo trạng vụ 3 ngân hàng bị chiếm đoạt hàng trăm tỷ, VKSND Hà Nội truy tố Nguyễn Thị Hà Thành (37 tuổi, ở Hà Nội) và 24 bị can khác về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Theo cáo buộc, 3 cán bộ VietABank là đồng phạm giúp sức để Hà Thành lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ của ngân hàng. Bốn nhân viên của ngân hàng NCB và 8 cán bộ khác thuộc VietABank có hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà băng. Ngoài ra, 2 cán bộ khác của PVcomBank và VietABank đã vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.
Làm trái quy định vì ham thành tích
VKS xác định Nguyễn Thị Hà Thành vay tiền của nhiều người bằng hình thức rủ góp tiền mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu tại các ngân hàng. Tại VietABank, Thành chấp nhận trả lãi ngoài, sau đó thỏa thuận với cán bộ ngân hàng lập thêm một bộ hồ sơ tiền gửi vốn chỉ phát hành cho khách hàng là doanh nghiệp để đưa cho người đồng sở hữu.
Thành giữ sổ tiết kiệm, sau đó giả chữ ký của người đồng sở hữu để thế chấp sổ.
Trụ sở chính của VietABank. Ảnh: Bá Chiêm. |
Trong số các bị can là cán bộ VietABank, cơ quan tố tụng cáo buộc Nguyễn Thị Thu Hương (chuyên viên Phòng giao dịch Đông Đô) đã giúp sức cho Hà Thành thực hiện 21 vụ lừa đảo.
Tháng 6/2018, Thành dẫn chị Thu (quê Tuyên Quang) đến mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu 10 tỷ đồng. Hương biết Thành có mục đích chiếm đoạt tiền của chị Thu và giả chữ ký người đồng sở hữu nhưng cán bộ VietABank vẫn tiếp tay cho siêu lừa.
Theo cáo trạng, sau khi tiếp đón Thành cùng chị Thu, Hương đề xuất cấp trên là Quản Trọng Đức (Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội kiêm Trưởng phòng giao dịch Đông Đô) lập thêm hợp đồng tiền gửi và giấy đề nghị phong tỏa tài sản đảm bảo để đưa cho chị Thu.
Hai loại giấy tờ này được phát hành trái quy định của ngân hàng nên Hương không nhập vào hệ thống. Còn ông Đức vì muốn có thành tích nên đã đồng ý với đề xuất trái quy định của Hương.
Nhà chức trách cáo buộc khi nhận được hợp đồng tiền gửi cùng giấy đề nghị phong tỏa tài sản đảm bảo do cán bộ VietABank đưa, chị Thu thấy có đầy đủ chữ ký, con dấu nên tin tưởng, chuyển tiền vào tài khoản đồng sở hữu.
Chị Thu không hay biết Hà Thành đã cầm sổ tiết kiệm, đề nghị Thu Hương giúp thế chấp để vay ngân hàng 4,5 tỷ.
Để giúp Hà Thành vay tiền, Hương đề nghị các giao dịch viên lập chứng từ. Sau đó, Thành giả chữ ký của chị Thu trên hồ sơ cầm cố.
Cơ quan tố tụng xác định khi vay, dư nợ của Thành tại VietABank là 48 tỷ, cao hơn hạn mức nên Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô) giao cấp dưới lập hồ sơ để ông Đức ký trình lên Hội sở VietABank. Sau khi hồ sơ được phê duyệt và giải ngân, Hà Thành đã rút 4,5 tỷ.
Bằng thủ đoạn này, từ tháng 7 đến tháng 11/2018, Thu Hương đã giúp Hà Thành thực hiện 21 vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 274 tỷ của VietABank và 63 tỷ đồng của nhiều cá nhân khác.
Cán bộ VietABank tham gia lừa đảo
VKS cũng cáo buộc cuối tháng 11/2018, bị can Thành đã câu kết với Thu Hương và Quỳnh Hương rút tiền từ tài khoản Công ty MHD mở tại VietABank, chiếm đoạt 25 tỷ đồng của ngân hàng này.
Theo cáo trạng, do cần thanh toán nợ cho anh Nguyễn Tiến Tùng (đã đổi tên, ở Hà Nội), Thành nhờ 2 nữ cán bộ của VietABank vay giúp khoảng 25 tỷ đồng.
PVcomBank là một trong 3 ngân hàng bị chiếm đoạt tiền. Ảnh: PVcomBank. |
Sau khi bàn bạc, 3 bị can thống nhất sau khi trả nợ cho anh Tùng, họ sẽ rủ người đàn ông này gửi tiền vào VietABank. Các bị can nói ngân hàng sẽ phát hành giấy phong tỏa tài khoản và chỉ có anh Dũng được rút tiền ra nhưng thực tế các thủ tục này không thực hiện được trên hệ thống.
Ngày 26/11/2018, Quỳnh Hương tìm gặp anh Nguyễn Văn Định (đã đổi tên) để vay tiền. Dù không quen Thành nhưng thấy nữ trưởng phòng của VietABank bảo lãnh, anh Định đồng ý cho vay 22,5 tỷ. Quỳnh Hương và kiểm soát viên VietABank là Nguyễn Mai Phương đã tự góp thêm tiền cho đủ 25 tỷ.
Sau khi giúp Thành vay tiền, Quỳnh Hương lợi dụng ảnh hưởng của cô ta tại VietABank, yêu cầu các cán bộ khác lập hồ sơ chuyển 25 tỷ lòng vòng qua nhiều cá nhân.
Hà Thành, Quỳnh Hương và Thu Hương sau đó rút 25 tỷ khỏi ngân hàng VietABank thông qua tài khoản trung gian, chiếm đoạt số tiền này. Ba bị can cùng bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 Bộ luật hình sự với khung hình phạt ở mức 12-20 năm tù hoặc chung thân.
Ngoài ra, tại PVcomBank và NCB, Hà Thành lợi dụng sự tin tưởng, thiếu trách nhiệm của cán bộ ngân hàng, các bị can đã giả chữ ký, dấu vân tay của chủ sổ tiết kiệm để làm hợp đồng cầm cố tiền gửi, qua đó chiếm đoạt của 2 ngân hàng này gần 100 tỷ đồng.
Trong vụ án, VKS làm rõ 17 bị can là cựu lãnh đạo, nhân viên các ngân hàng NCB, PVcomBank, VietABank đã thiếu trách nhiệm trong quá trình xét duyệt, thẩm định tín dụng và lập hồ sơ giải ngân; sơ suất trong khâu kiểm duyệt chữ ký và thông tin khách hàng, gây hậu quả nghiêm trọng.
Một số bị can còn có vai trò đồng phạm với Hà Thành trong việc lừa đảo ngân hàng và các cá nhân để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.