Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều cha mẹ đang thiếu tôn trọng con cái

Chuyên gia cho rằng nhiều cha mẹ có trách nhiệm và yêu thương con nhưng vẫn gặp khó khăn khi lắng nghe trẻ vì thiếu sự tôn trọng đối với con cái.

Vừa qua, tại buổi trò chuyện về chủ đề "Lắng nghe con" diễn ra ở TP.HCM, TS Bùi Trân Phượng - cựu Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen - và hai diễn giả là ông Nguyễn Duy Long (nhà tư vấn về quản lý), bà Nguyễn Hồng Thư (giáo viên Tiếng Nhật), đã bàn luận việc dạy dỗ con thông qua cách trò chuyện và lắng nghe.

"Con cái là điều phụ huynh yêu thương nhất trên đời. Bên cạnh sự trách nhiệm và yêu thương con cái, nhiều phụ huynh bây giờ đang thiếu sót điều quan trọng là tôn trọng con. Yêu thương thôi chưa đủ. Chúng ta cần coi con là một con người mà mình phải lắng nghe mới hiểu được. Chúng ta vẫn hay tôn trọng đồng nghiệp, nhưng khi nói chuyện với con lại không quan tâm nhiều tới điều này", TS Bùi Trân Phượng nói.

Cach de lang nghe con cai anh 1

TS Bùi Trân Phượng - cựu Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen (ngồi ở giữa) - là người chủ trì buổi trò chuyện về chủ đề "Lắng nghe con". Ảnh: Nguyễn Hằng.

Áp lực đền đáp công ơn cha mẹ

Đầu buổi trò chuyện, ông Nguyễn Duy Long khẳng định cha mẹ sinh ra con, cần có trách nhiệm với con. Đây cũng là lý do phụ huynh phải lắng nghe con cái. Theo ông Long, nếu biết lắng nghe con từ sớm, phụ huynh sẽ đồng hành và giúp con giải quyết được các vấn đề sớm hơn.

Với góc độ là một phụ huynh, ông không có khái niệm con cái phải nuôi cha mẹ sau này. Ông Long nhận định con lớn và tự lo được cho bản thân là niềm vui của cha mẹ.

Đồng tình với quan điểm này, TS Bùi Trân Phượng nhận định mong đợi đáp đền của các bậc phụ huynh đang là áp lực đối với các bạn trẻ. Nhiều người hay hỏi đùa "con lớn lên sẽ chăm sóc mẹ như thế nào?", "khi mẹ già yếu con sẽ làm gì?". Tuy là câu hỏi đùa, nó vẫn mang mục đích giáo dục để con cái biết nghĩa vụ của mình.

"Tôi không nói quan điểm giáo dục con cái lòng biết ơn là sai. Nhưng việc giáo dục lòng biết ơn theo nghĩa đáp đền một cách sòng phẳng đang tạo áp lực đối với con trẻ. Nhiều phụ huynh còn luôn xem con là vật sở hữu của mình. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc cha mẹ khó lắng nghe con", TS Bùi Trân Phượng nói.

Cach de lang nghe con cai anh 2

Ông Nguyễn Duy Long (nhà tư vấn về quản lý) không yêu cầu con cái phải nuôi cha mẹ sau này. Ảnh: Nguyễn Hằng.

Tôn trọng là không so sánh trẻ với "con nhà người ta"

Trong buổi trò chuyện, bà Nguyễn Hồng Thư cho rằng để tạo điều kiện lắng nghe con tốt hơn, phụ huynh nên trở thành bạn thân của con. Ngay từ khi con biết nói chuyện, bà Thư đã nói các thành viên trong gia đình chính là bạn thân nhất của con.

"Tôi luôn nhắc con mình mẹ là bạn thân của con. Mẹ luôn lắng nghe bất cứ khi nào con cần. Kể cả con là ai, sau này con như thế nào, con tài giỏi hay chưa tài giỏi, con vẫn là bạn thân của mẹ. Tôi nghĩ con trẻ không phải là người chuyên chở ước mơ của cha mẹ. Vì vậy, lúc nào, hai mẹ con cũng trò chuyện thoải mái", bà Thư nói.

Nữ phụ huynh chia sẻ bản thân không bao giờ so sánh con với "con nhà người ta". Mỗi ngày khi con đi học về, bà Thư luôn chào con bằng câu hỏi "ngày hôm nay của con như thế nào?". Nữ phụ huynh không bao giờ hỏi con được bao nhiêu điểm sau một ngày học. Theo bà Thư, đây là cách phụ huynh thể hiện sự tôn trọng đối với con cái.

"Mỗi người là một thực thể độc lập nên tôi không bắt con giống mẹ. Tôi tôn trọng những sự khác biệt của con. Chỗ nào con chưa hoàn thiện, tôi sẽ giúp con tốt hơn. Tôi tôn trọng con để con tôn trọng người khác", bà Thư nói.

Từ quá trình kèm con học bài, ông Nguyễn Duy Long cũng trở thành một người bạn học với con. Khi kèm con học, nam phụ huynh hiểu những khó khăn con đang gặp phải, từ đó đồng cảm và lắng nghe con tốt hơn.

"Lắng nghe con nhiều khi là lắng nghe câu chuyện đến từ những cái rất vẩn vơ, bất thình lình của con. Tuy nhiên, những câu chuyện này đối với trẻ lại có ý nghĩa rất lớn. Tôi còn quan tâm đến bối cảnh khi lắng nghe con để không tạo cảm giác ngượng ngùng giữa cha và con", ông Long nói.

Cach de lang nghe con cai anh 3

Bà Nguyễn Hồng Thư (giáo viên Tiếng Nhật) nhận định việc phụ huynh tôn trọng con chính là tấm gương để trẻ tôn trọng người khác. Ảnh: Nguyễn Hằng.

Lắng nghe không phải là nuông chiều con quá mức

TS Bùi Trân Phượng cho biết rào cản lớn nhất khiến cha mẹ khó lắng nghe con cái là nỗi sợ con đi quá giới hạn với mình; sợ cái gì cũng nghe con hết, con sẽ "muốn làm vương, làm tướng". Khi giáo dục quan tâm đến trẻ em nhiều hơn và có tính chất cởi mở, cho phép trẻ em tự do, nhiều cha mẹ lo sợ con sẽ quá tự do, buông lỏng sự giáo dục.

Đối với vấn đề này, bà Thư cho rằng mỗi gia đình cần thiết lập những ranh giới nhất định. Nữ phụ huynh tôn trọng con, xem con là bạn thân, hạ thấp mình để dễ dàng nói chuyện với con. Nhưng trong một số trường hợp, bà Thư vẫn phân định rõ mẹ là mẹ của con. Nữ phụ huynh vẫn nhắc con về những ranh giới không nên vượt qua. Trường hợp con "chạm" đến ranh giới đó, bà Thư sẽ cảnh báo con trước.

"Theo tôi, quy tắc của những người bạn thân là luôn lắng nghe, thấu hiểu nhau, nhưng ranh giới là phải có. Tuy mẹ là bạn thân của con, nhưng mẹ vẫn lớn hơn con. Mẹ là một người bạn có kinh nghiệm của con. Nếu con vẫn cố vượt qua những ranh giới đó, mẹ sẽ nhắc con và khi đó con đừng buồn mẹ", bà Thư nói.

Trong việc lắng nghe trẻ, bà Thư lưu ý phụ huynh phải tôn trọng và không khám phá những "bí mật" của trẻ như nhật ký, ba lô đi học. Nữ phụ huynh khẳng định không bao giờ xem nhật ký của con. Việc phụ huynh tôn trọng con cái sẽ tạo cho trẻ cảm giác an tâm để chủ động chia sẻ nhiều hơn.

Cuối buổi trò chuyện, ông Nguyễn Duy Long nhận định thất bại lớn nhất của cha mẹ là không biết bản thân không lắng nghe con. Trong trường hợp này, trẻ nên nói cho cha mẹ biết nhu cầu của mình là gì, bản thân mong muốn được quan tâm, lắng nghe ra sao.

"Khi muốn cha mẹ lắng nghe mình, các bạn có thể đưa ra những ví dụ về 'cha mẹ người ta' hoặc chia sẻ với những người thân khác trong gia đình để họ nói chuyện lại với cha mẹ. Tôi nghĩ, cha mẹ nào vì thương con và có trách nhiệm thì sẽ hiểu để tập lắng nghe con", ông Long nói.

Cha mẹ ở TP.HCM cùng con đi qua kỳ thi tốt nghiệp

Ngồi chờ con trai bên ngoài điểm thi trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), bà Mai mải mê đọc lại những bức thư tay mà con đều đặn viết cho mình suốt 10 năm nay.

Nguyễn Hằng

Bạn có thể quan tâm