Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Hàn Quốc về vấn đề văn hóa, lịch sử đã có từ lâu, bắt đầu từ việc tranh luận xem kim chi và gà hầm sâm là của nước nào, đến mâu thuẫn về trang phục truyền thống hanbok của Hàn Quốc.
Gần đây, vấn đề tranh chấp văn hóa giữa hai nước tiếp tục bị đẩy lên cao trào khi khán giả Hàn Quốc phát hiện ra nhiều đơn vị giải trí tại Trung Quốc đã lợi dụng kẽ hở của nền tảng YouTube để vi phạm bản quyền các ca khúc của nghệ sĩ xứ kim chi.
Lợi dụng kẽ hở để vi phạm bản quyền
Theo tin của Korea Times, một số công ty âm nhạc Trung Quốc đã đăng ký quyền sở hữu với các ca khúc Road (G.O.D), Morning Tears (IU), Good Person (Toy) và Waiting (Younha). Do đã đứng tên trong quyền sở hữu, các đơn vị này được hưởng tiền bản quyền phát sinh từ ca khúc.
Ca khúc của IU bị đơn vị âm nhạc tại Trung Quốc đăng ký bản quyền. Ảnh: EDAM Entertainment. |
Trong khi các đơn vị Trung Quốc được hưởng tiền bản quyền một cách bất hợp pháp, ca sĩ Hàn Quốc thể hiện ca khúc và công ty quản lý thực sự của họ chỉ được liệt kê là “bên liên quan” và nhận khoản tiền ít ỏi mỗi lần ca khúc được sử dụng trên các nền tảng trực tuyến, hoặc biểu diễn trên sân khấu.
Cụ thể, Korea Times đã đưa ra ảnh chụp phần mô tả nội dung của ca khúc Morning Tears (IU). Trong phần giới thiệu trên YouTube, ca khúc được giới thiệu là nhạc phẩm của Qingchun Jilu Ce, nằm trong album Qingchun Jilu Ce và được trình bày Huang Yiyun và Chen Yajie. Ca khúc vốn là của IU và thuộc quyền sở hữu của Hàn Quốc lại được “Believe Music (thay mặt cho Union Entertainment) và hai hiệp hội về quyền âm nhạc cấp phép”.
Ngoài Believe Music, một số hãng nhạc khác tại Trung Quốc cũng có hành vi vi phạm quyền sở hữu tác phẩm của các nghệ sĩ Hàn Quốc, gồm: EWway Music, Enjoy Music và The Orchard Music.
Theo Korea Times, có nhiều lý do dẫn đến việc các công ty Trung Quốc có thể thoải mái đăng ký bản quyền các ca khúc của nghệ sĩ Hàn Quốc.
Những năm đầu thập niên 2010, trước khi YouTube trở nên phổ biến như hiện nay, nền tảng này không đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt vấn đề bản quyền. Do vậy, các công ty Trung Quốc đã lợi dụng sơ hở này để đăng ký bản quyền ca khúc của Hàn Quốc một cách trót lọt.
Theo đó, phía Trung Quốc sẽ khiếu nại lên YouTube, cung cấp một số giấy tờ và sẽ được cấp "quyền liên quan" đến ca khúc của ca sĩ Hàn. Ví dụ, “quyền liên quan” bài hát Already One Year của Brown Eyes Girls được YouTube cấp phép cho EWway Music (đại diện cho Beijing YiGeAi Technology).
Ngoài ra, còn có một kẽ hở khác có thể giúp phía Trung Quốc sở hữu bản quyền chính của ca khúc được đăng tải trên YouTube. Kẽ hở xảy ra trong thời gian các công ty Hàn Quốc chuyển giao quyền sử dụng ca khúc cho nhau, quyền sở hữu trên nền tảng YouTube của phía Hàn Quốc sẽ bị trì hoãn một thời gian. Lúc này, phía thứ 3 (tức các đơn vị tại Trung Quốc) có thể đăng ký làm chủ sở hữu bài hát, vì các ca khúc đang tạm thời không thuộc quyền sở hữu của bên nào.
Các đơn vị Trung Quốc lợi dụng kẽ hở trong chính sách của YouTube để đăng ký bản quyền nhạc Hàn. |
Lấy ví dụ rõ hơn, Korea Times đưa ra trường hợp “quyền liên quan” cho phép khai thác Good Person (Toy) đã được phía Trung Quốc đăng ký trong thời gian The Groove Entertainment chuyển giao quyền sử dụng ca khúc cho KakaoM vào năm 2014. “Quyền liên quan” của From To Me You của Davichi đã hết hạn ở Hàn, nên đơn vị Trung Quốc đã đăng ký chen vào.
Korea Times nhận định hệ thống Content ID của nền tảng Youtube nên được sửa đổi. Bởi kẽ hở của nền tảng này đang giúp các công ty Trung Quốc đánh cắp bản quyền âm nhạc từ Hàn Quốc.
Cần chính quyền Trung Quốc hợp tác
“Nhiều công ty âm nhạc Trung Quốc không có kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ hoặc cố tình phớt lờ những quy định. Nhà sản xuất truyền hình Trung Quốc đã mua bản quyền chương trình The Mask Singer của Hàn Quốc nhưng từ chối trả tiền bản quyền. Sau đó công ty Hàn Quốc đã thắng kiện, nhưng điều này không ngăn chặn vấn nạn vi phạm bản quyền phổ biến ở thị trường âm nhạc Trung Quốc. Điều tốt nhất có thể làm là ngừng cộng tác với những công ty này”, một giáo sư (xin giấu tên) làm việc trong lĩnh vực âm nhạc chia sẻ với Korea Times.
Các chuyên gia cho rằng nhận thức yếu kém về quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Trung Quốc tạo điều kiện cho việc vi phạm bản quyền trên nền tảng video trực tuyến xảy ra thường xuyên. Nhiều công ty Trung Quốc đã vi phạm bản quyền nghiêm trọng, đặc biệt là “quyền liên quan” và “quyền nhân thân”. Các nghệ sĩ Hàn Quốc chỉ còn cách duy nhất là trực tiếp khiếu nại bản quyền lên YouTube với hy vọng giải quyết được vấn đề.
YouTube và Hiệp hội Bản quyền Âm nhạc Hàn Quốc (KOMCA) đã ký hợp đồng về việc cấp phép quyền khai thác các bài hát do KOMCA quản lý, YouTube được phép sử dụng các bản nhạc đã đăng ký tại KOMCA với mục đích thương mại.
Chủ sở hữu bản quyền thực sự của các ca khúc trên không nhất thiết phải đăng ký tác phẩm trên YouTube, nhưng nếu có vấn đề xảy ra, họ có thể thực hiện các quyền được pháp luật công nhận. “Vì vậy, trong tình huống xuất hiện bài hát vi phạm bản quyền, chủ sở hữu tác phẩm nên giải quyết bằng cách yêu cầu YouTube thực hiện các quyền đã ký kết”, luật sư Seol Ji Hye trả lời Korea Times.
Younha đang tiến hành kiện các đơn vị đăng ký bản quyền trái phép ca khúc của cô. Ảnh: Naver. |
“Các nhạc sĩ Hàn Quốc sẽ khó giành lại bản quyền tác phẩm bằng cách khởi kiện các công ty Trung Quốc nếu chính phủ Trung Quốc không hợp tác”, cô chia sẻ thêm.
Ca sĩ Younha đã biết về việc đơn vị âm nhạc tại Trung Quốc lợi dụng kẽ hở để vi phạm bản quyền ca khúc Waiting. Cô gửi lời cảm ơn các khán giả và khẳng định đang tìm cách giải quyết vấn đề.
Bộ Văn hóa Hàn Quốc cùng với nhiều công ty âm nhạc và nghệ sĩ đang xem xét việc khởi kiện vấn nạn vi phạm bản quyền các bài hát K-pop của một số công ty Trung Quốc, theo Korea Times.
Bộ Văn hóa Hàn Quốc đang thu thập các bằng chứng về những trường hợp vi phạm bản quyền và đề nghị sự hợp tác từ chính quyền Trung Quốc. Ngoài ra, KOMCA đang làm việc để tìm hướng giải quyết nhằm chấm dứt vấn nạn vi phạm bản quyền bài hát Kpop từ các hãng nhạc Trung Quốc trong thời gian qua.