Tháng 11, vòng tuyển sinh sớm của các đại học Mỹ sẽ bắt đầu. Bên cạnh việc chuẩn bị hồ sơ như thường lệ, thí sinh cần lưu ý những thay đổi được đưa ra do dịch Covid-19 hay các sự kiện liên quan việc đòi công bằng xã hội tại Mỹ.
Mardell Maxwell, Giám đốc Tuyển sinh của ĐH Houston, cho biết gần đây nhất, căn cứ tình hình thực tế, nhiều trường không còn bắt buộc thí sinh phải có kết quả thi SAT hay ACT, mà tập trung đánh giá tổng thể thí sinh…
Nhiều đại học không bắt buộc thí sinh nộp điểm bài kiểm tra chuẩn hóa khi dịch Covid-19 khiến việc tổ chức thi khó khăn. Ảnh minh họa: Getty Images. |
Thay đổi chính sách thi cử
Theo US News, một trong những thay đổi lớn nhất liên quan tuyển sinh đại học ở Mỹ là chính sách không bắt buộc hoặc không cần đến bài kiểm tra chuẩn hóa trong hồ sơ xét tuyển.
Dữ liệu từ FairTest (tổ chức đưa ra chiến dịch chống lại sự phụ thuộc vào các bài kiểm tra) cho biết mùa tuyển sinh năm 2019, 1.050 đại học ở Mỹ áp dụng chính sách trên. Đối với đợt tuyển sinh năm 2022, con số này lên đến 1.600 trường (số liệu tính đến tháng 8/2021).
Việc không bắt buộc hoặc loại hẳn kết quả SAT/ACT khi xét tuyển được đưa ra từ thực tế nhiều kỳ thi chuẩn hóa phải tạm dừng, hủy bỏ do dịch Covid-19 bùng phát.
“Đây được coi như phong trào lớn của nền giáo dục đại học Mỹ khi 2/3 cơ sở công lập đào tạo hệ 4 năm tuyên bố không cần kết quả SAT, ACT hoặc cho phép thí sinh linh hoạt trong việc đưa kết quả thi nào vào hồ sơ xét tuyển”, Clark Briigger, Giám đốc Tuyển sinh ĐH Colorado Boulder, đánh giá.
Ông Briigger nói thêm chính sách liên quan điểm thi này cũng dễ gây nhầm lẫn cho thí sinh đợt tuyển sinh tới. Ông lưu ý chính sách linh hoạt trong điểm thi cho phép thí sinh sử dụng kết quả từ các bài kiểm tra khác như Tú tài quốc tế (IB), Xếp lớp nâng cao (AP) hay nộp tài liệu khác thay thế cho điểm kiểm tra. Trong khi đó, nếu áp dụng chính sách không bắt buộc kết quả thi, trường sẽ xem xét các yếu tố khác thay vì điểm số.
Việc nắm chính sách trường sử dụng khi xét tuyển giúp thí sinh xác định chiến lược nộp đơn cho mình. Ví dụ, nếu xác định đăng ký xét tuyển trường không bắt buộc điểm số, thí sinh có thể tập trung cho các hoạt động xã hội thay vì dành thời gian để ôn thi SAT hay ACT. Với trường theo chính sách linh hoạt, thí sinh lựa chọn kết quả thi có lợi cho mình.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại chính sách linh hoạt thực tế không thực sự linh hoạt. Nhà tư vấn tuyển sinh Aviva Legatt khuyên thí sinh vẫn nên ưu tiên điểm số.
Bà khuyến khích thí sinh thi SAT hoặc ACT để lấy điểm số nộp vào trường đại học. Nhiều chuyên gia có cùng ý kiến. Họ cho rằng điểm số tốt tăng tính cạnh tranh của hồ sơ xét tuyển.
“Nếu hai sinh viên cùng đăng ký một trường, có hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu, GPA giống nhau, giữa thí sinh không có điểm kiểm tra với thí sinh có điểm tốt, trường sẽ chọn ai? Tôi nghĩ đa số sẽ chọn em có điểm thi chuẩn hóa”, Christopher Rim, nhà sáng lập, CEO của công ty tư vấn tuyển sinh Command Education, nói.
Ông nói thêm những trường hàng đầu vẫn muốn thí sinh chủ động có điểm SAT hoặc ACT. Thí sinh sẽ bất lợi trong cạnh tranh nếu không có điểm này.
Ngoài ra, điểm thi còn liên quan học bổng. Như tại ĐH Colorado Boulder, thí sinh không cần có điểm thi trong hồ sơ, nhưng ông Brigger cho hay nếu không cung cấp điểm thi, thí sinh khó nhận được học bổng tốt.
Harvard bị chỉ trích khi ưu tiên thí sinh có người nhà từng học tại đây. Ảnh: AP. |
Suy xét chính sách tuyển sinh kế thừa
Nhiều năm qua, không ít trường ở Mỹ thực hiện chính sách kế thừa trong tuyển sinh, tức ưu tiên những thí sinh mà có người thân trong gia đình từng theo học tại trường.
Thời gian gần đây, chính sách này vấp phải sự chỉ trích khi tạo lợi thế cho các gia đình khá giả, giảm cơ hội trúng tuyển với sinh viên giỏi.
ĐH Harvard từng bị kiện khi trong giai đoạn 2009-2015, 34% thí sinh có người nhà từng học ở đây trúng tuyển. Trong khi đó, tỷ lệ trúng tuyển đối với thí sinh khác chỉ ở mức 6%.
Trong bối cảnh nhiều người đấu tranh đòi công bằng xã hội, các trường phải xem xét lại chính sách này. Colorado trở thành bang đầu tiên cấm việc ưu tiên thí sinh nhờ người nhà.
Nhìn chung, vấn đề xét tuyển dựa trên “truyền thống” gia đình thể hiện rõ hơn ở các đại học tư thục. Ông Clark Briigger cho rằng bỏ chính sách này sẽ xóa bỏ rào cản cho không ít thí sinh.
Khảo sát do Inside Higher Ed và College Pulse thực hiện, công bố kết quả hồi tháng 7 cho thấy 79% người tham gia đồng ý bỏ chính sách kế thừa trong tuyển sinh đại học.
Hiểu rõ xã hội để tăng cơ hội trúng tuyển
Dịch Covid-19 chưa được kiểm soát và tiếp tục tác động lên chính sách, quy trình tuyển sinh đại học. Vì thế, các chuyên gia khuyên thí sinh sử dụng thời gian thông minh, tìm hiểu xã hội và thể hiện bản thân một cách chân thực trong hồ sơ xét tuyển.
Cụ thể, ông Christopher Rim cho rằng thí sinh cần lưu ý tỷ lệ trúng tuyển giảm mạnh tại các trường nổi tiếng khắt khe trong tuyển sinh. Ông cho rằng đằng sau các con số là thực tế số lượng đơn ứng tuyển vào các trường này tăng vọt khi trường nới lỏng chính sách tuyển sinh liên quan bài kiểm tra chuẩn hóa do dịch.
Ngoài ra, nhiều sinh viên hoãn nhập học vì dịch Covid-19. Do đó, thí sinh cần nằm được tình hình tuyển sinh, các yếu tố xã hội đang tác động lên nó để tăng cơ hội trúng tuyển.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh yếu tố thể hiện chân thật con người mình trong hồ sơ xét tuyển. Bà Aviva Legatt khuyến khích thí sinh có câu chuyện rõ ràng, mạch lạc trong hồ sơ và có thêm thư giới thiệu giúp bộc lộ bản thân.
“Điểm thi chuẩn hóa chắc chắn không bị loại bỏ ngay nhưng vai trò của chúng dần biến mất. Điều đó đòi hỏi thí sinh phải thể hiện được bản thân một cách chân thực hơn khi đăng ký”, bà nói.
Do đó, thí sinh cần tập trung nhiều vào các phần khác của hồ sơ, bộc lộ cá tính, đam mê, đặc biệt là cách theo đuổi đam mê trong thế giới bao trùm bởi Covid-19.
Ông Christopher Rim gợi ý thí sinh có thể đưa vào bài luận câu chuyện các em đã tận dụng một năm rưỡi qua như thế nào, đặc biệt sự khác biệt trong cách làm, suy nghĩ khi sống trong khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Ngoài ra, với những thí sinh hướng tới các trường hàng đầu, tuyển sinh khắt khe, chuyên gia tư vấn tuyển sinh Legatt khuyến khích các em suy nghĩ tích cực và nỗ lực hơn.
“Một trong những phương án tốt nếu muốn vào trường có tỷ lệ trúng tuyển thấp là đăng ký tuyển sinh sớm (early decision)”, bà khuyên.