Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Nhiều đàn ông Nhật phẫn nộ với Valentine Trắng

Ngày càng nhiều nam giới Nhật Bản cho rằng Valentine Trắng chỉ là một chiến dịch tiếp thị và “chán ngấy” việc vung tiền mua quà, sôcôla trong ngày này.

Giống như ngày càng nhiều nam giới Nhật Bản, Ken Kato, một doanh nhân 54 tuổi ở Tokyo, quyết định không chi tiền mua sôcôla trong ngày Valentine Trắng. Kato cho biết ông cảm thấy mệt mỏi với những sự kiện “được tạo ra” để mọi người cảm thấy tội lỗi khi không mua quà.

Theo ông, không có gì “nhân tạo” hơn ngày Valentine Trắng 14/3, một dạng ăn theo của Valentine. Ngày 14/3 đã trở thành một dịp lễ thường niên ở Nhật Bản kể từ khi các nhà sản xuất bánh kẹo “phát minh” ra nó cách đây bốn thập kỷ. Tuy nhiên, ngày lễ này đang làm ngày càng nhiều người tiêu dùng bất mãn.

Lễ tình nhân Trắng hay thời điểm bán hàng?

“Tôi đã chán ngấy việc bị yêu cầu mua sôcôla hay thứ gì khác để tặng vợ cho một chiến dịch kinh doanh được ‘bọc đường’ bằng hai chữ ‘Valentine trắng’”, nam doanh nhân 54 tuổi chia sẻ.

“Ngày Valentine Trắng chỉ bắt đầu thịnh hành từ những năm 1970 và hoàn toàn không dựa trên truyền thống hay nghi lễ tôn giáo nào”, ông nói thêm. “Nó chỉ được thiết kế để buộc mọi người chi nhiều tiền hơn”.

nam gioi ghet Valentine Trang anh 1

Theo truyền thông, nam giới Nhật Bản sẽ tặng những món quà, bánh kẹo có màu trắng cho nữ giới trong ngày 14/3. Ảnh: Jake Adelstein.

Theo Hiệp hội Lễ kỷ niệm Nhật Bản, Valentine Trắng từng rất thịnh hành trong thập kỷ trước với mức chi tiêu cho quà tặng chạm mức 73 tỷ yen (khoảng 495 triệu USD) vào năm 2014. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống còn 24 tỷ yen vào năm 2021. Hiện, vẫn chưa có con số chính xác về chi tiêu quà tặng trong Valentine Trắng 2024 nhưng Hiệp hội dự đoán doanh thu quà tặng, sôcôla năm nay sẽ lại giảm.

Ngày 14/3 ban đầu được tuyên bố là ngày kẹo dẻo vào năm 1977 như một phần trong chiến dịch quảng cáo của công ty bánh kẹo ở Fukuoka, miền Nam Nhật Bản.

nam gioi ghet Valentine Trang anh 2

Phản ứng chống lại Valentine Trắng đã gia tăng ở Nhật Bản trong vài năm khi mức chi tiêu cho quà tặng chỉ còn 24 tỷ yen vào năm 2021. Ảnh: Bloomberg.

Ấn tượng trước sự thành công của chiến dịch, Hiệp hội Công nghiệp Bánh kẹo Quốc gia năm sau đã thông báo 14/3 hàng năm được gọi là Valentine Trắng. Đây sẽ là cơ hội để nam giới đáp trả tình cảm của nữ giới sau khi được họ tặng quà, sôcôla trong lễ Tình nhân 14/2.

Dần dần, việc tặng quà trong 14/3 có thêm tiêu chuẩn món quà của nam giới phải có giá trị gấp hai đến ba lần món quà của nữ giới trong ngày 14/2.

Yếu tố nghĩa vụ của cả Valentine và Valentine Trắng dường như đang khiến nhiều người chán nản. Bởi lẽ, chi phí sôcôla và các món ăn khác vào hai dịp lễ này thường tăng cao ở Nhật Bản. Một số người cho rằng hai ngày lễ này là quan điểm lỗi thời và không còn phù hợp.

Tặng quà, sôcôla cho người yêu đã lỗi thời?

“Tôi sẽ nấu bữa tối cho bạn gái vào Valentine Trắng khi cô ấy đi làm về và sẽ tặng cô ấy một hộp sôcôla nhỏ để ăn cùng nhau. Tuy nhiên, tôi sẽ không tặng quá nhiều hoa hay quà gì khác”, Issei Izawa, 25 tuổi, làm việc trong lĩnh vực khách sạn, cho biết.

“Tôi không có ngân sách cho ngày Valentine Trắng và nó chẳng có ý nghĩa gì với chúng tôi. Tôi nghĩ người yêu và tôi đều muốn tiết kiệm để cùng nhau đi du lịch trong mùa hè sắp tới”, Izawa nói thêm.

Một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 2 đã cho thấy sự thay đổi trong việc mua sắm của nữ giới vào lễ Tình nhân. theo đó, 22% nữ giới được hỏi cho biết họ mua sôcôla cho chính mình thay vì tặng người yêu. Công ty tiếp thị Intage Inc. cho biết con số này đã tăng 8,5% so với cùng kỳ và nhận xét nữ giới có xu hướng mua thứ gì đó cho bản thân hơn là tặng quà cho người yêu, bạn bè hay đồng nghiệp.

nam gioi ghet Valentine Trang anh 3

Người Nhật mua sôcôla trước Ngày lễ tình nhân tại một cửa hàng bách hóa ở Osaka. Ảnh: Japan Times.

Tuy nhiên, quảng cáo quà tặng ngày Valentine Trắng vẫn không dừng lại. Trên các phương tiện truyền thông, những doanh nghiệp trang sức, khách sạn, thương hiệu thời trang và - tất nhiên - các nhà sản xuất sôcôla đều bận rộn quảng bá sản phẩm cho ngày đặc biệt này. Tuy nhiên, người tiêu dùng dường như không mấy ấn tượng.

Một người dùng khẳng định “đây là một âm mưu của các công ty sôcôla” khi bình luận ở bài đăng về món quà lý tưởng ngày Valentine Trắng trên tạp chí Aera.

“Không nên tốn nhiều tiền như vậy cho một món quà trong ngày Valentine Trắng. Người yêu thương chúng ta không cần điều vô bổ này”, bình luận đó nói thêm.

“Ý tưởng về việc số quà mà bạn nhận được tỷ lệ thuận với mức độ nổi tiếng của bạn làm tôi bật cười. Tôi chỉ vui khi nhận được quà từ người tôi thích”, một người dùng khác nhận xét.

Ở một câu chuyện khác, một người dùng mạng xã hội đã tuyên bố: “Tôi nóng lòng chờ ngày ‘giri choco’ (sôcôla được tặng trong ngày 14/2 - PV) tuyệt chủng”.

Kato thừa nhận ông có một lý do khác để không mùa quà ngày Valentine Trắng cho vợ trong năm nay: “Cô ấy đã quên mua sôcôla cho tôi trong ngày Valentine năm nay”.

Nhớ sống hạnh phúc nhé!

Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.

Đông Tùng

Bạn có thể quan tâm