Nhiều phụ huynh phản ánh đề thi có thiếu sót trong khâu in ấn, dẫn đến việc thí sinh hiểu nhầm và làm sai. Ảnh minh họa: A.T. |
Trao đổi với Tri thức trực tuyến, chị T.H. (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết trưa 11/6, sau khi kết thúc bài thi môn Toán trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023, con gái chị (thi tại điểm trường THPT Quang Trung, Hà Đông) ra về với tâm trạng vui vẻ vì làm bài khá tốt.
Tuy nhiên, khi về đến nhà, so với đáp án gợi ý, con vừa khóc vừa thốt lên "Chết rồi, con hiểu nhầm đề". Phụ huynh này cho biết con hiểu nhầm và làm sai bởi đề thi in kém chất lượng, không rõ mực.
Theo đó, ở câu 3, ý 1, do mực in không rõ nên phần gạch ngang bị đứt quãng khiến học sinh nhìn nhầm thành -2/(x-3) thay vì 2/(x-3).
Đề thi được cho là lỗi, mực in bị mờ khiến học sinh hiểu nhầm thành dấu âm. |
Thấy con khóc, chị H. cũng sốt ruột. Sau khi tìm hiểu, chị biết không riêng con gái chị, nhiều phụ huynh khác cũng phản ánh đề thi có thiếu sót trong khâu in ấn, dẫn đến việc thí sinh hiểu nhầm và làm sai.
"Ngặt nỗi khi đề bài là -2/(x-3) thay vì 2/(x-3) thì đều ra kết quả nên con không phát hiện được đề sai hay không. Sai câu này, có thể con mất hẳn 2 điểm do nhân hệ số theo quy định. Đây sẽ là bất lợi lớn cho con", chị H. cho biết.
Chị H. cho hay hiện tại đã kết nối được với khoảng 40 phụ huynh có con hiểu nhầm đề thi do lỗi in ấn. Các phụ huynh này nhất trí gửi đơn kiến nghị đến Sở GD&ĐT Hà Nội, yêu cầu xác minh, làm rõ.
Trong trường hợp do lỗi in ấn khiến học sinh hiểu nhầm đề thi, đáp án khác với đáp án của sở nhưng vẫn làm đúng các bước theo chương trình đã học, phụ huynh hy vọng Sở GD&ĐT Hà Nội xem xét, kiểm tra lại, ghi nhận đáp án và tính điểm cho các thí sinh này.
Tương tự, sau buổi thi sáng nay, con chị T.B.L. (Cầu Giấy) cũng tự tin được 9 điểm. Thế nhưng, sau khi xem đáp án gợi ý, con òa khóc vì phát hiện ra đã hiểu nhầm đề.
"Cả buổi trưa, con khóc. Ai hỏi kết quả thi, con lại tủi thân bởi sai sót này ảnh hưởng lớn đến nguyện vọng 1 của con. Cũng không thể hoàn toàn trách thí sinh, giá mà chất lượng giấy in tốt hơn, sự việc đáng tiếc như vậy đã không xảy ra", chị L. chia sẻ.
Hiện tại, chị H. cũng chỉ biết động viên con, hy vọng Sở GD&ĐT có thay đổi, chấm thi theo cả đề đúng và đề học sinh hiểu nhầm. Nếu không, đây cũng là bài học kinh nghiệm cho thí sinh.
Trái ngược với những phụ huynh trên, một số phụ huynh khác cho rằng theo quy chế, ngay sau khi phát đề cho thí sinh, cán bộ coi thi đã yêu cầu thí sinh phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ, phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi để kịp thời xử lý. Nếu không phát hiện hoặc phát hiện quá 5 phút sau khi phát đề mới báo cáo, thí sinh phải tự chịu trách nhiệm
"Thí sinh có 5 phút để kiểm tra lại đề và báo lại cán bộ coi thi nếu thấy bất thường. Như vậy, lỗi này là do kỹ năng của thí sinh, không thể đổ lỗi do khâu in ấn", một người bình luận trên mạng xã hội.
Tương tự, một người khác cũng cho rằng: "Đúng là nhìn rất giống dấu âm nhưng nếu con bình tĩnh, nhìn kỹ hơn sẽ thấy không phải, bởi x-3 ở mẫu số sao lại lệch hẳn sang trái của phân số như vậy nếu có dấu âm ở trước. Nếu có dấu âm, phần x-3 phải viết hoàn toàn bên dưới dấu phân số".
Trao đổi với Tri thức trực tuyến, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết hiện sở đã tiếp nhận thông tin phản ánh.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.