Một quan chức chính phủ cấp cao cho biết hôm 17/6 rằng các thành phố của Ấn Độ đã trở thành "bẫy nhiệt" do sự phát triển mất cân bằng, tiêu thụ nhiều nước và làm tăng lượng khí thải nhà kính, SCMP đưa tin.
Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) dự báo nhiệt độ trên mức bình thường trong tháng 6 ở khu vực phía tây bắc và miền Trung đất nước, bao gồm cả thủ đô Delhi, khiến đây trở thành một trong những đợt nắng nóng kéo dài nhất lịch sử.
Nhiệt độ hàng ngày cao nhất ở thủ đô luôn duy trì trên 40 độ C kể từ ngày 12/5 và được dự báo phải tới 26/6 mới giảm xuống. Tiêu chí "sóng nhiệt" của IMD bắt đầu ở mức 40 độ C ở đồng bằng và 30 độ C ở vùng đồi - nơi thường mát hơn do độ cao.
Delhi, nơi cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, ghi nhận nhiệt độ khoảng 44 độ C vào cuối chiều 17/6, nhưng IMD cho biết nhiệt độ thực tế là 49,2 độ C.
Sự phát triển đô thị thiếu cân bằng khiến cho nhiều vùng của Ấn Độ trở thành "bẫy nhiệt". |
Krishna S. Vatsa, thành viên của Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia, cho biết: "Biến đổi khí hậu đóng một vai trò quan trọng".
Theo Vatsa, sự phát triển đô thị mất cân bằng, làm giảm diện tích đất ngập nước và thủy vực (thuật ngữ đề cập đến những nơi chứa nước lớn như đại dương, biển, hồ, cũng bao gồm những nơi chứa nước ít hơn như ao, đất ngập nước) là yếu tố khác gây ra bẫy nhiệt.
"Lượng khí thải nhà kính tăng lên. Những vùng hút nước đã giảm đáng kể. Các thành phố giờ đây đã trở thành bẫy nhiệt", ông nói, kết luận rằng giờ đây ban đêm cũng khó chịu như ban ngày.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE) công bố tháng trước, nhiệt độ bề mặt đất vào mùa hè từ năm 2001 đến năm 2010 tại các thành phố như Delhi, Hyderabad, Kolkata và Mumbai từng giảm tới 13,2 độ C vào ban đêm so với mức cao nhất ban ngày. Từ năm 2014 đến năm 2023, nhiệt độ chỉ giảm 11,5 độ C.
"Đêm nóng cũng nguy hiểm như nhiệt độ đỉnh điểm vào giữa trưa. Mọi người có ít cơ hội phục hồi sau cái nóng ban ngày nếu nhiệt độ vẫn cao vào ban đêm", báo cáo của Trung tâm cho biết.
Vatsa nói rằng hầu hết bang của Ấn Độ đang thực hiện các kế hoạch hành động chống nắng bao gồm cung cấp nước uống và cơ sở y tế tốt hơn, cũng như sắp xếp lại thời gian làm việc ngoài trời và cho các trường nghỉ học.
Nhưng Anumita Roychowdhury, giám đốc điều hành của CSE, cho biết không có nhiệm vụ rõ ràng nào để thực hiện các chiến lược dài hạn. Kế hoạch dài hạn của Delhi bao gồm tăng cường cách nhiệt cho các tòa nhà, phát triển nơi trú ẩn cho người nghèo thành thị và cư dân khu ổ chuột, và đầu tư vào các nguồn nước làm mát.
Vishwas Chitale - thành viên Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước tại New Delhi - cho biết những kế hoạch như vậy cần phải được hỗ trợ về mặt tài chính.
"Các thành phố đang gặp khó khăn về nguồn lực tài chính của chính họ và không có thêm ngân sách để thực hiện các hành động chống nóng", ông nói.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.