Từ đầu năm nay, ngành Du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Chuyến bay bị hạn chế, điểm du lịch đóng cửa, không đón được khách ngoại quốc... là một số yếu tố chính khiến các doanh nghiệp lao đao.
Để hiểu được khó khăn mà doanh nghiệp đã trải qua, đồng thời tìm ra giải pháp khắc phục, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã thực hiện cuộc khảo sát với 394 doanh nghiệp trên địa bàn cả nước. Khảo sát thực hiện từ 13-17/4 với các đối tượng gồm công ty lữ hành (51%), khách sạn (15%) và doanh nghiệp vận tải (14%).
Lệnh giãn cách xã hội và nhiều lý do khác khiến hoạt động của các doanh nghiệp Du lịch bị ảnh hưởng. Ảnh: Hà Anh Tuấn. |
Trong số các đối tượng tham gia khảo sát, 92,6% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (dưới 100 nhân viên). Số doanh nghiệp lớn (trên 100 nhân viên) chiếm tỷ lệ 7,4%.
Với các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, công suất phòng trong quý I/2020 quá thấp so với cùng kỳ. 65% cho biết doanh thu quý I của họ còn chưa được 30% so với 3 tháng đầu năm 2019.
Từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã phải thực hiện chính sách cắt giảm nhân sự. Tình hình này tiếp tục gia tăng trong khoảng một tháng trở lại đây khi Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn tốc độ lây lan của dịch. 18% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã cho nhân viên nghỉ việc hoàn toàn. Số doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ việc từ 50-80% chiếm 48%.
Số liệu từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho thấy tổng thu từ khách du lịch trong quý I năm nay đạt gần 144.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này đạt khoảng 175.000 tỷ đồng.
Thực tế này phản ánh đúng số liệu các doanh nghiệp tham gia khảo sát cung cấp. 3 tháng đầu năm, khoảng 70% doanh nghiệp cho biết chỉ đạt mức doanh thu chưa bằng 30% so với cùng kỳ. Trong quý II, tới 49,2% doanh nghiệp được hỏi thừa nhận sợ lỗ hoàn toàn, không có doanh thu. Lượng doanh nghiệp tự tin đạt mốc trên 70% so với quý I/2019 chỉ chiếm chưa tới 5%.
Dù tình hình bệnh dịch ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt so với nhiều nước cùng khu vực, nhiều doanh nghiệp vẫn bày tỏ quan ngại vào việc ngành Du lịch sớm hồi sinh.
Khảo sát về thời điểm hoạt động kinh doanh Du lịch có thể trở lại bình thường. Ảnh: TAB. |
Trong thời gian tới, TAB sẽ gửi Thủ tướng đề xuất giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Du lịch.
Nhờ kiểm soát tốt bệnh dịch, nhiều địa phương ở mức nguy cơ cao đã có đề xuất nới lỏng giãn cách xã hội sau 22/4. Tính đến sáng 21/4, Việt Nam ghi nhận 268 ca nhiễm, 214 ca đã phục hồi.