Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều giảng viên đại học ngoài công lập là cử nhân

Ngày 14/4, tại ĐH Công nghệ TP.HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị các trường đại học ngoài công lập.

Cả nước hiện có 60 trường ĐH ngoài công lập trong tổng số 235 trường ĐH với quy mô đào tạo trình độ ĐH là 232.367 sinh viên, chiếm 13,16% sinh viên ĐH trong cả nước.

Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu 40% vào năm 2020. Trong 43 trường cung cấp số liệu thu chi tài chính cho thấy trong năm 2016, tổng nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

giang vien dai hoc la cu nhan anh 1
Đại biểu phát biểu tại hội thảo.

Bà Phạm Thị Huyền - đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu các trường ĐH ngoài công lập - đã báo cáo kết quả nghiên cứu sau khi khảo sát trực tiếp tại 59 trường, cho biết vẫn còn một lượng lớn giảng viên có trình độ cử nhân.

Vẫn còn 12 trường thuê mướn 100% cơ sở đào tạo, một số trường có quá nhiều cơ sở, diện tích cơ sở nhỏ. Nguồn lực tài chính của các trường ĐH ngoài công lập còn hạn chế.

Học phí là nguồn thu chủ yếu của các trường, chiếm trên 61,17% tổng thu. Chi chủ yếu cho các hoạt động thường xuyên của nhà trường như trả lương cho cán bộ nhân viên, chi phí điện nước, duy trì bảo dưỡng cơ sở vật chất đã chiếm tới hơn 59%.

Điều này cũng phản ánh một thực tế là hoạt động của các trường ĐH ngoài công lập chủ yếu dựa vào hoạt động đào tạo. Vấn đề cũng hàm chứa rủi ro về tài chính trong bối cảnh việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.

Nhiều ý kiến từ phía các trường đòi các chính sách của nhà nước phải bình đẳng công - tư trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay, các chính sách về tuyển sinh, đào tạo, đấu thầu nghiên cứu khoa học.

Ông Lê Công Cơ - hiệu trưởng ĐH Duy Tân - nói: Cái lớn nhất của trường ĐH ngoài công lập là đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội mà nhà nước không phải đầu tư. Đây là sự đóng góp của trường ĐH ngoài công lập.

TS Phan Ngọc Sơn - hiệu trưởng ĐH Công nghệ Đồng Nai - cho rằng đang có sự không bình đẳng giữa trường công với trường tư. Hiện các trường ĐH ngoài công lập phải đầu tư tất cả để hoạt động và phải đóng thuế để trang trải cho trường công. Ông Sơn đề nghị các trường được giữ lại tiền thuế để tái đầu tư mạnh mẽ.

Ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch Hội đồng sáng lập ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương - cho rằng nhà nước chỉ nên bao cấp những ngành mà trường tư không làm được. Không thể lấy thuế của trường tư để bao cấp cho trường công trong khi hiệu quả đào tạo chưa chắc ai hơn ai…

Nhiều ý kiến đề nghị cần có chính sách để trường tư tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, được tham gia các đề án đào tạo bồi dưỡng giáo viên…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định những đóng góp của trường ĐH ngoài công lập là vô cùng lớn. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng có nhiều việc cần bàn. Trước hết là hành lang pháp lý còn rất yếu, chưa tạo được sự yên tâm cho những nhà đầu tư.

Bộ trưởng Nhạ nhận trách nhiệm này trước hết thuộc về Bộ GD&ĐT và cho biết tới đây sẽ tiếp tục rà soát các quy định để những quy định gì đã có nhưng không phù hợp thì sửa, chưa có thì bổ sung. Những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ đề nghị tháo gỡ để khuyến khích xã hội hóa.

Dù đánh giá cao các trường tư nhưng ông Nhạ cho rằng hoạt động của nhiều trường chưa đồng bộ, chủ yếu tập trung đào tạo và đào tạo những ngành ít phải đầu tư. Đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu.

Ông đề nghị các trường phải quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị… trường nào không thực hiện đúng cam kết khi mở trường thì sẽ sáp nhập hoặc giải thể.

Quá nhiều môn, lấy sức đâu để học!

Nhiều ý kiến lo ngại dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra bởi nội dung môn học lẫn cách đánh giá năng lực chưa hợp lý.

http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nhieu-giang-vien-dai-hoc-ngoai-cong-lap-la-cu-nhan-20170414223334528.htm

Theo Huy Lân / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm