6h30 sáng, khi mọi người đang còn ngái ngủ, cô giáo mầm non đã buộc phải có mặt ở trường. 8 năm gắn bó với nghề, đã thành thông lệ một ngày mới với cô Nguyễn Thùy Dương, lớp mầm 1 Trường mầm non Kidsgarden Hà Đông (Hà Nội) được bắt đầu với một chậu khăn đầy ắp phải giặt. Đến trường từ lúc còn tờ mờ sáng, cô Dương bắt tay luôn vào việc quét dọn, lau nhà như một lao công.
Được giao đứng lớp các cháu từ 12 -24 tháng áp lực với các cô khá lớn vì ở tuổi này các cháu cần nhiều sự chăm bẵm, bồng bế nên công việc cũng nhiều, không một phút ngơi tay.
Áp lực
7h sáng, sân trường bắt đầu rộn tiếng trẻ khóc. Một phụ huynh có con bị ốm vội trao con cho cô Dương cùng túi thuốc rồi quay đi cho kịp giờ làm. Cô Dương cùng hai giáo viên nữa chia nhau việc cho trẻ ăn sáng. Riêng trẻ bị ốm, cô phải bế trên tay vừa đút từng thìa vừa dỗ dành cưng nựng mà trẻ vẫn không ngừng khóc.
Cô Nguyễn Thùy Dương chăm sóc trẻ trong lớp học. Ảnh: Tiền Phong. |
Mất gần một giờ đồng hồ mới “đánh vật” xong bữa ăn sáng nhưng khi vừa bế trẻ lên tay, chỉ ho vài tiếng là trẻ đã trớ sạch những gì vừa ăn. Lưng áo của cô Dương ướt đẫm cháo, sữa. Một mùi hôi nồng bốc lên khó chịu. Cô nhẫn nại thay đồ, hì hụi lau dọn. Chưa ngớt tay, lại một cháu khác lẽo đẽo níu chân, bám tay đòi bế. Không được bế, trẻ nằm lăn ra sàn nhà khóc. Lại trớ.
“Khi có kinh nghiệm, biết trẻ sắp trớ cô bế nghiêng trẻ sẽ trớ xuống sàn. Những ngày đầu đi làm, ngày nào cũng hứng vài bãi nôn của trẻ là chuyện thường”, cô Dương nói.
Cô Trịnh Thị Dung, Trường mầm non Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy - Hà Nội) vượt lên nỗi cô đơn của người vợ trẻ có chồng là bác sĩ đang công tác ở Trường Sa để làm tốt nhiệm vụ. Hàng ngày, cô cùng hai giáo viên khác nuôi dạy hơn 50 trẻ trong lớp.
Cô Dung chia sẻ, làm nghề giáo viên mầm non nhiều niềm vui nhưng nỗi cực nhọc cũng không hề kém. Con nhỏ chưa đầy 4 tuổi, sáng nào hai mẹ con cũng dậy thật sớm để đến trường. Tối mắt với ăn, ngủ, dạy học cho trẻ đến hơn 6h chiều mới dắt con về phòng trọ đi chợ, nấu cơm.
Lắm hôm, phụ huynh quên đón con, hai mẹ con vò võ ngồi chờ. Cũng có hôm, chờ không được cô đành đưa trẻ về nhà cho ăn uống, tắm giặt. Vất vả với công việc, thời gian dành cho con trai cũng bị san sẻ. Khi trái gió trở trời, nặng cô mới xin nghỉ nếu không cũng đành gửi con sang lớp khác để còn dạy dỗ hơn 50 trẻ khác.
Vật lộn với cơm áo gạo tiền
Theo bà Vũ Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường mầm non Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy - Hà Nội): “Nghề giáo viên mầm non vất vả nhưng điều đáng buồn nhất là mức lương của giáo viên mầm non hiện nay thấp nhất trong hệ số lương của giáo viên”.
Với cách tính như hiện nay, lương giáo viên mầm non có hệ số 1,86. Một giáo viên mới ra trường chỉ nhận mức lương hơn 2 triệu đồng, giáo viên có kinh nghiệm 6-10 năm cộng với chế độ phụ cấp mức lương cũng chưa quá 5 triệu đồng. Trao đổi với nhiều giáo viên, mức thu nhập này không đủ để trang trải cuộc sống.
Cô Nguyễn Thùy Dương nghẹn ngào kể: 29 tuổi, mất chồng, một nách hai con nhỏ, cô Dương phải vượt qua nỗi đau riêng để tiếp tục đến trường. Thế nhưng, quần quật cả ngày từ sáng sớm đến tối mịt, mức lương thu về vỏn vẹn 4 triệu đồng không đủ cho mẹ con sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, để tăng thêm thu nhập, hàng ngày cô nhận trông trẻ ngoài giờ đến 7h tối và đi làm cả ngày thứ bảy.
Cuộc sống riêng của cô Trịnh Thị Dung cũng không khá hơn khi một mình nuôi con. Trích từ đồng lương ít ỏi, hai mẹ con thuê căn phòng trọ trong khu tập thể với giá 1,6 triệu đồng diện tích chỉ đủ trải vừa chiếc đệm, kê thêm tủ quần áo. Cô tâm sự: “Lương thấp nhưng hai mẹ con cố gắng tằn tiện trang trải”.
Theo Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, vấn đề lớp học quá tải hiện đã có điều lệ quy định sĩ số trẻ/lớp (mầm non không quá 50 cháu), mỗi lớp phải có 2,2 giáo viên/lớp tuy nhiên thực tế ở Hà Nội vẫn có nhiều trường vượt quá con số này.
“Trách nhiệm kiểm tra thuộc về Sở GD&ĐT nhằm đảm bảo các trường thực hiện đúng điều lệ, đảm bảo an toàn cho trẻ”, bà Nghĩa nói.
Thứ trưởng Nghĩa cho rằng trong các cấp học thì giáo viên mầm non là nghề đặc thù, chịu nhiều vất vả, làm việc quá sức mà chưa có chế độ phụ cấp thêm.