Có thể nhận thấy điều thay đổi rõ nhất trong kỳ thi THPT quốc gia gần đây là tỷ lệ xét tuyển vào đại học giảm.
Năm 2019, cả nước có 74% thí sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Tỷ lệ này là 74,3% năm 2018 và 75% đối với 2017.
So với trước thời điểm năm 2015, số học sinh đăng ký thi đại học giảm nhiều. Nhiều bạn trẻ từ chối vào đại học để theo các con đường khác, trong đó có học nghề. Bộ GD&ĐT đánh giá đây là xu hướng tích cực, cho thấy hiệu quả của công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông.
Xu hướng hiện tại nhiều học sinh học nghề. |
Còn nhiều khó khăn
Theo số liệu từ "Bản tin thị trường lao động" cho thấy tỷ lệ học sinh học nghề tăng cao. Trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ 3 tháng trở lên quý I năm 2019 là 12,36 triệu người, tăng gần 442 nghìn người so với cùng quý năm 2018.
Dù nhận thức của nhiều phụ huynh và học sinh đã thay đổi, không còn xem đại học là con đường "sống chết" duy nhất, thực tế cho thấy việc phân luồng hướng nghiệp sau THPT, đặc biệt là sau THCS, còn nhiều hạn chế.
Năm 2019, Sở GD&ĐT Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2020, 30% học sinh tốt nghiệp THCS học tập tại các trường trung cấp nghề hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, vừa đào tạo chương trình trung cấp nghề, vừa học văn hóa cấp THPT.
Ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các trường cao đẳng nghề. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý nhận định khó đạt được con số này.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê và Bộ GD&ĐT, mỗi năm, từ 90-95% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT.
Việt Nam thực hiện phổ cập giáo dục THCS. Sau cấp học này, hệ thống giáo dục quốc dân chia thành giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh hệ thống giáo dục chính quy, hệ thống giáo dục thường xuyên cũng tồn tại.
Như vậy, sau khi tốt nghiệp giáo dục THCS, học sinh có thể đi vào 4 luồng sau: Học tiếp lên THPT; học bổ túc THPT; học nghề hoặc trung cấp; tham gia vào thị trường lao động.
Các trường THCS cần định hướng cho học sinh, nếu cảm thấy lực học không vào được lớp 10 công lập, các em nên đăng ký học trung cấp chuyên nghiệp (hệ vừa học vừa làm). Khi ra trường, các em có cả bằng THPT và bằng nghề, có thể đi làm ngay. Như vậy, việc phân luồng sau THCS tạo cho người học tiếp cận năng lực phù hợp với cá nhân và nhu cầu của xã hội.
Học viên học nghề tại cao đẳng nghề. |
Cần thay đổi nhận thức phụ huynh về bằng cấp
Theo PGS.TS Phan Văn Kha - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - trong những năm qua, phân luồng học sinh sau THCS đã có những kết quả bước đầu nhưng còn không ít khó khăn, thách thức.
Nguyên nhân của tình trạng hạn chế việc phân luồng học sinh sau THCS do tâm lý nhiều người còn chạy theo bằng cấp nặng nề, văn hóa “khoa bảng”. Phụ huynh thường muốn con có bằng đại học nên từ chối mô hình giáo dục nghề nghiệp. Văn hóa đó không dễ thay đổi ngay lập tức.
Bên cạnh đó, những năm qua, cơ hội học sinh vào đại học nhiều hơn khi xét tuyển bằng học bạ, không sử dụng điểm sàn. Điều này gây hệ lụy khi luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp thấp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó khăn trong tuyển sinh.
Phần lớn cơ sở giáo dục nghề nghiệp, những năm gần đây, chưa tuyển sinh hết chỉ tiêu được giao. Trong khi đó, quy mô đào tạo cao đẳng, đại học của nước ta lại tăng nhanh (10-15% mỗi năm).
PGS Phan Văn Kha cho rằng để thực hiện thành công và hiệu quả phân luồng hướng nghiệp sau THCS cần thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội, người dân và chính học sinh, đồng thời, cần kết hợp các giải pháp chính sách, can thiệp và điều tiết của Nhà nước với các giải pháp của cơ sở giáo dục.
Không gian học tích hợp giảng dạy lý thuyết và thực hành tại trường cao đẳng nghề. |