Trong hội thảo xây dựng mô hình tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội do Bộ GD&ĐT tổ chức, đại diện của nhiều trường đã nói lên thực tế diễn ra trong trường học.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, gần đây diễn ra hàng loạt các hiện tượng như nữ sinh tại Mê Linh, Hà Nội làm mất 500.000 đồng tiền quỹ lớp rồi tự tử; một học sinh khác bị bạn bè ghép ảnh chế giễu tại Thạnh Thất, Hà Nội cũng tìm đến cái chết.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì hội thảo. Ảnh: Quyên Quyên. |
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội, những sự việc này nếu được can thiệp đúng lúc, kịp thời đã không xảy ra. Tại nhiều trường, cán bộ Đoàn là những người tư vấn tâm lý cho học sinh nhưng thực tế việc thực hiện còn chưa rõ nét, chuyên nghiệp. Một số trường học khi mở phòng tâm lý học đường đã có nhiều học sinh cần tư vấn như bị quấy rối tình dục suốt thời gian dài.
Trường Marie Curie TP HCM đã sử dụng cách thức tư vấn tâm lý cho học sinh qua Internet. Bên cạnh việc tư vấn qua email, nhà trường mở trang Marie Curie Confession trên Facebook. Đây là kênh liên lạc thông tin hiệu quả đối với học sinh gặp khó khăn về tâm lý.
Cũng theo đại diện trường này, trong năm 2014 có 3 học sinh bị tâm thần hoang tưởng, trong đó có em luôn mơ tìm cách giết bạn. Nhà trường đã chuyển học sinh đến bệnh viện để được giúp đỡ, hiện tại các em đã tốt nghiệp THPT. Trong năm học 2015 có học sinh bỏ học 20 ngày, sau khi được tư vấn tâm lý, các em đã đi học trở lại. Quan điểm của trường Marie Curie TP HCM, tư vấn tâm lý để nhằm hỗ trợ tâm lý học sinh, không phải moi móc đời sống tâm lý cá nhân.
Ông Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội nêu lại hàng loạt sự việc “nóng” gần đây khi trẻ mầm non liên tiếp bị bạo hành. Theo ông, nguyên nhân được đánh giá là do giáo viên thiếu hiểu biết, kỹ năng sư phạm yếu và sai lệch về đạo đức. Trong khi đó, trường học phải là nơi tập chung thực hiện áp dụng các biện pháp tâm lý giáo dục không chỉ cho học sinh mà còn cả giáo viên.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hải Phòng, trường THPT Thăng Long đã ra mắt cuốn sách Dạy con nên người dành tặng phụ huynh, học sinh. Trường THPT Nguyễn Trãi đã kết hợp mời giáo viên đến họp khu dân cư để cùng trao đổi thông tin.
Các trường học cần có phòng tư vấn tâm lý
Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây do Bộ GD&ĐT tiến hành, đa phần học sinh có nhu cầu tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, nhiều học sinh khi gặp các vấn đề tâm lý thường không biết cách giải quyết, trong khi đó các em có tâm lý e ngại, không chủ động trong việc tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ. Do đó việc tư vấn tâm lý rất nhạy cảm và quan trọng hơn là thu hút được học sinh tìm đến.
Ông Ngũ Duy Anh, vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết kết quả khảo sát các trường THCS, THPT tại Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Khánh Hòa... do Bộ GD&ĐT thực hiện cho thấy có đến trên 90% học sinh gặp khó khăn, vướng mắc về tâm lý và các em đều có nhu cầu được tư vấn.
Tuy nhiên, việc triển khai phòng tâm lý trong trường học còn nhiều hạn chế như: Nhiều trường chưa có giáo viên tư vấn chuyên trách, chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm; đa số góc tư vấn ghép chung với phòng y tế hoặc phòng Đoàn-Đội; giáo viên tâm lý chủ yếu phải làm việc ngoài giờ hành chính… Bên cạnh đó, phòng tư vấn còn gặp phải rào cản lớn về tâm lý, nhiều phụ huynh và học sinh vẫn nghĩ đó là phòng dành cho những người có vấn đề về mặt tâm thần…
Vì vậy, hội thảo đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng mô hình tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các giải pháp phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ chú trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ chuyên viên cho các nhà trường.