Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều kẽ hở trong xử lý hành vi xâm hại trẻ em

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhận định như vậy tại hội thảo về phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em được tổ chức hôm 28/7, tại TP.HCM.

Theo Tổng cục Cảnh sát , mỗi năm trung bình có 1.600- 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi so với thực tế vì rất nhiều nạn nhân không lên tiếng. 

Bà Nhữ Thị Minh Nguyệt - Cục trưởng C43 Bộ Công an nhận định, tình trạng trẻ em bị xâm hại đang có diễn biến phức tạp, xu hướng ngày càng gia tăng và độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ. Hầu hết đều là nữ giới (80%), trong đó dưới 6 tuổi chiếm 278 em, từ 6-13 tuổi chiếm 1.333 em, từ 13-16 tuổi chiếm 2.538. “Có những trẻ mới 1 tuổi cũng bị xâm hại. Đây là điều rất nhức nhối hiện nay” - bà Nguyệt chua xót.

Trong khi nạn nhân còn rất non nớt thì kẻ phạm tội lại đa dạng, phức tạp. Kẻ phạm tội luôn có lý lịch sạch, chưa tiền án tiền sự, là những người gần gũi, thân thiết với nạn nhân. Họ thường lợi dụng trẻ ở nhà một mình, ngồi chơi nơi vắng vẻ hoặc xâm hại trẻ ngay tại trường học… 

Xam hai tinh duc anh 1
Người đàn ông khóc khi kể lại chuyện con gái mới 7 tuổi của mình bị hàng xóm xâm hại.

Tuy nhiên, công tác phòng ngừa và điều tra, khám phá loại tội phạm này còn nhiều hạn chế. Phần lớn các vụ xâm hại đều do người dân, gia đình và nạn nhân đến tố cáo, còn các vụ do ngành công an phát hiện bằng các biện pháp nghiệp vụ chỉ chiếm 6%.

“Khó khăn lớn là làm cách nào để phát hiện “yêu râu xanh”, trong khi nạn nhân còn quá nhỏ. Những vụ xâm hại rất ít khi bắt được quả tang, không có nhân chứng trực tiếp… Dấu vết phạm tội ở đâu, lớn hay nhỏ… cực kỳ khó phát hiện trong quá trình điều tra. Hơn nữa, khi phát hiện chậm thì dù có khám nghiệm hiện trường kỹ đến đâu cũng khó tìm được” - đại tá Sự nêu vấn đề.

Ông Nguyễn Giang Nam - Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho rằng, định tội cho tội phạm vấn đề này cũng còn nhiều vướng mắc, có khi giám định của Trung tâm pháp y thì khác, lên cấp trên lại khác. Nhận thức của cơ quan pháp luật khác nhau thì tội danh cũng khác, chỉ cần kết luận “xâm hại” hay “dâm ô” thì hình thức xử lý đã khác rồi. Mặt khác, hiện nay cũng chưa có những quy định về giám định khẩn cấp đối với những vụ tố giác XHTD. Công tác phòng ngừa nghiệp vụ còn sơ hở, thiếu sót khi “bỏ lọt” người dưới 18 tuổi tham gia các băng nhóm tội phạm nhưng chưa được ngành công an quản lý.

Ở góc độ pháp lý, vẫn còn nhiều kẽ hở trong việc xử lý hành vi XHTD trẻ em. Đơn cử như với hành vi ấu dâm, rõ ràng hành vi của đối tượng xâm hại đến thân thể, nhân phẩm của nạn nhân, nhưng việc xác định tội danh gặp nhiều khó khăn do hậu quả để lại trên thân thể nạn nhân khó xác định.

“Các văn bản luật hiện hành chưa điều chỉnh được hết vấn đề này, pháp lý vẫn còn kẽ hở, gây khó khăn trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm. Tổng cục cảnh sát sẽ tham mưu cho lãnh đạo các cấp trong việc từng bước hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi luật cho phù hợp với thực tiễn” - trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát nhấn mạnh.

http://www.tienphong.vn/phap-luat/nhieu-ke-ho-trong-xu-ly-hanh-vi-xam-hai-tre-em-1171749.tpo

Theo Uyên Phương/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm