Các sản phẩm tour nội đô ngày càng đa dạng. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Chia sẻ với Zing, Kiều Anh (quận Phú Nhuận) cho biết cô vừa mua tour khám phá khu Chợ Lớn (quận 5) cho gia đình vào kỳ nghỉ lễ sắp tới tại một sự kiện du lịch gần đây.
Nữ nhân viên văn phòng chọn tour nội đô vì không cần chuẩn bị thủ tục phức tạp như du lịch nước ngoài và không phải chịu cảnh chen chúc, đông đúc như các điểm đến trong nước.
"Ngoài ra, mức giá của loại tour này cũng khá vừa túi tiền. Gia đình tôi có 4 người, nếu mua tour nội địa cũng mất hơn 20 triệu cho cả nhà", Kiều Anh bày tỏ.
Không chỉ hút khách ngoại
Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Lữ hành Vietluxtour, cho biết sức mua các sản phẩm tour nội đô vào dịp lễ 30/4 có phần tăng cao. Đơn vị ước tính tăng khoảng 40-60% so với cùng kỳ.
Các sản phẩm tour nội đô năm nay thu hút được cả khách trong nước và quốc tế. Theo công ty, sự tăng trưởng này là kết quả từ các hoạt động quảng bá, kích cầu của các cơ quan xúc tiến du lịch cùng doanh nghiệp.
Đại diện Lữ hành Vietluxtour cho biết: “Công ty đặt kỳ vọng các sản phẩm này không chỉ thu hút du khách quốc tế mà sẽ trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng của thành phố, tạo dấu ấn độc đáo và ý nghĩa với du khách".
Trong thời gian tới, đơn vị lữ hành này sẽ tiếp tục đẩy mạnh dòng sản phẩm trên, đa dạng ở tuyến điểm và thị phần khách.
Tour du lịch vòng quanh thành phố bằng xe bus 2 tầng là lựa chọn phù hợp cho du khách bận rộn. Ảnh: Chí Hùng. |
Tương tự, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Vietravel, cũng nhận xét năm nay, các sản phẩm tour nội đô thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách.
Theo bà Phương Hoàng, kỳ nghỉ lễ dài như năm nay sẽ chia khách du lịch thành nhiều nhóm khác nhau.
Cụ thể, với những khách có sức chi mạnh, họ sẽ ưu tiên lựa chọn thị trường quốc tế. Nhóm khách còn lại sẽ hướng đến những điểm đến hoặc sản phẩm phù hợp để đi ngắn ngày, không tốn nhiều thời gian và kinh phí như tour nội đô.
Nhóm khách tại địa phương lựa chọn sản phẩm tour này thường không đặt chỗ sớm bởi đặc điểm của loại tour này là ít khi kín chỗ, dễ di chuyển và thời gian diễn ra khá ngắn.
Theo thống kê của cả hai đơn vị, nhóm khách lựa chọn tour nội đô vào kỳ nghỉ 30/4-1/5 chủ yếu là khách gia đình. Ngoài ra, sản phẩm này còn thu hút các nhóm khách đoàn từ doanh nghiệp và ban, ngành, đoàn thể.
Không chỉ ghi nhận những tín hiệu tăng trưởng tích cực về lượng khách nội địa, sau khi du lịch mở cửa trở lại, du khách quốc tế quay trở lại Việt Nam cũng dành sự quan tâm đến các sản phẩm này.
Vẫn cần thêm động lực phát triển
Hiện, TP.HCM đã triển khai chương trình "Mỗi quận, huyện, một sản phẩm du lịch đặc trưng". Trong đó, các điểm di tích lịch sử, văn hóa được nhiều địa phương lựa chọn để khai thác.
Theo ông Thế Dũng, để đưa sản phẩm du lịch tìm hiểu lịch sử và khám phá văn hóa đến gần hơn với du khách, cần phải cho họ cảm được câu chuyện đó.
"Công việc của hướng dẫn viên cho sản phẩm tour này không chỉ là thuyết minh cho từng điểm đến mà còn phải tạo sự liên kết, biến bài giới thiệu thành một câu chuyện gần gũi để du khách tiếp nhận dễ dàng hơn", ông Dũng chia sẻ thêm.
Bus sông là một trong những sản phẩm thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách. Ảnh: Chí Hùng. |
Bên cạnh đó, bà Phương Hoàng nhận định, các sản phẩm du lịch nội đô đang được khai thác rất tốt. Tuy nhiên, để loại tour này có thể sống được, các đơn vị và bộ ngành liên quan cần tiếp tục thêm lửa, tạo động lực phát triển và trở thành một nét đặc trưng riêng của du lịch thành phố.
Theo vị giám đốc này, tour nội đô trở nên thu hút hơn với khách nội địa không phải vì sản phẩm này giải quyết được bài toán kinh tế mà bởi nhóm tour này đã đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu nét mới và nét đặc trưng của thành phố họ đang sinh sống.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố có 366 tài nguyên du lịch. Ngành du lịch đã kết nối, giới thiệu hơn 60 sản phẩm du lịch, trong đó có 30 sản phẩm mới của các quận huyện, góp phần phong phú, đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách trong nước và quốc tế.Trong cuộc họp lắng nghe ý kiến đóng góp cho kế hoạch phát triển du lịch TP.HCM năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Dương Anh Đức, cho rằng thành phố có vị thế là điểm đến của khách du lịch trước khi đến với các địa phương khác nên cần có sự liên kết các vùng cùng chia sẻ và phát triển sản phẩm đặc trưng riêng.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cần tập trung sản phẩm chất lượng, đầu tư chiều sâu để có giá trị gia tăng lớn hơn. Việc phát triển của ngành du lịch cần phải đảm bảo cả về chất lượng và sự đa dạng sản phẩm.
Cụ thể, thành phố đã xây dựng và đi vào khai thác nhiều tour, tuyến khám phá các điểm đến nội đô như: “Lắng nghe hơi thở của rừng” ở Cần Giờ, “Về miền đất thép" ở Củ Chi, “Về Chợ Lớn xem múa lân” của quận 5...
Ngoài ra, các sản phẩm du lịch trên sông như: “Trải nghiệm du thuyền ngắm Sài Gòn - hòn ngọc Viễn Đông”, “Trên bến dưới thuyền"... cũng được đầu tư phát triển.
Trong năm nay, ngành du lịch TP.HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển sản phẩm đặc trưng thêm một giai đoạn là liên kết các quận, huyện hoặc từ các quận, huyện của thành phố với các điểm đến lân cận tạo thành tour, tuyến đa dạng hơn.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.