Chưa khi nào thị trường ôtô Việt Nam chứng kiến những màn đua tranh về giá khốc liệt như hiện tại. Hầu hết hãng xe đang áp dụng các chương trình khuyến mại, giảm giá ròng rã từ tháng này qua tháng khác, với hy vọng doanh số tăng. Tuy nhiên, không phải cứ giảm giá là có người mua. Nhiều dòng xe dù khuyến mại lớn vẫn bán trầy trật.
Trong tháng 7, Nissan X-Trail bán tổng cộng 110 xe, doanh số chưa bằng một nửa Honda CR-V và kém hơn 500 xe so với Mazda CX-5. Đáng chú ý, đây là phân khúc cạnh tranh rất sôi động về giá bán trong thời gian qua.
Kiên trì giảm giá, X-Trail cũng chưa đuổi kịp doanh số của các đối thủ trong phân khúc. |
Mẫu crossover 5+2 chỗ ngồi của Nissan tặng tiền mặt cho người mua xe từ 20 đến 40 triệu đồng, kèm theo các quà tặng khác. Thế nhưng, khi X-Trail giảm giá thì các đối thủ cũng không ngồi im. Honda CR-V còn giảm nhiều hơn từ 100 đến 170 triệu đồng. Mazda CX-5 cũng không đứng ngoài cuộc đua này, khi giảm giá xe từ 30 triệu đồng cho toàn bộ các phiên bản.
Một cái tên khác trong tầm giá 1 tỷ đồng là Isuzu mu-X cũng có doanh số lẹt đẹt trong tháng 7. Dòng xe này bán tổng cộng 21 chiếc, dù áp dụng chính sách quà tặng trị giá tương đường 45 triệu đồng.
Mitsubishi Pajero Sport cũng được áp dụng chính sách giảm giá khoảng 100 triệu đồng trong tháng 7 nhưng doanh số đạt 21 xe.
Honda Accord giảm giá đến cả trăm triệu đồng vẫn không đắt khách. |
Ở phân khúc sedan khoảng 1 tỷ đồng, Honda Accord có mức giảm đến 100 triệu đồng, tuy nhiên doanh số dòng xe này trong tháng 7 chỉ đạt 17 xe. So với cùng thời điểm năm ngoái, số lượng xe bán ra chỉ bằng một nửa, trong khi giá đã giảm đến gần 200 triệu.
Ở tầm tiền cao hơn, bối cảnh cũng tương tự. Honda Odyssey, giá gần 2 tỷ đồng, giảm giá 200 triệu đồng trong tháng 7 cũng không có nhiều người mua. Doanh số của dòng xe này chỉ đạt 11 chiếc, giảm so với tháng 7 năm ngoái 19 xe. Tính từ đầu năm, đây cũng là dòng xe bán kém nhất của Honda, với doanh số 63 xe.
Ra mắt thị trường Việt gần 1 năm, Ciaz chưa lấy được lòng người tiêu dùng, dù có chính sách giảm giá trong thời gian gần đây. |
Trong tầm giá khoảng 700 triệu trở xuống, tình hình cũng không khả quan với nhiều dòng xe dù áp dụng chính sách giảm giá sâu. Chiếc sedan Suzuki Ciaz giá niêm yết 580 triệu đồng, nhận được giảm giá 40 triệu đồng, nhưng doanh số chỉ vỏn vẹn 2 xe. Đây là dòng xe ế nhất thị trường trong tháng 7. Trong khi đó, những chiếc Chevrolet Aveo LTZ, giá niêm yết 495 triệu đồng, giảm 30 triệu đồng cũng chỉ bán được 26 xe, ít hơn tháng 7 năm ngoái 8 xe.
Có thể thấy, càng gần thời điểm thuế nhập khẩu xe ASEAN về 0% năm 2018, người tiêu dùng càng đắn đo và chờ đợi giá xe giảm nhiều hơn nữa bất chấp các hãng đang áp dụng nhiều chương trình ưu đãi nhất có thể.
Thời điểm thị trường ổn định, dù phải bỏ số tiền cao người tiêu dùng cũng sẵn sàng mua xe, nhưng ở bối cảnh thị trường khó lường như hiện tại, mua xe tháng trước tháng sau đã mất cả trăm triệu đồng thì không ai muốn mạo hiểm, trừ khi thật sự có nhu cầu.
Thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam cho thấy doanh số toàn thị trường trong tháng 7 đã giảm 16% so với tháng 6 và 27% so với cùng kỳ năm ngoái dù giá xe bây giờ rẻ hơn.