Trong năm 2021, số lượng nam giới Hàn Quốc là nạn nhân của tội phạm tình dục kỹ thuật số được cơ quan chức năng ghi nhận đã tăng gấp đôi so với năm trước đó, Korea Times đưa tin.
Theo Bộ Bình đẳng giới và Gia đình của nước này, Trung tâm hỗ trợ nạn nhân tội phạm tình dục kỹ thuật số đã hỗ trợ cho hơn 1.800 nam giới vào năm 2021. Con số vào năm 2020 là 926 người. Trung tâm này do Cơ quan xúc tiến nhân quyền Phụ nữ Hàn Quốc trực thuộc Bộ thành lập vào năm 2018.
Một poster chống lại nạn quay lén bất hợp pháp tại Seoul. Ảnh: Korea Times. |
Trong năm 2021, trung tâm hỗ trợ tổng cộng 6.592 nạn nhân với khoảng 188.000 trường hợp, bao gồm tư vấn, hỗ trợ xóa ảnh, video, giám sát sau khi xóa, hỗ trợ pháp lý và y tế.
Bộ cho biết số nạn nhân và các trường hợp hỗ trợ tăng lần lượt với tỷ lệ 39,8% và 10,2% so với năm 2020.
Theo giới tính, phụ nữ chiếm 73,5% số vụ, tương đương 5.100 người trong tổng số nạn nhân, so với 1.843 nạn nhân nam.
Theo nhóm tuổi, thiếu niên và những người ở độ tuổi 20 lần lượt chiếm 21,3% và 21% trong tổng số trường hợp, báo cáo cho biết.
Đáng chú ý, 51,7%, tức hơn một nửa số nạn nhân, không biết thủ phạm là ai và 28,2% cho biết thủ phạm là những người họ đang có quan hệ mập mờ.
Năm ngoái, trung tâm hỗ trợ xóa video và ảnh chia sẻ bất hợp pháp của 169.820 trường hợp, đánh dấu mức tăng 7% so với năm 2020, cơ quan này cho biết thêm.
Trong số liệu chính thức, số lượng nam giới Hàn Quốc trở thành mục tiêu của các vụ quấy rối trên mạng và cần đến hỗ trợ của cơ quan chức năng đã tăng gấp đôi trong năm 2021. Ảnh: SCMP. |
Lý giải đằng sau, cơ quan này đánh giá vấn nạn chụp ảnh, quay lén bất hợp pháp vẫn đang trên đà gia tăng, chưa giải quyết triệt để là nguyên nhân chính. Câu chuyện camera ẩn đặt tại nơi công cộng, nhà riêng trở nên phổ biến tại Hàn Quốc với mục tiêu nhắm vào cả phụ nữ và đàn ông.
Tính riêng năm 2017, chính quyền thành phố Seoul đã phát hiện 6.500 trường hợp đặt máy quay lén tại buồng thử đồ, nhà vệ sinh công cộng, tàu điện ngầm.
Hầu hết camera ẩn đều có kích thước nhỏ nên khó phát hiện và chỉ mất khoảng 15 phút để cài đặt. Nếu không, chúng cũng được ngụy trang thành các vật dụng như điều khiển, chuột máy tính, đồng hồ đeo tay, móc áo để tránh nghi ngờ.
Dù chính quyền cựu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In từng lên án hành vi này là "tội ác độc hại", luật pháp nước này lại chứa các yếu tố giảm nhẹ cho thủ phạm như say rượu, có thái độ ăn năn.
Bất chấp các nỗ lực xóa bỏ các phòng chat, trang web phát tán ảnh, video nhạy cảm, những địa chỉ như vậy vẫn tồn tại và khó ngăn chặn kẻ điều hành mở thêm trang mới.
Mặt khác, việc truy vết, bắt giữ chủ nhân các trang web “độc hại” gặp nhiều khó khăn vì địa chỉ IP của máy tính thường được đặt tại các quốc gia khác.