Mới đây, Zing đã nhận được nội dung thắc mắc từ độc giả T.Q. (nữ, 40 tuổi) về vấn đề tính mốc thời gian cách ly tập trung đối với các trường hợp là F1.
Người này cho biết chị và một số người đang cách ly tập trung tại Sóc Sơn, Hà Nội, mong muốn nhận được câu trả lời rõ ràng về sự khác biệt giữa trường hợp phải cách ly 21 ngày kể từ khi vào khu cách ly tập trung và người cần cách ly 21 ngày từ thời điểm tiếp xúc với F0.
Cách ly 21 ngày tính từ thời điểm nào?
Cụ thể, chị Q. cho biết trước khi chờ sắp xếp đi cách ly tập trung, họ đã nhận được quyết định cách ly y tế tại nhà từ ngày tiếp xúc với F0.
"Do đó, nếu tiếp tục bị tính cách ly tập trung 21 ngày kể từ khi vào khu cách ly, tổng thời gian cách ly y tế có thể sẽ kéo dài hơn 28 ngày (21 ngày tại khu cách ly, 7 ngày tại nhà sau cách ly và thời gian tự cách ly ở nhà trước đó). Như vậy, chúng tôi sẽ phải cách ly lâu hơn các trường hợp khác", chị Q. chia sẻ.
Trước đó, họ đã liên hệ tới Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội và ban quản lý khu cách ly tập trung nhưng chưa nhận được câu trả lời cụ thể.
"Sau khi đọc được một số bài báo và hướng dẫn rõ ràng từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), chúng tôi đã gửi yêu cầu xem xét tới ban quản lý khu cách ly tập trung. Tuy nhiên, câu trả lời là Hà Nội vẫn áp dụng cách ly 21 ngày từ khi vào khu cách ly tập trung thay vì từ ngày tiếp xúc F0", chị Q. chia sẻ.
Hà Nội áp dụng thời gian cách ly tập trung đủ 21 ngày với 4 lần xét nghiệm rRT-PCR. Ảnh minh họa: Phạm Thắng. |
Theo chị Q., HCDC hướng dẫn rõ trường hợp cách ly tập trung 21 ngày từ khi vào khu cách ly là F1 không xác định được ngày tiếp xúc F0. Trong khi đó, trường hợp cách ly 21 ngày từ khi tiếp xúc F0 là người xác định được mốc thời gian này chính xác.
Do đó, độc giả này mong muốn Hà Nội sẽ có hướng dẫn rõ ràng, tương tự TP.HCM và CDC Hà Nội có thể trả lời cụ thể cho công dân thông qua hotline. Từ đây, họ sẽ đảm bảo tuân thủ theo quy định.
Hà Nội không áp dụng cách ly từ ngày F1 tiếp xúc F0
Trao đổi với Zing, ông Trương Quang Việt, Giám đốc CDC Hà Nội, cho biết tại Hà Nội và các khu cách ly tập trung do quân đội quản lý, các trường hợp F1 đều được yêu cầu thực hiện cách ly đủ 21 ngày từ thời điểm vào khu cách ly.
"Quy định của Bộ Y tế có đề cập đến việc cách ly tập trung từ ngày tiếp xúc với F0. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với F0, việc giám sát các F1 là rất khó khăn và thiếu tính chính xác. Do đó, ban quản lý các khu cách ly tập trung của Bộ Quốc phòng sẽ áp dụng luôn từ ngày F1 thực hiện cách ly", ông Việt lý giải.
Quy định về thời gian cách ly tập trung tại Hà Nội đã được thống nhất trong các cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố từ vụ dịch trước. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh. |
Ông Trần Văn Chung, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, xác nhận các trường hợp F1 tại Hà Nội đều được yêu cầu cách ly tập trung đủ 21 ngày với 4 lần xét nghiệm rRT-PCR (nhiều hơn các địa phương khác một lần).
Theo đó, nội dung này đã được Hà Nội đề xuất và thống nhất với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trong các cuộc họp từ những vụ dịch trước.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cũng cho hay quy định này hoàn toàn phù hợp với Công điện số 600 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về điều chỉnh thời gian cách ly tập trung.
Cụ thể, nội dung công điện số 600 nêu: "Điều chỉnh thời gian cách ly tập trung đối với các trường hợp phải cách ly tập trung theo quy định từ ít nhất 14 ngày lên ít nhất 21 ngày liên tục tại khu cách ly tập trung kể từ ngày vào khu cách ly hoặc tiếp xúc lần cuối với người nhiễm SARS-CoV-2".
Dù vậy, ông Trương Quang Việt cũng đồng ý rằng cần có văn bản quy định một cách thông nhất để tránh hoang mang cho người dân.
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, từ 27/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 463 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết các bệnh nhân liên quan 13 chùm ca bệnh. Thành phố mới đây cũng phát hiện chùm ca bệnh vừa xuất hiện là chợ Cửa hàng mới (Đông Anh) với 18 bệnh nhân. Tuy nhiên, ổ dịch này đã cơ bản được kiểm soát.