Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nhiều người đang hiểu sai về trường chuyên'

Đó là chia sẻ của ông Vũ Đức Thọ - hiệu trưởng trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) - khi nói về công tác đào tạo của hệ thống trường THPT chuyên.

Ông Thọ cho rằng nhiều người đang hiểu sai về hệ thống đào tạo trường chuyên khi lấy một vài điển hình xấu để đưa ra cái nhìn tổng thể.

“Những trường chuyên đào tạo ra học sinh giỏi, nhưng giỏi không phải chỉ một môn mà giỏi toàn diện. Bởi những học sinh đã giỏi thì cái gì các em cũng muốn tìm hiểu. Cơ bản là trường có định hướng học sinh đáp ứng yêu cầu hay không mà thôi”, ông Thọ nêu quan điểm.

thi THPT quoc gia anh 1

Ông Thọ chia sẻ: “Có thể thấy không phải vô cớ mà những cuộc thi trí tuệ, kiến thức toàn diện cho học sinh THPT như Đường lên đỉnh Olympia, hầu hết thí sinh vào chung kết đều đến từ các trường chuyên”.

Theo ông Thọ, ngoài việc đào tạo mũi nhọn, các trường chuyên cũng rất chú trọng hướng tới việc đào tạo học sinh phát triển toàn diện. Dẫn chứng ngay ở trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, điều này thể hiện rõ nhất ở việc trường hiện quan tâm nhất đến việc đào tạo ngoại ngữ cho học sinh, một điểm được xác định là điểm yếu của các học sinh tỉnh lẻ.

“Tiếc là các học sinh trường chuyên đặc biệt ở các địa phương như chúng tôi thì ngoại ngữ còn kém. Có tình trạng là các em đúng là học sinh giỏi, thậm chí tốt nghiệp vào ngoại thương, kinh tế… những trường top đầu của Việt Nam nhưng ra trường vẫn thất nghiệp”.

Do đó, trường xác định hướng cần khắc phục là nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh. Để làm được điều này, 3 năm nay, trường này liên kết hợp tác với một số trung tâm tiếng Anh.

Một mặt tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh và giáo viên dạy các bộ môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Mặt khác tăng cường các giờ học với giáo viên bản ngữ.

“Chương trình giáo viên Việt và nước ngoài sẽ được đồng bộ vào với nhau. Giáo viên nước ngoài mạnh về khả năng nghe nói thì dạy về cái đó. Giáo viên Việt tập trung dạy về ngữ pháp và viết luận cho học sinh”.

Vì vậy, theo ông Thọ, nhiều năm trở lại đây khả năng tiếng anh học sinh đã có những tiến bộ vượt trội.

“Năm trước điểm ngoại ngữ bình quân thi THPT quốc gia của học sinh trường trên 7, năm vừa rồi là trên 6,5. Đến thời điểm này, số lượng học sinh của trường giỏi ngoại ngữ là tương đối đông”.

thi THPT quoc gia anh 2
Ông Vũ Đức Thọ - hiệu trưởng trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định. 

Ông Thọ cho rằng để có thể phát triển được hệ thống trường chuyên, khâu quan trọng nhất vẫn là giáo viên.

“Tăng cường bồi dưỡng giáo viên là khâu quan trọng nhất, có thể nói làm tốt khâu đào tạo giáo viên thì kết quả chất lượng sẽ lên. Đây là một trong số những hoạt động quan trọng nhất cần phải làm”.

Theo ông Thọ, lực lượng giáo viên trẻ kế cận là rất cần thiết bởi lực lượng cao tuổi hoặc sắp nghỉ hưu hoặc đến độ tuổi không chịu được áp lực dạy chuyên.

“Chúng tôi định hướng thay đổi đội ngũ kế cận. Vì vậy phải xây dựng được một khung chương trình đồng bộ để đội trẻ sẽ dựa vào khung chương trình đấy để biết phải dạy cái gì, làm được gì thì sẽ thực hiện được tốt.

Nếu không, có thể người ta có thể rất giỏi, nhiệt huyết nhưng không biết nên làm theo hướng nào. Việc xây dựng chương trình khung là để phục vụ trực tiếp cho đối tượng bổ sung vào đội ngũ chuyên.

Dựa trên khung chương trình chung, trường cũng có thể yêu cầu tất cả các giáo viên hiện có tự viết bài giảng và trong vài năm sẽ có hệ thống bài giảng riêng phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy của trường.

“Ngoài ra, để nâng cao chất lượng, chúng tôi yêu cầu bắt buộc hàng năm giáo viên phải có đề tài nghiên cứu. Việc này để đánh giá khả năng tự học và tự nghiên cứu của từng giáo viên”.

Cần có cơ chế động viên học sinh giỏi

Cũng xác định giáo viên chính là yếu tố tiên quyết đến việc thành công của hệ thống đào tạo chuyên, bà Đỗ Thị Hòa - hiệu trưởng trường THPT Chuyên Trần Phú (Hải Phòng) - lo lắng hiện thiếu nguồn tuyển mới.

thi THPT quoc gia anh 3
Bà Đỗ Thị Hòa - hiệu trưởng trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng.

“Giờ có ai vào sư phạm đâu, thậm chí trong những em đội tuyển tham dự thi học sinh giỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay số vào ngành sư phạm. Nếu có thì chủ yếu là các môn thuộc khoa học xã hội. Còn khoa học tự nhiên thì rất ít các em bước vào ngành sư phạm để trở thành các thầy cô”.

Bà Hòa thực sự lo lắng bởi tính chất của hệ chuyên đòi hỏi các thầy cô phải có nền tảng đào tạo rất tốt.

“Hiện nay, trường chúng tôi có 3 thầy giáo chuyên Toán và đang rất muốn tuyển thêm một sinh viên giỏi. Nhưng 2 năm nay không có một hồ sơ nào.

Ngành Sư phạm giờ dư rất nhiều, nhưng thật sự xuất sắc, đáp ứng được yêu cầu, có tố chất, tiềm năng dạy chuyên thì với các bộ môn khoa học tự nhiên không phải nhiều”, bà Hòa nêu thực tế.

Ngoài ra, theo bà Hòa, để có thể khuyến khích được công tác đào tạo chuyên, cần có cơ chế đặc biệt cho những học sinh giỏi. Cụ thể, Bộ GD&ĐT cần xây dựng một cơ chế động viên đối với học sinh giỏi quốc gia.

“Mỗi năm, mỗi trường chuyên chỉ có một đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia từ 8-10 em ở mỗi bộ môn. Những học sinh này phải mất từ 11-12 năm phấn đấu, rèn luyện để trở thành thành viên của đội tuyển tham dự thi học sinh giỏi quốc gia.

Nhưng theo cơ chế thì chỉ khoảng 50% số này có giải. Trong đó, có cả giải khuyến khích, thế nhưng diện tuyển thẳng cũng chỉ từ giải ba trở lên.

"Rõ ràng số lượng được ưu tiên này rất hạn chế bởi tính tổng mỗi tỉnh cũng chỉ khoảng 100 em. Số có giải thì không nói, nhưng số còn lại thì như chỉ tham gia một cuộc chơi mà không được một quyền lợi gì.

Trong khi, để được trở thành người chơi của cuộc chơi đó phải đầu tư nhiều công sức, đâu phải là ăn may. Chưa kể, khi không đạt giải, quay về ôn thi đại học, có khi các em lại đuối hơn so với các bạn không dành nhiều tâm huyết cho việc vào được đội tuyển”, bà Hòa nói.

Điều này dẫn đến nảy sinh thực tế nhiều trường chuyên mà ngay trường THPT chuyên Trần Phú, nhiều bộ môn rất khó khăn trong việc động viên học sinh tham dự đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Đây là cái khó trong việc đào tạo và phát triển các trường chuyên.

Bà Hòa cũng đề xuất cần phải có sự động viên, cơ chế khích lệ hợp lý với bất kỳ học sinh nào vào được đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia của địa phương đó. Có thể là có một chứng nhận và phải được cộng điểm thi đại học môn học đó khi học sinh tham gia thi đại học.

“Như vậy các em học sinh giỏi khi bước vào đội tuyển đã cảm thấy có được một vinh dự. Và tại sao với học sinh giỏi, chúng ta lại khắt khe đến thế?", bà Hòa nói.

Đề xuất học sinh vào đội tuyển quốc gia được tuyển thẳng ĐH

Để có thể lựa chọn được những học sinh giỏi thực sự vào đội tuyển quốc gia, Bộ GD&ĐT cần có cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích.

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/331348/nhieu-nguoi-dang-hieu-sai-ve-truong-chuyen.html

Theo Thanh Hùng/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm