Nhiều người Hàn Quốc hiểu sai về bạo lực gia đình khi cho rằng chồng bị vợ đánh không phải bạo lực gia đình. Ảnh minh họa: JTBC. |
Theo nghiên cứu "Tích hợp hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực tại nhà" do Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc công bố hôm 23/4, chỉ 12,2% người Hàn Quốc được khảo sát hiểu đúng về bạo lực gia đình.
Kết quả này được dựa theo khảo sát 754 người trên 19 tuổi vào tháng 11/2022, theo Korea Times.
Theo định nghĩa của Đạo luật về các trường hợp đặc biệt liên quan đến việc trừng phạt tội phạm bạo lực gia đình Hàn Quốc, bạo lực gia đình là những tổn hại về thể chất hoặc tâm lý do một thành viên gây ra cho một thành viên khác trong gia đình. Luật quy định rõ “thành viên gia đình” bao gồm quan hệ vợ chồng, cha mẹ và con cái, họ hàng thân thích chung sống với nhau.
Nghiên cứu cho thấy nạn nhân của bạo lực gia đình phần lớn được cho là phụ nữ, với 91,4% số người được hỏi cho rằng hành vi gây tổn hại của người chồng đối với vợ cấu thành bạo lực gia đình, trong khi chỉ có 50% nhận thức được rằng tình huống ngược lại cũng được coi là bạo lực gia đình.
Do đó, hệ thống hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình ở Hàn Quốc chỉ tập trung vào các nạn nhân nữ, gây khó khăn cho các nạn nhân khác, chẳng hạn như trẻ em, người già và người khuyết tật, trong việc nhận được sự giúp đỡ phù hợp.
Nhiều người Hàn không trình báo hành vi bạo lực vì coi là chuyện nội bộ gia đình. Ảnh minh họa: Yonhap. |
Khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ các vụ bạo lực gia đình được trình báo thấp. Hơn một nửa, tương đương 55,7% số người được hỏi, cho biết từng bị bạo lực gia đình, nhưng chỉ 13,1% báo cảnh sát. 50,1% cho biết lý do lớn nhất họ không báo cho cơ quan thực thi pháp luật là quan niệm cho rằng đây là vấn đề gia đình.
Ngoài ra, chỉ có 27,5%, tương đương 64 trong số 233 nhân chứng của bạo lực gia đình, đã báo cáo các vụ việc với cảnh sát. Những người được hỏi cho biết họ không trình báo vụ việc vì "không biết liệu các hành vi đó có cấu thành bạo lực gia đình hay không" (36,1%), "nghĩ rằng đó là vấn đề nội bộ gia đình" (33,3%), "cảm thấy việc trình báo sẽ không có tác dụng gì" (28,4%) và "sợ rằng thủ phạm sẽ làm hại người tố cáo" (26,6%).
Moon Yoo-kyung, Giám đốc Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc, cho biết "hành vi bạo lực giữa vợ hoặc chồng trong cuộc cãi vã hoặc cha mẹ đưa ra hình phạt về thể xác trong khi giáo dục con cái thường được coi là 'không thể tránh khỏi' hoặc là 'vấn đề riêng tư' ở Hàn Quốc". Điều này khiến người bên ngoài khó mà xen vào và chấm dứt hành vi bạo lực đó.
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.